Cây ăn quả trồng chậu được xem như một giải pháp tuyệt vời dành cho những gia đình có diện tích đất hạn hẹp hoặc hầu hết các gia đình sống tại khu vực đô thị. Áp dụng kỹ thuật trồng cây ăn quả trong chậu dưới đây, bạn sẽ có ngay những chậu cây vừa làm cảnh lại vừa có quả ăn.
Trên thực tế không phải loại cây nào cũng có thể trồng trong chậu và để trong nhà (trừ khi áp dụng các phương pháp biến đổi gen, lai tạo). Các loại cây phổ biến được trồng trong chậu để trong nhà có đặc điểm chung là có kích thước vừa phải, dễ khống chế sự phát triển. Đặc biệt những giống cây ăn quả trồng chậu thường là giống cây cho ra quả quanh năm và quả có hình thức nhỏ nhắn, rất bắt mắt. Dưới đây là các loại cây ăn quả trong nhà có thể trồng chậu phổ biến nhất:
Cây chanh: đây là loại cây ăn quả trồng chậu phổ biến nhất bởi loại cây này cho ra quả quanh năm và trong cuộc sống hàng ngày chúng ta cũng sử dụng quả chanh thường xuyên để chế biến món ăn, nước chấm, nước giải khát... Bên cạnh đó, hoa và lá chanh tỏa ra mùi thơm dễ chịu nên nếu để trong nhà sẽ rất thích hợp.
Cây khế: đây là loại cây thực tế có kích thước không hề nhỏ để trồng trong chậu nhưng hiện nay người ta đã có thể tạo giống bonsai giúp giảm kích thước của cây và dễ dàng tạo hình thù đẹp mắt.
Cây lựu: lựu cũng được xem là giống cây ăn quả trồng chậu được trồng khá phổ biến trong nhà bởi tạo dáng đẹp mắt cùng những trái lựu thơm ngon hấp dẫn.
Cây quất: chậu quất chắc chắn không còn xa lạ với chúng ta nhất là vào dịp tết. Cây quất quả sai lúc lỉu chính là biểu tượng của tài lộc, sức khỏe gắn liền với nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Cây ổi: tương tự cây khế, ổi cũng là một loại cây có kích thước không hề nhỏ nhưng cũng được trồng và tạo dáng bonsai vừa làm cảnh vừa lấy quả ăn.
So với các loại cây ăn quả thông thường khác, cách trồng cây ăn quả trong chậu sẽ có những điểm khác biệt riêng thể hiện ở cách chọn giống, cách chăm sóc, cắt tỉa...
Hầu hết các loại cây ăn quả đều có thể trồng bằng phương pháp gieo hạt và chiết cành, mỗi loại lại có những ưu điểm riêng. Tuy nhiên, các loại cây ăn quả trồng chậu thường được trồng bằng phương pháp chiết cành để rút ngắn thời gian ra quả và dễ dàng lựa chọn hình dáng của cây ngay từ ban đầu.
Sau khi tách cành chiết ra, chúng ta tiến hành đem cây ăn quả trồng trong chậu đã được chuẩn bị đất trước. Đất trồng cây trong chậu phải đảm bảo tính tơi xốp, có khả năng thoát nước tốt đem pha trùn quế hoặc phân hữu cơ hoai mục.
Hầu hết các loại cây ăn quả trồng trong chậu đều dễ dàng phát triển trong các loại chậu làm bằng xi măng hoặc sành. Đường kính của chậu phải có kích thước tối thiểu 30cm và tùy theo kích thước của cây định trồng.
Cho đất trồng đã được trộn dinh dưỡng cây trồng hữu cơ vào khoảng 1/2 thể tích chậu. Đưa cành chiết cây ăn quả đặt vào chậu, bầu đất bóc nilon ra rồi đặt vị trí trung tâm của chậu. Giữ cây thẳng rồi nấp đất xung quanh đến miệng chậu, nén chặt đất để cố định cây không bị đổ ngã.
Thời gian đầu cây ăn quả trồng chậu cần được tưới nước thường xuyên duy trì độ ẩm, tuyệt đối không để cây bị khô. Nên tưới vào các thời điểm sáng sớm và buồi chiều sớm mà tránh tưới vào tối muộn bởi ban đêm đất ẩm sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm bệnh phát triển.
Sau khi trồng khoảng 2 đến 3 tuần cây sẽ cho ra lá mới thay thế lá cũ nên bạn cần bổ sung thêm phân đạm và lân cho cây. Hàng tháng bổ sung trùn quế và phân hữu cơ hoai mục cho cây, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Cây ăn quả trồng trong chậu có kích thước nhỏ nên vào thời điểm ra quả chúng ta cần cân nhắc loại bỏ những quả kém chất lượng để tập trung dinh dưỡng cho những quả to, chất lượng tốt hơn.
Ngoài ra, tỉa cành lá cũng là hoạt động cần thiết trong kỹ thuật trồng cây ăn quả trong chậu. Thực hiện tỉa bỏ cành khô, cành sâu bệnh giúp cây dễ đón ánh sáng lại vừa tập trung được dinh dưỡng cho những cành lá khỏe hơn. Lưu ý: chúng ta chỉ nên cắt tỉa cành có phân cấp 3 trở lên để không làm cây bị chột.
Cây ăn quả trồng trong nhà thông thường ít sâu bệnh hơn do không phải tiếp xúc với môi trường bên ngoài, ít bị lây bệnh từ các loài cây khác. Nếu cẩn thận, chúng ta có thể sử dụng thuốc xua đuổi sâu sinh học từ nước gừng, ớt giúp đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người.