Nhân dịp đầu Xuân Đinh Dậu 2017, Báo Dân Việt đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường về “con đường của nông nghiệp Việt” hiện nay.
LTS: Trải qua hơn 30 năm Đổi Mới, nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện rất tốt vai trò của mình, đó là đảm bảo an ninh lương thực. Trong mấy năm gần đây, nông nghiệp nước ta đã có những bước thay đổi căn bản, đó là chuyển dịch từ nền sản xuất mang tính tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, xuất khẩu. Hiện nay, cả nước đang tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã có nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đầu tư vào nông nghiệp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chấp thuận gói tín dụng 60.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao. Nông nghiệp nước ta đang hướng tới 3 mục tiêu: nông nghiệp sạch, công nghệ cao, hữu cơ. Nông nghiệp Việt Nam, nói như tiến sĩ Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn là đã phát triển đến mức tới hạn, tức việc tăng cường thâm canh mùa vụ để gia tăng năng suất đã “đẽo” vào gót chân. Vì thế, để nông nghiệp tiếp tục phát triển bền vững, chỉ còn một hướng đi mới, đó là phải “tái cơ cấu”, tức tổ chức, cơ cấu, sắp xếp lại việc sản xuất các ngành hàng theo hướng gia tăng về chất lượng, giá trị. |
Bà con nông dân đã rất cố gắng vươn lên
Thưa Bộ trưởng, trước tiên xin được chúc mừng Bộ trưởng và toàn ngành nông nghiệp trong năm 2016 mặc dù trải qua nhiều khó khăn, song cuối cùng đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng. Nhìn lại năm 2016, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về công việc của ngành và cá nhân mình đã chỉ đạo, điều hành?
- Có thể nói, năm 2016 là một năm khó khăn, vất vả nhất đối với ngành nông nghiệp trong nhiều năm nay. Vì sao thế? Ngay từ đầu năm đã gặp những đợt thiên tai trên khắp mọi vùng miền của đất nước. Đầu năm là đợt rét lịch sử 50 năm ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc, gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp. Sau đó là đợt hạn hán nghiêm trọng, xảy ra toàn bộ Nam Trung Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và gắn với đó là đợt mặn cũng là lịch sử trong vòng 100 năm ở đồng bằng sông Cửu Long, khiến 13/13 tỉnh, thành đã phải công bố thảm họa thiên tai đã cho thấy mức độ khốc liệt của biến đổi khí hậu. Cuối năm 2016, liên tục từ tháng 10 cho đến tháng 12, có 5 đợt lũ lịch sử đối với 8 tỉnh Nam Trung Bộ và một số tỉnh Tây Nguyên.
Do đó, có thể nói năm 2016 là năm thiên tai khốc liệt nhất đối với Việt Nam. Cùng với đó là sự cố môi trường biển xảy ra ở 4 tỉnh miền Trung. Những điều đó cùng với tác động của thị trường thế giới trong năm 2016 có nhiều biến động, đó là tổng cung lớn hơn tổng cầu về các sản phẩm thiết yếu, trong đó đặc biệt là nông sản, thực phẩm. Những điều này đã làm cho công tác chỉ đạo của ngành nông nghiệp hết sức vất vả, khó khăn.
Tuy nhiên, năm 2016 cũng đánh giá là một năm ngành nông nghiệp vượt qua nhiều khó khăn, kiểm lại hết năm 2016 đã đạt được một số kết quả nổi bật: Mặc dù 6 tháng đầu năm nông nghiệp lần đầu tiên trong 10 năm qua tăng trưởng âm 0,18%, tuy nhiên kể từ quý 3 trở đi, bằng các giải pháp nỗ lực ngành đã dần lấy lại được đà tăng trưởng dương và một tin vui là đến cuối năm, con số tăng trưởng GDP của ngành đạt 1,2%.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường
Một kết quả nổi bật nữa, đến cuối năm nay giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông lâm thủy sản không những không giảm, mà tăng cao nhất từ trước đến nay, cán đích ở mốc 32,1 tỷ USD, trong đó 10 mặt hàng vẫn duy trì được giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và có 9 mặt hàng tăng từ 5-30% so với năm 2015.
Phát biểu tại nhiều diễn đàn, điều chúng tôi nhận thấy, trăn trở lớn nhất của Bộ trưởng hiện nay là, sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn quá manh mún, nên nhiều khi muốn thay đổi cũng không dễ thực hiện được ngay. Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn về thực trạng này?
