Search
Thứ 5, 08/09/2016, 09:21 AM

Ngôi trường 'đặc biệt', dạy các em về Trường Sa, Hoàng Sa

Ngôi trường

Ngôi trường này sẽ là một minh chứng nữa để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Các em học sinh sẽ được thầy cô dạy dỗ, về Hoàng Sa, về Trường Sa như những câu chuyện kể mà cha, ông các em vẫn kể về vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc....

Ngôi trường đặc biệt, dạy các em về Trường Sa, Hoàng Sa

Học sinh trường THCS Hoàng Sa trong buổi lễ chào cờ năm học mới

Trường mang tên quần đảo Hoàng Sa, huyện đảo của thành phố Đà Nẵng, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Học trò trong ngôi trường mang cái tên đặc biệt cũng là con em của ngư dân nghèo phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) và các lực lượng chấp pháp đang ngày đêm bảo vệ biển đảo Tổ quốc.

“Ngôi trường này sẽ là một minh chứng nữa để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Các em học sinh sẽ được thầy cô dạy dỗ, chia sẻ về Hoàng Sa, về Trường Sa như những câu chuyện kể mà cha, ông các em vẫn kể về vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc”, cô giáo Hiệu trưởng Mai Huyền Thu Hoài xúc động nói trong buổi lễ khai giảng năm học mới.

Ngày khai trường đặc biệt

Buổi sáng ngày hội khai trường 5/9, những ngư dân làng chài Thọ An (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) tươm tất hơn ngày thường. 6 giờ rưỡi sáng, khi mặt trời mới lên được nửa con sào, tiếng thúc giục của các vị phụ huynh, tiếng í ới gọi nhau của các cô cậu học sinh trong bộ đồng phục mới trắng tinh làm sôi động hẳn cả làng chài. Hôm nay, họ đưa con đến trường bắt đầu năm học mới. Ngôi trường mang tên Hoàng Sa.

“Tôi đi biển cả đời. Tàu ra khơi là cứ nhắm hướng Hoàng Sa mà đi. Đó là vùng đất, vùng biển của cha ông chúng tôi nên chẳng bao giờ có thể quên được. Con tôi năm nay vô lớp 6 đáng lẽ sẽ học ở trường THCS Lý Tự Trọng. Tuy vậy, khi biết quận mới mở trường THCS Hoàng Sa, cả nhà đều quyết định sẽ cho cháu học ở đây. Học ở trường này để cháu không quên mảnh đất tổ tiên, nơi mà cha ông nó cực nhọc lao động để kiếm tiền nuôi sống gia đình, cho con cháu đến trường”, ngư dân Lê Văn Nghĩa (phường Thọ Quang) hào hứng chia sẻ.

Trường THCS Hoàng Sa được thành lập dựa trên quyết định của UBND quận Sơn Trà. Nói như bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, thì đây là điểm hẹn của con em có phụ huynh gắn đời mình với quần đảo Hoàng Sa

09-54-19_nh-2-hs-tro-chuyen-ben-cong-truog

Học sinh nhà trường trò chuyện bên cổng trường Hoàng Sa

Trường được xây dựng trên diện tích 4.000m2 với nhiều cơ sở vật chất hiện đại. Năm học đầu tiên, trường có 541 em ở các khối lớp. Trong đó, có 155 học sinh lớp 6 vừa được tuyển vào trường. Nhà trường được trang bị hai phòng học vi tính hiện đại. Bên cạnh đó là thư viện với hàng trăm đầu sách.

“Sách đủ thể loại phù hợp với lứa tuổi học sinh. Nhưng điểm đặc biệt ở trường là có rất nhiều đầu sách về chủ quyền biển đảo, về Hoàng Sa và cả Trường Sa. Các lớp học cũng được đặt tên theo các anh hùng lịch sử và cả tên các đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa. Nhà trường trong thời gian tới sẽ cố gắng liên hệ xin các phiên bản của những tấm bản đồ cổ chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam để treo trong các lớp học”, một cô giáo cho hay.

Đã có hàng chục năm đứng trên bục giảng, nhưng ngày khai trường năm nay, cô giáo Mai Huyền Thu Hoài vẫn không khỏi xúc động, hồi hộp khi được giao nhiệm vụ trở thành hiệu trưởng nhà trường. Cô những ngày đầu nhận nhiệm vụ, cô đã tìm đọc và bổ sung cho mình rất nhiều kiến thức về Hoàng Sa, quần đảo mà ngôi trường vinh dự mang tên.

“Các em học sinh ở đây chủ yếu là các gia đình có tàu đánh bắt xa bờ, tham gia khai thác trên ngư trường Hoàng Sa. Đời sống của phụ huynh còn nhiều khó khăn nhưng các em chắc chắn sẽ có điều kiện học tập trong môi trường tốt nhất với cơ sở vật chất hiện đại cùng đội ngũ giáo viên trẻ, giỏi và nhiệt tình.

