Search
Thứ 4, 06/09/2017, 09:57 AM

18.000 tàu cá TQ tràn xuống Biển Đông: Ngư dân quyết không bỏ biển

18.000 tàu cá TQ tràn xuống Biển Đông: Ngư dân quyết không bỏ biển

Vừa kết thúc lệnh cấm phi pháp cấm đánh bắt trên Biển Đông, chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) lại tiếp tục xua hơn 18.000 tàu cá của tỉnh này xuống vùng biển Hoàng Sa đánh bắt. Trước động thái này của Trung Quốc, ngư dân các tỉnh miền Trung khẳng định vẫn sẽ nổ máy ra khơi...

Khó khăn vẫn không bỏ biển

Sáng 5.9, tại cảng Thọ Quang (Đà Nẵng), theo các chủ tàu cá vừa trở về sau nhiều ngày đánh bắt trên biển Hoàng Sa thì năm nào sau lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp trên Biển Đông, phía Trung Quốc cũng xua tàu cá của tỉnh Hải Nam tràn xuống Hoàng Sa. Chỉ có điều, năm nay khác  mọi năm khi Trung Quốc tổ chức diễn tập rất lớn bao trùm cả vùng biển Hoàng Sa và vịnh Bắc Bộ của Việt Nam.

“Với việc Trung Quốc vừa kết thúc diễn tập thì hàng chục ngàn tàu cá được lệnh xuống Biển Đông đánh bắt. Có thể thấy rằng ngư trường Hoàng Sa - ngư trường chính của ngư dân miền Trung ngày càng “ngột ngạt”. Ngư dân chúng tôi xác định không dễ dàng, thoải mái đánh bắt hải sản như những năm trước. Trước khi ra khơi chúng tôi đã lường trước được nhiều khó khăn trước mắt rồi” - ngư dân Huỳnh  Văn Vốn (Đà Nẵng), chủ tàu cá ĐNa 90657 nói.

18.000 tau ca tq tran xuong bien dong: ngu dan quyet khong bo bien hinh anh 1

Tàu cá của ngư dân miền Trung vẫn nối đuôi nhau ra khơi, không lo sợ trước các động thái của phía Trung Quốc trên Biển Đông.   ảnh: Đình Thiên

Đại diện Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 (đóng tại Quảng Nam) cho hay, việc Trung Quốc xua tàu cá xuống Biển Đông không mới. Hầu như năm nào họ cũng có động thái này. Hiện nay tàu của đơn vị luôn có mặt trên biển để bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo...

Vừa trở về sau chuyến biển gần 20 ngày ở Hoàng Sa, ngư dân Phạm Hừng (quê  Quảng Ngãi) - chủ cặp tàu số hiệu QNg 8759, ĐNa 90198 cho biết, cách đây 4 ngày khi tàu của ông đi ngang qua đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) thì bị tàu hải cảnh của Trung Quốc chạy tới xua đuổi. “Thấy họ quá hung hăng nên tôi yêu cầu các thuyền trưởng rẽ hướng chạy vào bờ để đảm bảo an toàn. Chuyến biển này năng suất thấp hơn nhưng những ngày tới chắc chắn tôi không bỏ biển. Khoảng hai ngày nữa, khi bán xong hải sản và tiếp nguyên nhiên liệu, tôi lại cho tàu trở lại Hoàng Sa” - ông Hừng khẳng định. Còn ông Lê Mến (Đà Nẵng) - Tổ trưởng tổ dịch vụ hậu cần nghề cá số 4 thì cho biết: “Mấy ngày nay các tàu bạn ở Quảng Nam, Bình Định, Đà Nẵng…  chuyên bán hải sản cho tàu của tôi thông báo về bằng ICom rằng hải sản đánh bắt được rất ít vì họ bị nhiều tàu Trung Quốc quấy phá. Tuy nhiên tôi không nghe bất kỳ chủ tàu nào nói sẽ cho tàu quay lại bờ vì lo sợ tàu Trung Quốc cả”.