- Cả nước ta hiện nay có 13,8 triệu hộ nông dân, cùng 78 triệu mảnh ruộng. Với một nền tảng sản xuất như vậy không thể nào sản xuất một cách bền vững, hiệu quả trong thời kỳ hội nhập được, do đó đây là điều mà tôi băn khoăn lớn nhất. Từ đặc điểm, tình hình này dẫn đến không chỉ năng suất, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp thấp, mà việc quản trị ngành nông nghiệp cũng không đạt hiệu quả cao, gây khó khăn trong vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm, rồi một loạt vấn đề khác nữa...
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý nhà nước về nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương cũng còn rất nhiều những điều bất cập cần phải cố gắng cải thiện hơn nhiều trong thời gian tới.
Tôi cho rằng, để có một nền nông nghiệp bền vững, trước tiên chúng ta phải tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, hàng hóa với quy mô lớn. Muốn vậy, không thể cứ để 13,8 triệu hộ nông dân lao động, sản xuất trên những mảnh ruộng nhỏ lẻ. Nông dân phải đoàn kết lại, xây dựng thành các tổ, đội, các HTX kiểu mới, như thế quy mô sản xuất hàng hóa mới lớn dần lên, có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ tốt hơn, để những sản phẩm đầu vào ở mức thấp nhất và sản phẩm đầu ra ở mức cao nhất.
Môi trường đầu tư cho nông nghiệp sẽ rất thông thoáng
Ngay sau khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ NNPTNT, ông đã có những định hướng rất rõ ràng để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó, Bộ trưởng luôn nhắc tới và đề cao vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cho biết, rất cảm kích khi được đích thân Bộ trưởng mời ra Bộ bàn bạc việc đầu tư vào nông nghiệp. Vậy theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp có vai trò như thế nào trong việc thay đổi nền sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay?
- Trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2016 đã có gần 1.500 doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, trong đó có những tập đoàn lớn như TH, Vingroup, Hòa Phát, Dabaco… điều đó cho thấy chủ trương, chính sách của chúng ta bước đầu đã đi vào cuộc sống.
Thực tế, cho đến giờ phút này mới có 5.000 doanh nghiệp trên tổng số hơn nửa triệu doanh nghiệp đầu tư tại khu vực nông nghiệp, vì vậy cần tiếp tục ban hành những chính sách sát hơn, hiệu quả hơn, đồng thời tích cực cải thiện công tác hành chính để huy động được tổng lực lượng toàn xã hội tham gia vào mặt trận nông nghiệp và khu vực nông thôn. Bộ NNPTNT cũng đang tiếp tục cải cách hành chính, theo đó tất cả những cơ quan quản lý phụ trách cấp phép phải cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, không gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Năm nay, Chính phủ nêu cao tinh thần kiến tạo, đồng hành và tạo động lực cho doanh nghiệp, nhất là khâu khởi nghiệp. Ở góc độ của Bộ NNPTNT, Bộ đã có những động thái như thế nào để thể hiện rõ tinh thần này và những kết quả đạt được ra sao, thưa Bộ trưởng?
- Năm 2016 đã được Chính phủ chọn là “Năm quốc gia khởi nghiệp”. Quán triệt tinh thần trên, Bộ NNPTNT đã thực hiện một số chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp như: Chương trình xúc tiến mở rộng thị trường; hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp thuộc chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ngành nông nghiệp).
Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh HTX cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp qua đó gia tăng cả số lượng và chất lượng doanh nghiệp, HTX, trang trại. Phấn đấu đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2015 (khoảng 730 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm); thành lập trên 1.000 HTX nông nghiệp/năm và trên 1.800 trang trại được công nhận mỗi năm.
Nông nghiệp sạch là đòi hỏi bức bách
Trong suốt thời gian qua, nỗi bức xúc, quan tâm nhất của dư luận toàn xã hội là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Về vấn đề này, trong kỳ họp Quốc hội tháng 11.2016, Bộ trưởng có nhắc tới 3 trọng tâm chính của ngành, đó là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Việc thực hiện các mục tiêu này liệu có khả thi không, thưa Bộ trưởng?
