Search
Thứ 6, 02/09/2016, 08:20 AM

Tây Nguyên - đất quý chưa "nở hoa" bền vững

Tây Nguyên - đất quý chưa "nở hoa" bền vững

Đến Tây Nguyên hôm nay, chúng ta thấy bạt ngàn cao su, cà phê, hồ tiêu, điều… xanh mướt. Nhiều công trình thủy điện, nhà máy mọc lên góp phần thay đổi diện mạo vùng đất này. Tuy nhiên, của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên còn phụ thuộc rất nhiều vào giá thu mua nông sản, cao su. Kinh tế bấp bênh, thiếu chiều sâu và không bền vững.

càphê
Thu hoạch cà phê trên địa bàn Tây Nguyên.

Thế mạnh nhiều...

Ông Nguyễn Quang Vinh, nông dân ở thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai giãi bày: “Tôi vừa phải phá gần 4ha cao su để chuyển sang trồng hồ tiêu. Giá mủ cao su tụt dốc không phanh nên đành bỏ mất rẫy cao su trồng đã 7-8 năm trời. Giá mủ cao su ở thời điểm cao có thể đạt hơn 130 triệu đồng/tấn nhưng trong thời gian qua lại xuống thê thảm, chỉ quanh quẩn ngưỡng 30 triệu đồng/tấn. Hàng vạn hộ nông dân cũng như doanh nghiệp cao su điêu đứng, thấp thỏm chờ đợi giá lên”.

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng và các huyện miền núi của 7 tỉnh phụ cận là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Phước. Đây là vùng đất có tiềm năng lớn để phát triển nông-lâm nghiệp, chế biến nông-lâm sản, du lịch và khai thác khoáng sản. Tây Nguyên có 2 triệu héc-ta đất sản xuất nông nghiệp (850 nghìn héc-ta đất trồng cây hằng năm, 1.150 héc-ta đất trồng cây lâu năm…) và 3,2 triệu héc-ta đất lâm nghiệp. Diện tích đất bazan của Tây Nguyên chiếm 74,25% cả nước (hơn 2 triệu héc-ta). Ngành nông nghiệp đã bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành vùng sản xuất tập trung một số loại nông sản có thế mạnh trên thị trường trong nước và thế giới (cà phê có sản lượng 1,3 triệu tấn, chiếm 94% sản lượng cả nước; hồ tiêu 83 nghìn tấn, chiếm 56%; hạt điều 65 nghìn tấn, chiếm 22% sản lượng; cao su chiếm 27% diện tích và 18% sản lượng cả nước…). Chỉ riêng tỉnh Gia Lai, tổng diện tích cà phê đã là 79.122ha, trong đó diện tích cà phê kinh doanh là 76.523ha. Đó là điều kiện thuận lợi để Tây Nguyên phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp theo chiều sâu gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị sản phẩm nông-lâm sản chủ lực của vùng, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Tại Hội nghị “Gặp gỡ địa phương-Ngoại giao đoàn” dành cho các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên đầu tháng 6 vừa qua, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chỉ rõ, Tây Nguyên là vùng đất nhiều tiềm năng, có bề dày lịch sử với nền văn hóa phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc các dân tộc của khu vực, với những lễ hội truyền thống, kiến trúc đặc thù. Đặc biệt, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bên cạnh đó, Tây Nguyên có 2,25 triệu héc-ta rừng tự nhiên, trong đó có 13 vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên với hệ thống sông suối đa dạng, nhiều thác nước hùng vĩ, cảnh quan đẹp và cộng đồng các dân tộc có nền văn hóa độc đáo…

... Phát huy được bao nhiêu? 

Tuy nhiên, hiện việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế-  ở Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, hạn chế. Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc Y Phu Êban cho biết, bên cạnh những ưu đãi về tài nguyên, sự đa dạng, phong phú của sản vật và những di sản văn hóa đặc sắc, những khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực là nguyên nhân khiến khu vực Tây Nguyên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Ngoài ra, Tây Nguyên cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là biến đổi khí hậu, việc bảo vệ và khai thác hiệu quả tài nguyên rừng, tài nguyên nước, tình trạng hạn hán, ô nhiễm môi trường… Ông Y Phu Êban bày tỏ mong muốn của Đắc Lắc nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung là cần có thêm những kênh kết nối hiệu quả giữa các nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp địa phương, qua đó giúp đưa ra giải pháp phát triển kinh tế song song với phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo của khu vực Tây Nguyên, giúp Tây Nguyên trở thành điểm đến năng động trong mắt các nhà đầu tư.

Trên thực tế, hệ thống hạ tầng giao thông mặc dù đã cải thiện nhưng chưa bảo đảm lưu thông hàng hóa và hành khách với tốc độ cao, thông suốt giữa các địa phương trong vùng và liên vùng. Bên cạnh đó, liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đã bước đầu hình thành nhưng nặng tính tự phát, chưa hiệu quả. Quy mô sản xuất theo chiều rộng và sơ chế thô, chưa có sự kết nối giữa sản xuất, chế biến, thị trường. Tiềm năng, lợi thế về đất, rừng, tài nguyên khoáng sản lớn nhưng lại tập trung khai thác "nóng", thiếu tính toán để phát huy hiệu quả bền vững. Du lịch tưởng chừng là “đặc sản” của Tây Nguyên cũng mới chỉ làm theo hình thức “ăn xổi”, không có liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp trong vùng và với các tỉnh để phát triển.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế đặc thù tạo điều kiện huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông liên kết các tỉnh Tây Nguyên với nhau; nhất là thúc đẩy và hình thành, phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng; chú trọng liên kết giữa các doanh nghiệp, các cơ sở, các hộ sản xuất, kinh doanh từ cung ứng các yếu tố đầu vào đến sản xuất, chế biến, tạo ra sản phẩm cuối cùng có giá trị gia tăng và chất lượng cao... sẽ là "đòn bẩy" giúp kinh tế Tây Nguyên phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch chung trên cơ sở liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp trong toàn vùng, phát huy lợi thế đặc thù sinh thái, văn hóa, điều kiện tự nhiên từng tỉnh… cũng sẽ góp phần đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn trên địa bàn Tây Nguyên, đóng góp vào phát triển kinh tế chung của cả vùng cũng như của đất nước.

Theo Hoàng Trường Giang/QĐND



0.27295 sec| 1476.125 kb