Ra biển theo tổ đội

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ngư dân Trương Văn Hay (Đà Nẵng) - chủ tàu ĐNa 90235 cho biết: “Mấy năm trước khi Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá  và sau đó là hàng chục ngàn tàu cá của họ tràn xuống Biển Đông là y như rằng tàu chấp pháp của Trung Quốc tiến xuống Hoàng Sa nhiều hơn. Chuyện này đối với chúng tôi không có gì mới. Gia đình tôi có 7 anh em với 7 con tàu đã họp bàn các phương án hỗ trợ nhau trước khi ra biển. Hơn nữa lúc này chúng ta đã có tổ đội nên ra biển cũng yên tâm hơn rất nhiều”.

Còn ngư dân Lê Văn Chiến (Đà Nẵng) - chủ con tàu ĐNa 90351 cho hay, anh đã hay tin Trung Quốc cấm đánh bắt cá trên Biển Đông nhưng anh khẳng định anh và  tất cả ngư dân miền Trung đều không nao núng. “Tàu tôi cùng hàng chục con tàu ở cảng cá Thọ Quang này đang chuẩn bị nguyên nhiên liệu để tối nay nổ máy ra biển. Nói không sợ cũng không hoàn toàn đúng, nhưng biển mình mình cứ đánh bắt, ngoài việc nuôi sống gia đình còn tham gia cùng các lực lượng khác bảo vệ ngư trường, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” - anh Chiến khẳng định .

Còn ngư dân Nguyễn  Sương (Phú Yên) cho hay: “Vùng biển Hoàng Sa giờ đặc ken tàu thuyền của Trung Quốc, tàu họ to, máy lớn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn. cứ mỗi khi ra biển chúng tôi đều đi theo tổ đội cùng  đánh bắt gần nhau. Nếu có sự cố là chạy tới hỗ trợ kịp thời. Khi đêm xuống, nếu nghỉ ngơi thì luôn có một tàu được cắt cử thức giấc để canh phòng tàu lạ tiến tới có ý đồ xấu. Còn hải sản đánh bắt được bao nhiêu là có tàu hậu cần thu gom đưa về đất liền luôn”.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Trị cho biết, tỉnh vẫn tuyên truyền và động viên bà con ngư dân an tâm đánh bắt, vững vàng bám biển, tuân thủ đúng pháp luật khi khai thác thủy sản trên biển. “Vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì ngư dân ta có quyền đánh bắt, và thực tế ngư dân Quảng Trị vẫn ra khơi bình thường” – ông Nam nói.
 

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Đà Nẵng cho biết, hiện Hội đã khuyến cáo ngư dân nên không lại gần khu vực có nhiều tàu của Trung Quốc. Để cho an toàn, khi ra biển ngư dân nên đi theo đoàn, đi theo tổ đội để cùng đánh bắt và bảo vệ lẫn nhau khi có sự cố xảy ra.

Ông Lĩnh cho biết, hiện riêng ngư dân Đà Nẵng đã thành lập tổ khai thác hải sản với gần 600 tàu, hoạt động tại các vùng khơi và 4 nghiệp đoàn nghề cá với gần 500  thành viên. Cùng với đó, tiếp tục duy trì hiệu quả mạng thông tin liên lạc biển giữa các đài thông tin của Bộ đội Biên phòng thành phố, Đài Thông tin duyên hải, trạm bờ Chi cục Thủy sản với các tàu cá Đà Nẵng hoạt động sản xuất trên biển để kịp thời theo dõi, cảnh báo sớm đối với các tàu có dấu hiệu đi vào vùng biển của các nước trong khu vực...

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Văn Khôi -  Chi đội trưởng Chi đội Kiểm ngư 3 (thuộc Bộ NNPTNT đóng tại Đà Nẵng) cho biết: “Hiện các tàu của Chi cục vẫn đang ngày đêm bám biểm làm nhiệm vụ. Ngư dân chúng ta cứ yên tâm bám biển. Biển của chúng ta chúng ta cứ đánh bắt”.

Để cho ngư dân yên tâm bám biển trước việc Trung Quốc cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã cho lập bản đồ mật danh tọa độ của các tàu cá đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa. Nếu xảy ra sự cố thì các tàu cá trên biển cũng như lực lượng Biên phòng sẽ xác định được ngay vị trí để kịp thời tiếp ứng.

 

 

Theo Dân Việt

 

 



0.32593 sec| 1484.602 kb