Search
Thứ 2, 09/12/2019, 10:30 AM

Lão nông để tiền tỷ... trong rừng

Lão nông để tiền tỷ... trong rừng

Ông Lê Huy Thục, SN 1952, ở thôn Thanh Quang (xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) đang giữ cả chục ha rừng lim xanh quý hiếm. Khu rừng của ông là tài sản quý của xứ Thanh với cả vạn cây lim xanh cổ thụ. Suốt mấy chục năm qua, ông Thục kiên trì bảo vệ cho kỳ được rừng lim này.

Cơn mưa rào cuối thu khiến bầu trời xứ Thanh chìm trong màn hơi nước mờ ảo. Ông Thục năm nay đã gần 70 tuổi vẫn không quản ngại khó khăn về thời tiết. Ngày ngày, ông vào rừng thăm quần thể lim xanh mà ông đã bảo vệ trong suốt mấy chục năm qua.

Giữ rừng cho muôn đời sau

Lão nông để tiền tỷ... trong rừng

 Lúc nhận chăm sóc, cây mới to bằng cổ tay, nay hầu hết cây lim xanh đã có đường kính 30-40cm. Ảnh: T.V

Với chính sách phát triển rừng gỗ lớn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển cây lim xanh quý hiếm của xứ Thanh, mỗi năm ông Thục được hỗ trợ 3 triệu đồng tiền giữ rừng. Số tiền này chỉ đủ cho ông đong hơn 2 tạ gạo. Trước lúc chia tay chúng tôi, ông Thục cứ nhắc đi nhắc lại một điều, nhờ đề đạt với cơ quan chức năng có cơ chế hỗ trợ thêm để cuộc sống của vợ chồng ông đỡ vất vả. “Được hỗ trợ tốt hơn, tôi cũng có thêm động lực để bảo vệ khu rừng lim này” - ông cho biết.

Biết chúng tôi đến thăm nhà, ông Thục đã ra tận đường cái đón. Dáng ông lom khom, khuôn mặt nhuộm màu sương gió cứ mặc cho mưa rơi. Vừa gặp chúng tôi, ông đã tay bắt mặt mừng như đón người con ở phương xa mới về. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Thục nằm cạnh đường cái. Nó được dựng bằng gỗ lim và lợp ngói. Phía trong nhà, từng cột lim vững chãi, đen bóng như một minh chứng về sự giàu có của rừng xứ Thanh trước đây. Nơi này là quê hương của giống lim xanh vô cùng quý giá mà mỗi khi nhắc đến ai cũng nghĩ ngay chỉ có Thanh Hóa mới có. Thấy chúng tôi tần ngần trước ngôi nhà, ông Thục phân bua: “Ngôi nhà này tôi đã dựng cách đây mấy chục năm rồi. Ngày đó, ở nơi này chẳng có vật liệu gì để làm nhà ngoài gỗ. Hiện nay, ai muốn có ngôi nhà gỗ mát lạnh này chắc chỉ có mua lại”.

Vốn là người hay chuyện, chúng tôi chưa kịp ngồi ấm chỗ, ông đã thao thao bất tuyệt nói về xứ miệt rừng này. Ngày trước ông từ miền biển lên đây khai hoang vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX, nơi này chỉ có một màu xanh ngút ngàn của rừng. Thân cây vài người ôm nhiều vô kể. Đặc biệt, nơi này có những cây lim xanh cả nghìn tuổi có đường kính trên 1,5m đứng vững chãi tựa như cột chống trời. Rừng nối rừng, một màu xanh trải dài cho tới tận chân trời. Những năm trước đây diện tích rừng đã giảm do nhu cầu đất ở, đất sản xuất.