Tôi tự hào là người lãnh đạo ngôi trường nhiều ý nghĩa này và tin chắc các thầy cô giáo khác cũng vậy. Chúng tôi tự hứa sẽ dạy dỗ các em thật tốt để xứng đáng với tên ngôi trường”, cô Hoài chia sẻ

09-54-19_nh-3-co-gio-hieu-truong-dnh-hoi-truong-khi-ging-nmhoc-moi-o-truong-hong-s

Cô giáo hiệu trưởng Mai Huyền Thu Hoài đánh trống khai giảng năm học mới

Buổi lễ khai giảng bắt đầu. Hàng trăm ánh mắt học sinh tay chào cờ, ánh mắt nhìn thẳng vào cờ Tổ quốc, miệng hát quốc ca oai hùng. Buổi lễ khai trường đầu tiên của ngôi trường mang tên Hoàng Sa diễn ra với một thế hệ học sinh mới, tràn đầy sức sống và mang theo biết bao hy vọng.

Dạy các em về Trường Sa, Hoàng Sa

Xúng xính trong những bộ đồng phục mới tinh, các cô cậu học sinh nở trên môi nụ cười tươi rói ngày tựu trường khi gặp lại bạn bè sau 3 tháng hè xa cách. Tiếng nói cười líu lo vang lên khắp sân trường. Từng nhóm đứng tụm năm, tụm bảy kể cho nhau nghe về mùa hè vừa trải qua. Trong câu chuyện của mình, các em cũng không quên nhắc về ngôi trường mới mà mình sẽ gắn bó.

“Năm ngoái em học ở trường Lý Tự Trọng. Trường này mới xây nên ba em chuyển em về đây học vì trường có tên Hoàng Sa. Ba em đi biển miết, mỗi tháng chỉ ở nhà được khoảng 10 ngày. Ba em nói đi đánh cá ở Hoàng Sa. Đó là nơi ba kiếm tiền cho em ăn học.

Mỗi khi đi biển về, ba em đều kể chuyện đánh bắt cá ở Hoàng Sa cho em nghe. Ba nói đó là nơi tôm cá, hải sản nhiều vô kể, những hòn đảo với c như trong phim. Ông nội em trước kia cũng đi biển Hoàng Sa. Em thích nhất là mỗi ngày ông kể chuyện ở Hoàng Sa cho nghe. Sau này, em cũng muốn ra đó”, cậu học trò lớp 7 Nguyễn Văn Tùng hồn nhiên nói.

Nhỏ hơn 1 tuổi, vừa mới bước vào lớp 6 nhưng Trần Đại Nghĩa, lại tỏ ra rất hiểu biết về biển đảo. Hỏi mãi, Nghĩa mới chịu tiết lộ ba em là Kiểm ngư viên đang làm việc ở Cục Kiểm ngư vùng 3 đóng tại Đà Nẵng.

“Ba em làm việc ngoài Hoàng Sa. Tàu của ba em bảo vệ tàu của các bác ngư dân và ngăn chặn bọn xấu”, Nghĩa nói

09-54-19_nh-4-the-he-hoc-sinh-du-tien-o-ngoi-truong-mng-tenhong-s

Thế hệ học sinh đầu tiên của ngôi trường mang tên Hoàng Sa

Ngôi trường Hoàng Sa không chỉ đặc biệt khi học sinh là con em có phụ huynh gắn liền với Hoàng Sa mà còn đặc biệt bởi có đến 90% giáo viên có chồng cũng đang công tác trên biển.

Cô giáo Trần Thị Thu Hà, chủ nhiệm lớp 6/3, giáo viên dạy môn lịch sử là một trong số đó. Chồng cô, Thượng úy Lê Quang Dựng đang là trợ lý công binh đang công tác tại quần đảo Trường Sa.

Chồng đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở đảo xa, cô Hà một mình ở đất liền vừa công tác, vừa nuôi .

“Em được chuyển về trường công tác thì rất đỗi tự hào. Chồng em công tác ở Trường Sa, em dạy môn lịch sử, địa nên em may mắn có thêm nhiều tư liệu, nhiều câu chuyện để kể cho các em học sinh.

Hoàng Sa là của Việt Nam. Em sẽ luôn dạy học trò như thế và đưa thêm các tư liệu để chứng minh cho các em hiểu. Nếu chồng có dịp nghỉ phép, em sẽ xin phép nhà trường cho anh ấy trực tiếp đến trường để kể cho học sinh về những người lính nơi đảo xa, về những vất vả và tự hào khi đứng ở tiền tiêu bảo vệ tổ quốc. Em tin rằng học trò của mình sẽ hào hứng với điều đó”, cô Hà tâm sự.

Tiếng trống trường vang lên 3 hồi dài báo hiệu năm học mới bắt đầu. Học sinh các lớp hào hứng túa vào phòng học những trang sách đầu tiên. Cô trò trường THCS Hoàng Sa cùng hàng triệu học sinh khác trên cả nước cùng nhau phấn đấu để có 1 năm học thành công.

“Trường mới thành lập, dù biết trước sẽ còn những vất vả nhưng cô trò chúng tôi sẽ luôn phấn đấu hết sức mình. Các em là con em ngư dân, còn nhiều khó khăn. Nhà trường sẽ tìm cách giúp đỡ các em trong khả năng có thể”, cô Hoài, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

 

Theo Nongnghiep.vn



0.33637 sec| 1546.773 kb