Nhận được thông tin hàng chục ha nuôi ngao tại xã Quảng Nham, (huyện Quảng Xương) chết trắng, lãnh đạo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, cùng phòng, ban đã xuống thực địa kiểm tra, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm...
Thông tin tới phóng viên Báo điện tử, ông Ngô Văn Long (thôn Bình, xã Quảng Nham) cho biết: "Gia đình đang nuôi hơn 8 ha ngao thương phẩm và ngao giống. Sáng 27.11, thì phát hiện ngao chết trắng, số lượng chết 90%, ước thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng. Rất mong cơ quan chức năng sớm đưa ra kết luận nguyên nhân ngao chết, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho người nuôi".
Khu vực được xác định ngao chết đồng loạt. Ảnh: Vũ Thượng
Với 20 năm trong nghề nuôi ngao, ông Lê Ngọc Tân (thôn Thanh, xã Quảng Nham) lý giải: "Ngao thường hay chết vào tháng 3, 4 hằng năm, khi đó thời tiết nắng nóng. Nhưng năm nay ngao chết đột ngột thế chỉ có thể do nguồn nước bị ô nhiễm (!?). Với 3 ha nuôi ngao của gia đình, số lượng chết lên đến 80-90% số ngao trong bãi, thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng. Mong nhà nước hỗ trợ để gia đình cải tạo bãi nuôi cho vụ mới".
Ông Lê Ngọc Tân (thôn Thanh, xã Quảng Nham) lý giải với phóng viên Báo điện tử: "Ngao chết trắng do nguồn nước bị ô nhiễm (!?)". Ảnh: Vũ Thượng
Được biết, tại xã Quảng Nham có 29 hộ nuôi ngao thương phẩm, ngao giống với tổng diện tích 62 ha, tỷ lệ ngao chết bình quân từ 40-50% số ngao trên bãi.
Hiện tượng ngao chết trắng bãi đã kéo dài nhiều ngày. Ảnh: Vũ Thượng
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử, ông Trần Xuân Lờ-Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham cho biết: "Sau khi người dân báo có hiện tượng ngao chết, xã đã xuống kiểm tra. Qua thống kê, toàn xã ngao chết khoảng 1.240 tấn, ước thiệt hại của bà con gần 15 tỷ đồng. Nguyên nhân chết vẫn chưa được xác định...".
Ông Trần Xuân Lờ (ảnh từ trái qua) cùng nhiều hộ nuôi ngao bị chết đang trao đổi với phóng viên Báo điện tử. Ảnh: Vũ Thượng
Bà Vũ Thị Ánh Nguyệt-Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Xương thông tin: "Căn cứ vào kết quả kiểm tra thực tế và kết quả xét nghiệm mẫu nước, mẫu ngao của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I. Xác định, mật độ nuôi từ 1.000-1.300 con/m2 (cỡ ngao 100-120 con/kg và 200-250 con/kg). 9/9 mẫu ngao đều không nhiễm khuẩn Vibrio và âm tính với bệnh Perkinsus sp...Như vậy, nguyên nhân xảy ra hiện tượng ngao chết do mật độ nuôi cao kết hợp với giai đoạn giao mùa có sự chênh lệnh nhiệt độ ngày và đêm lớn làm ngao bị sốc".
"Trong thời gian tới hiện tượng ngao chết vẫn tiếp tục xảy ra. Người nuôi lưu ý, đối với ngao đã đạt kích cỡ nên tiến hành thu hoạch, riêng ngao còn nhỏ thì nên san thưa để duy trì mật độ. Ngoài ra, vệ sinh bãi ngao hằng ngày, thu gom rác, ngao chết ra khỏi vùng nuôi, chôn lấp theo quy định. Cũng như tạm dừng thả nuôi mới nếu chưa xử lý môi trường nuôi. Đồng thời, theo dõi các yếu tố môi trường nước như pH, nhiệt độ, độ mặn...", bà Vũ Thị Ánh Nguyệt-Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Xương khuyến cáo.
Theo Vũ Thượng (Dân Việt)