Search
Thứ 5, 18/07/2019, 09:30 AM

Dịch tả lợn châu Phi: Càng chống, càng lộ nhiều "lỗ hổng"

Dịch tả lợn châu Phi: Càng chống, càng lộ nhiều "lỗ hổng"

Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ cấp kinh phí cho các tỉnh để hỗ trợ người dân bị thiệt hại do tiêu hủy lợn, nhiều địa phương còn kiến nghị Chính phủ và Bộ NNPTNT cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch chăn nuôi lợn và chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH), an toàn dịch bệnh...

Nhiều tỉnh “cạn tiền” hỗ trợ

Là tỉnh đầu tiên trên cả nước phát sinh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) từ ngày 1/2/2019, đến nay, Hưng Yên đã có trên 1/3 tổng đàn lợn bị tiêu hủy, với tổng kinh phí cần hỗ trợ cho người dân có lợn bị tiêu hủy lên tới hơn 600 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết: “Nguồn kinh phí dự phòng của tỉnh chỉ có 180 tỷ đồng trong khi số thiệt hại do DTLCP tới thời điểm hiện tại đã lên tới 600 tỷ đồng. Do cạn kiệt nguồn ngân sách nên tỉnh đang rất cần nguồn kinh phí hỗ trợ từ T.Ư để đẩy nhanh việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại”.

Dịch tả lợn châu Phi: Càng chống, càng lộ nhiều "lỗ hổng"

Sau khi mất lợn, nhiều hộ ở miền Bắc đã chuyển sang chăn vật khác để vượt khó khăn. Ảnh: Hải Đăng

"Trước mắt, để hỗ trợ cho người dân, Hưng Yên đã có phong trào tuyên truyền, vận động người dân không quay lưng với thịt lợn, tăng cường tiêu thụ thịt lợn, trong đó tỉnh đề nghị cán bộ, đảng viên phải là những người đi đầu hưởng ứng. này khá hiệu quả, mà theo chúng tôi các địa phương khác nên vào cuộc tương tự" - ông Quang khẳng định.

Cũng theo ông Quang, Hưng Yên đang đẩy mạnh nhân rộng, phổ biến các mô hình, chuỗi chăn nuôi lợn ATSH, hướng tới xây dựng các vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh. Để đẩy nhanh được việc áp dụng chăn nuôi ATSH, tỉnh kiến nghị cần có cơ chế pháp lý cần thiết để xử lý, từng bước hạn chế các cơ sở chăn nuôi không đảm bảo ATSH, an toàn dịch bệnh.

Cùng với Hưng Yên, tỉnh Quảng Ninh cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong công tác phòng chống DTLCP.

Dịch tả lợn châu Phi: Càng chống, càng lộ nhiều "lỗ hổng"

Người chăn nuôi lợn ở Ninh Bình và nhiều địa phương khác lâm cảnh trắng tay sau "bão" dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Hải Đăng

Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến thời điểm này, số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy đã chiếm 36% tổng đàn lợn của tỉnh. “Tới giờ phút này, quỹ dự phòng đã chi hết sạch, bắt đầu phải cân não xem lấy nguồn để chi tiền hỗ trợ!” - ông Hậu nói.

Theo ông Hậu, trước tình hình phức tạp của DTLCP, có rất nhiều khâu trong phòng chống dịch cần phải xem xét lại. Bộ NNPTNT phải chỉ đạo khẩn trương điều chỉnh phương thức chăn nuôi tại các địa phương. Nếu cứ giữ mô hình hộ nuôi nhỏ lẻ đan xen trong khu dân cư thì dịch vẫn tiếp tục xảy ra, lúc nào chúng ta cũng phải chạy theo chống dịch.

“Bên cạnh đó, vấn đề giết mổ cũng cần phải kiểm soát mạnh hơn, nếu không, cho dù khâu chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thì nguồn lây lan dịch vẫn hiển hiện. Ngoài ra, cần kiểm tra lại khâu chôn lấp xử lý lợn dịch. Chẳng hạn như Hà Nam, địa hình thấp hơn mặt nước biển mà lại đem chôn thì dịch cứ thế mà loang ra theo nguồn nước...” - ông Hậu nói thêm.

Hỗ trợ đồng đều hơn

Được biết, đến nay, tỉnh Hải Dương đã cấp hơn 258 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách và nguồn cải cách tiền lương để hỗ trợ các huyện, thành phố bị thiệt hại do bệnh DTLCP.

Ông Nguyễn Văn Định - nông dân ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) cho biết, huyện có lượng lợn bị dịch tả phải tiêu hủy lớn và trong quá trình kiểm kê, hỗ trợ, đa số người dân đều đồng thuận nhưng cũng có nhiều người thắc mắc khi thấy hỗ trợ không đồng đều.

"Những hộ có lợn mắc bệnh bị tiêu hủy về sau được hỗ trợ thấp hơn. Cách tính mức hỗ trợ theo đầu lợn tiêu hủy cho lực lượng dập dịch cũng chưa phù hợp. Nhiều con lợn to, khó vận chuyển và tiêu hủy, phải thuê máy móc, thuê nhiều người nên chi phí lớn" - ông Định nói.

“Để chăn nuôi lợn an toàn trước dịch bệnh và có đầu ra ổn định, tôi đề nghị tỉnh thời gian tới cần quy hoạch lại vùng chăn nuôi tập trung để có thể áp dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong chăn nuôi, tăng sản lượng, chất lượng phục vụ thị trường khó tính” - ông Định đề xuất.

Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang (Hải Dương) - ông Nguyễn Tiến Tầng đề nghị UBND tỉnh cần có chính sách hỗ trợ phù hợp vì những hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do DTLCP thời gian sau thậm chí còn thiệt hại hơn vì phải mất thêm chi phí nuôi, phòng chống dịch.

"Tỉnh cần đánh giá rõ hơn nữa về ảnh hưởng của DTLCP đối với sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm. Qua đợt dịch bệnh này, công tác phòng dịch cần phải được đặt lên hàng đầu, nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi" - ông Tầng nhấn mạnh.

Ông Vũ Văn Hoạt - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương cho hay: Bệnh DTLCP đã được khống chế nhưng chưa thể ngăn chặn do chưa có thuốc đặc trị; việc sản xuất vaccine phòng bệnh mới chỉ thành công ở khâu thử nghiệm. Việc loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh DTLCP rất khó. Sau đợt dịch này, người chăn nuôi nhỏ lẻ cần đầu tư chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại và khép kín. Chủ các trang trại phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi ATSH, bỏ thói quen tận dụng thức ăn thừa.

"Bệnh DTLCP rất có thể sẽ bùng phát mạnh trở lại nếu người dân và cơ quan chức năng lơ là trong phòng chống" - ông Hoạt cảnh báo.

Không còn chỗ tiêu hủy lợn dịch

Tại Bình Thuận - địa phương mới bị dính dịch khoảng gần 1 tháng nay cũng đang rơi vào tình trạng quá tải, số lợn chết dịch tăng chóng mặt nhưng không còn chỗ tiêu hủy.

Ông Nguyễn Tấn Hùng - Chủ tịch UBND thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh cho biết: “Hiện chỗ nào chôn được lợn, chúng tôi đã chôn hết rồi. Giờ đàn lợn còn khoảng trên 4.000 con nhưng Đức Tài không còn chỗ để xử lý nữa, đất công cũng hết.

Chúng tôi rất mong Bộ NNPTNT và các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu tìm ra các giải pháp tiêu hủy lợn dịch khác để gỡ khó cho các địa phương”.

 

Theo Hải Đăng (Dân Việt)



0.22633 sec| 1484.617 kb