Vừa qua, dự án trị giá 238 triệu USD đã được vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, số vốn vay này đã được quyết định đầu tư vào ngành hàng lúa gạo và cà phê. Trao đổi với NTNN, TS Cao Thăng Bình, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, 2 ngành này đang rất “đói” vốn nên dự án trên sẽ có rất nhiều ý nghĩa.
Theo ông, vì sao số vốn vay này lại được quyết định đầu tư vào lúa gạo và cà phê?
- Lúa gạo và cà phê là 2 lĩnh vực mũi nhọn của nông nghiệp, mỗi ngành đem về cho đất nước hàng tỷ USD/năm từ xuất khẩu. Tuy nhiên, cả 2 ngành hàng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với các nước mới bước vào thị trường xuất khẩu lúa gạo như Myanmar, Campuchia, chưa kể nước có truyền thống như Thái Lan, trong khi đa phần nông dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa chú trọng đầu tư cho chất lượng.
Theo thống kê, hệ số sử dụng tài nguyên của Việt Nam rất cao, trồng lúa phải sử dụng nhiều nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…, dẫn đến hiệu quả thấp, tính cạnh tranh kém. So với các nước trong khu vực, tỷ suất lợi nhuận trồng lúa trên 1ha thấp nên đời sống người trồng lúa gạo nước ta rất bấp bênh; đa phần khách hàng các nước chỉ biết đến gạo Việt Nam bởi giá rẻ. Tương tự như lúa gạo, sản xuất cà phê cũng gặp phải những hạn chế, rào cản về vốn, kỹ thuật, thị trường... nên rất cần có những chiến lược dài hơi, căn bản để vực dậy hai ngành này.
Để nâng cao lợi nhuận cho nông dân thêm 30% cần sớm giúp nông dân tiếp cận tín dụng. Ảnh: T.X
Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) đang được kỳ vọng rất lớn, theo ông khoản vốn vay từ WB để triển khai dự án VnSAT liệu có giải quyết được nhưng tồn tại của 2 ngành hàng này?
- Chúng tôi đánh giá rất cao dự án VnSAT và tin tưởng khi triển khai sẽ khắc phục các điểm yếu của ngành lúa gạo, cà phê. Các tồn tại về chất lượng lúa gạo, sự phung phí sử dụng nước ngầm, sử dụng quá mức phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở ĐBSCL sẽ được cải thiện.
Một tín hiệu vui đã tới với người dân ở vùng trồng lúa và cà phê lớn nhất nước là ĐBSCL và Tây Nguyên khi mới đây, các định chế tài chính đã cam kết sẽ hỗ trợ thủ tục cho nông dân để giải ngân khoản tín dụng vay lại của WB một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, để khắc phục được những tồn tại như tôi phân tích ở trên, rất cần có sự tuyên truyền rộng rãi, vào cuộc của các cơ quan chuyên môn như khuyến nông, ngành bảo vệ thực vật địa phương.
Để tạo đột phá cho người dân trồng lúa và cà phê, theo ông cần có giải pháp gì để giúp họ tiếp cận được vốn tín dụng giá rẻ của dự án?
- Hiện toàn bộ các hợp phần của dự án đã được thiết kế xong và bước vào giai đoạn triển khai. Tôi cho rằng, về thủ tục cho vay, các ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa hơn các thủ tục. Chúng tôi cũng đã gợi ý để làm sao khi các ngân hàng cho vay đạt hiệu quả hơn và có sự liên kết của các mô hình tổ chức nông dân. Đối với những nông dân áp dụng công nghệ giống nhau, thay vì áp dụng cho từng người, thủ tục vay vốn các ngân hàng cũng hoàn toàn có thể áp dụng cho từng nhóm để giảm bớt thủ tục cho nông dân.
Bên cạnh đó, dự án này còn có cả các đơn vị quản lý địa phương ở các cấp cùng tham gia, nếu có trở ngại trong quá trình cho vay họ sẽ bàn với ngân hàng để giảm các thủ tục sao cho hiệu quả, nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ theo các quy định an toàn vốn của ngân hàng.
Xin cảm ơn ông!