Nhiều năm nay, cái tên Ngô Xuân Linh - chủ trang trại cam bù ở vùng đồi thôn Minh Giang, xã Sơn Mai, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) luôn được người trồng cam nhắc đến với sự ngưỡng mộ bởi quy mô và sản lượng thu hoạch hàng năm luôn đứng đầu tỉnh.
Dù sinh ra ở Sơn Ninh, nhưng năm 2004, khi huyện Hương Sơn có chủ trương và chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển cây cam bù, Ngô Xuân Linh đã làm đơn xin nhận 38 ha đất rừng thuộc thôn Minh Giang, xã Sơn Mai để xây dựng trang trại tổng hợp, trong đó tập trung cao phát triển cây cam bù.
Trải qua những thăng trầm cùng cây cam bù, anh Ngô Xuân Linh đã nổi lên là một nông dân xuất sắc. Vườn cam của anh không chỉ đạt sản lượng lớn mà năng suất chất lượng cũng rất cao.
Anh Linh cho biết: Để có trang trại cam như bây giờ, tôi không chỉ cẩn thận trong khâu chọn giống mà còn phải tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, bố trí phù hợp với đặc điểm địa hình (đất đồi, đất bằng). Đặc biệt, phải mạnh dạn xử lý triệt để những cây bị bệnh, tạo vùng cách ly chống rầy bay vào vườn...
Nhiều năm liền, trang trại của gia đình anh trở thành điểm đến quen thuộc của tư thương tứ xứ bởi cam bù tại đây vừa đẹp mã lại đậm đà hương vị.
Hầu như những cây cam bù trong trang trại của anh Ngô Xuân Linh đều rất sai quả. Cây nào cũng cần phải sử dụng cọc chống hỗ trợ cành chống chịu sức nặng của quả.
Hiện nay, trang trại của anh đã có chừng 27ha phủ kín cây cam, trong đó cây cam bù chiếm 2/3 diện tích.
Với kinh nghiệm 15 năm gắn bó với cam bù, sự tư vấn giúp đỡ về chuyên môn kỹ thuật của Phòng NN&PTNT huyện, Sở KH&CN Tĩnh và Viện nghiên cứu Rau quả Trung ương, trang trại của anh Ngô Xuân Linh năm nào cũng cho năng suất tối đa với khoảng 15 tấn/ha đem lại doanh thu 15 tỷ đồng/năm.
Đến thời điểm này, khi cam đã chín rộ và giá cả thị trường đang ấm dần lên, anh Ngô Xuân Linh cũng bắt đầu xuất cam cho thương lái. Anh cho biết: "Cam bù là loại quả được ưa chuộng trong dịp Tết nên cữ này, nếu bán thì tôi cũng chỉ chọn bán những cây quả xấu trước, những mạn đồi cam đẹp thì tôi còn "ém" lại chờ Tết".