- Tôi phải nói rằng, nông nghiệp sạch không phải một hướng gì mới nữa, đây là đòi hỏi bức bách của trước hết là 92 triệu người dân trong nước; tiếp nữa là đòi hỏi của thị trường quốc tế. Do đó, sản xuất nông nghiệp sạch là một nguyên tắc, một tôn chỉ để nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển. Để làm được nông nghiệp sạch, gồm rất nhiều vấn đề, trong đó tôi có thể khái quát lại:
Một, phải quản trị, kiểm soát thật tốt yếu tố đầu vào của sản xuất từ vật tư nông nghiệp, thuốc trừ sâu, phân bón đến thức ăn gia súc... ; Thứ hai, phải hình thành được chuỗi sản xuất lớn, chúng ta không thể quản lý hiệu quả với cả 13,8 triệu hộ được, mà chỉ có thể quản trị tốt ở những vùng sản xuất lớn, có doanh nghiệp, HTX làm nòng cốt với những mặt hàng cụ thể, có công nghệ tốt; Thứ ba, để có nền nông nghiệp sạch, chúng ta phải tập trung tuyên truyền. đến người dân, bởi từ người nông dân đến người tiêu dùng đều có nhu cầu sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm sạch, an toàn.
Nông dân huyện Đan Phượng, Hà Nội trồng dưa trong nhà kính. Ảnh: Văn Sáng
Như năm 2016, đã có 50 địa phương đã xây dựng được gần 4.000 chuỗi sản phẩm sản xuất theo hướng an toàn; đặc biệt đã ngăn chặn được tình trạng sử dụng chất cấm salbutamol tràn lan trong chăn nuôi 6 tháng cuối năm. Tại nhiều địa phương đã có những chuyển biến căn bản về vấn đề ATTP. Có thể kể ra ví dụ như TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Ban ATTP TP trực thuộc thẳng UBND TP và hiện TP. HCM cũng đang tổ chức truy xuất nguồn gốc thịt lợn.
Hiện nước ta hơn 80% nông dân có tập quán canh tác truyền thống, nhưng muốn thay đổi, bắt buộc phải áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Vậy, Bộ trưởng có thể cho biết những đột phá của công nghệ cao trong nông nghiệp trong thời gian tới và làm thế nào để người dân tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi cho lĩnh vực này?
- Có thể nói nông nghiệp công nghệ cao là một xu hướng chung của nền nông nghiệp thế giới, đặc biệt Việt Nam phải coi đây là một lợi thế, một cơ hội. Bởi, bình quân đất đai trên đầu người ở Việt Nam rất thấp, nhưng lại đa dạng về tài nguyên sinh học, Việt Nam nằm trải dài trên 15 vĩ độ, ¾ diện tích là núi và cao nguyên, hình thành các tiểu vùng khí hậu, sự đa dạng sinh học với một độ phì tự nhiên của địa chất khoáng sản rất phong phú. Cố nhiên, muốn thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, không thể không có nguồn lực. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý dành một gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, từ 50.000- 60.000 tỷ đồng và để cụ thể hóa được điều này, đòi hòi Ngân hàng Nhà nước cùng với một số Bộ liên quan, các địa phương phải cụ thể hóa bằng những quy định, những hình thức đơn giản nhất, nhanh nhất để nguồn lực này đi vào nông nghiệp, giúp các địa phương, doanh nghiệp, HTX, giúp người dân có điều kiện ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người nông dân.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Đây là năm đầu tiên trên cương vị tư lệnh ngành nông nghiệp, Bộ trưởng có suy nghĩ gì về công tác chỉ đạo điều hành thời gian qua của cá nhân mình? - Được Quốc hội khóa 14 tin cậy, giao trọng trách này từ tháng 8.2016 (đến nay mới được 5 tháng), do là Bộ lớn, đa ngành, đa chức năng nên trong thời gian đầu, tôi không tránh khỏi những băn khoăn, trăn trở, nhất là trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức lớn xảy ra (thiên tai, sự cố môi trường biển, …) gây hậu quả nặng nề làm ngành tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, giúp đỡ tận tình của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương; với kiến thức và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của mình và sự đoàn kết, tham mưu kịp thời, có hiệu quả của các đơn vị thuộc Bộ nên sau một thời gian vận hành, tôi đã nhanh chóng bắt nhịp công việc để hoàn thành nhiệm vụ được giao. |
Theo danviet.vn