Khoai sọ(khoai môn) dùng ăn tươi, chế biến thành nhiều loại sản phẩm nông sản khác nhau.
Cách chọn củ giống tốt là những củ nhỏ cấp 1 hoặc cấp 2 có khối lượng khoảng 20 - 30gr/củ, không bị dập nát hay thối, lớp vỏ ngoài có nhiều lông. Mảnh củ giống tốt là mảnh củ có mầm to bằng hạt đậu đen kèm theo vài sợi rễ ngắn khoảng 0,5-1 cm.
Phương pháp 1: Đem cắt bỏ mầm ngọn, điều này sẽ làm kích thích các lá mầm bên phát triển sớm nhanh cho ra lá. Tiến hành cắt củ cái thành những mảnh củ theo chiều ngang củ hoặc cắt các mảnh nhỏ với kích thước 2 x 2 x 2 cm, khi đã có mầm bên thì đem ủ hoặc giâm chúng riêng đến khi lên cây chồi, ra rễ thì đem trồng.
Cần trồng đúng kỹ thuật để khoai đạt hiệu quả cao.
Phương pháp 2: Nhân giống dòng, giống từ mô phân sinh. Phương pháp này cho đạt hiệu quả cao, thường được sử dụng để phục tráng và làm sạch mầm bệnh của các dòng, giống khoai sọ bị thoái hoá hoặc bị nhiễm bệnh.
Tuỳ thuộc vào kiểu trồng trọt trên ruộng cạn hay ruộng ngập nước để có cách làm đất phù hợp. Cây khoai sọ (khoai môn) có bộ rễ ăn nông nên đất trồng cần phải là loại đất tơi xốp, nhiều mùn, nhiều chất dinh dưỡng. Quá trình làm đất phải cày, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ, nếu là ruộng nước phải làm đất nhuyễn. Khi trồng khoai trên ruộng cạn cần lên luống rộng 1m, cao 20 - 30cm, rãnh luống 30cm.
Khoảng cách trồng trên mặt luống trồng các cây cách nhau từ 30-40cm, nếu làm luống đôi thì hàng cách hàng khoảng 60cm. Sau đó trộn đều phân với đất và trồng thấp hơn mặt đất khoảng 3-4cm. Tủ một lớp mỏng rơm rạ dày 7-10cm lên mặt đất sau khi trồng xong rồi tưới nhẹ đủ giữ độ ẩm cho đất. Lưu ý, trước khi trồng 1 ngày nên phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm Ronstar (100cc/1.000m2) để hạn chế cỏ mọc tạo điều kiện cho mầm mống sâu bệnh phát triển hại cây trồng.
Tưới nước: Những ngày đầu sau trồng cần tưới nước 1 lần/ngày, sau khi khoai đã phát triển lên cao có thể tưới rãnh nhưng không nên tưới ngập mặt luống.
Bón phân đúng cách cây khoai sọ sẽ cho năng suất cao vượt trội.
Bón phân: Lượng phân bón được tính cho 1 sào đất trồng cây khoai sọ bao gồm: 1 tấn phân chuồng ủ mục + 8 kg đạm urê + 30 kg supe lân + 8 kg kali. Bón lót thời kỳ đầu toàn bộ phân chuồng và 2/3 lượng phân lân. Bón lót lần 1 khi cây phát triển được 3 lá với 1/2 lượng đạm, 1/3 kali kết hợp với làm cỏ và vun xới.
Bón thúc lần 2 vào khoảng thời gian sau trồng 60-70 ngày. Bón hết lượng đạm và lân còn lại và 1/3 lượng kali. Bón thúc lần 3 sau khi trồng khoảng 150 ngày với số lượng phân kali còn lại kết hợp vun gốc cao cho khoai sọ làm củ tạo điều kiện cho củ phát triển tốt nhất.
Chú ý: trước khi thu hoạch từ 1-2 tháng hạn chế tưới nước và ngừng hẳn để củ chuyển hóa tinh bột hoàn toàn. Chú ý phát hiện và phòng trừ một số dịch hại như rệp, nhện đỏ và bệnh thối củ do nấm gây nên.
So với lúa thì khoai sọ mang lại hiệu quả kinh tế hơn gấp 10 lần nếu trồng đúng kỹ thuật.
Khi thấy cây khoai sọ bắt đầu đã héo rũ, các tàu lá đã lụi dần, đất ở gốc cây đã nứt nẻ nhiều có phần củ khoai sọ chồi lên mặt đất thì tiến hành thu hoạch. Khi thu hoạch cần dỡ khoai nhẹ nhàng, tránh xây xước, dập nát. Sau khi thu hoạch cần tách củ và phân loại theo kích cỡ để tiêu thụ hoặc để làm giống. Bảo quản khoai thương phẩm và khoai giống ở nơi thoáng mát, cao ráo để đảm bảo chất lượng khoai sọ tốt nhất.
Duyên Hoàng