 

 

 

 

 

Lão nông để tiền tỷ... trong rừng

Ông Thục luôn giữ liên lạc với các lực lượng chức năng từ huyện tới xã. T.V

Nói về điều này, ông Thục không giấu được sự tiếc nuối. Ông chỉ thầm ước, một ngày nào đó, màu xanh ngút ngàn của nơi này sẽ được phục hồi. Thế rồi năm 1997, Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, ông đã không ngần ngại nhận trông nom 13,3ha rừng, chủ yếu là cây bụi. “Khi đó, cây lim xanh rất thưa, mỗi ha chỉ có một vài cây cây lim xanh già sót lại và một số cây thực sinh to bằng cổ tay”, ông kể.

Khi đó, cuộc sống gia đình ông vô cùng khó khăn, 8 người con nheo nhóc. Đứa nào cũng đang trong tuổi ăn, tuổi lớn. Đất sản xuất nông nghiệp lại rất ít. Ông bà lam lũ, ngoài nương, ngoài ruộng lần hồi kiếm cái ăn cho các con. Đất rừng thì rộng đấy, nhưng ông không dám xâm phạm vào đó để trồng ngô, sắn. Vợ ông nhiều lúc cũng cằn nhằn, các con ông thì đói nhăn. Đất rừng mênh mông, ông không phát đi trồng cây lương thực thì lấy gì mà ăn.

Là người chủ gia đình, ông Thục biết điều đó. Ông cũng hiểu vợ ông vì quá lo cho các con nên bà mới trách ông như vậy. Dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, ông vẫn động viên vợ và các con phải giữ cho kỳ được diện tích rừng đó vì có rừng, người dân mới có được cuộc sống an toàn. Những năm trước đây, nhiều người đã tàn sát rừng, đó là bài học đắt giá, ông không thể lặp lại.

Ngoài thời gian tăng gia sản xuất, ông Thục lại cùng vợ con trồng cây tại diện tích mà ông đã nhận. Như người ta sẽ biến 13,3ha đất đó thành nơi trồng cây lương thực, ông lại lấy giống từ hạt những cây lim già rơi xuống, nảy mầm và nhân lên hoặc đi mua và tìm giống cây lim xanh về trồng. Cây lim trồng cả trăm năm chưa được thu hoạch. Ông chỉ nghĩ rằng, đây là giống cây bản địa có sức sống dẻo dai. Nó là loại gỗ quý, mình cứ trồng, đời mình không được hưởng thì đời sau được đền đáp. Từ những quả đồi cây bụi được giao ban đầu, qua đôi bàn tay và công sức của cả gia đình bỏ ra, ông đã phủ xanh toàn bộ 13,3ha.

Mỗi cây rừng là một câu chuyện

Khu rừng cách nơi ở của ông Thục khoảng 3km. Đứng từ xa nhìn lại nơi ấy lởn vởn mây núi bao phủ cả một mảng màu rừng xanh mướt. Cứ nói đến cây, đến rừng là ông Thục như khỏe ra. Bất chấp trời mưa to, ông vẫn xắn quần tới gối dẫn chúng tôi đi thăm rừng. Lão nông xứ Thanh này cứ vào rừng là như được trở lại một thời trai trẻ, bao mệt mỏi, bao lo toan của cuộc sống bỗng tan biến.

Vạch đám cây bụi, tiến lên đồi, ông Thục đi phăng phăng. Phía ngoài do bị cây bụi che chắn, nên tôi không nhìn thấy những thân cây to bằng người ôm, cao vút. Tiến sâu vào phía trong, một cảnh tượng khiến ai cũng sững sờ, từng hàng cây to nối nhau dài tít tắp. Cây nào, cây nấy thẳng và cao vút. Ông Thục dẫn chúng tôi tới thăm quần thể lim xanh ở trên đỉnh đồi. Cây lim cao khoảng 20 - 30m, choán hết cả một vùng rộng lớn. Thân cây thẳng tắp. Đứng bên gốc lim đã có tuổi thọ 30 tuổi, ông Thục tự hào: “Trong rừng hiện có cả nghìn, cả vạn cây như thế này. Lim xanh lớn rất chậm, tôi phải khó khăn lắm mới giữ được chúng”.

Suốt mấy chục năm qua, ông mới tạo dựng và bảo vệ được rừng lim này. Vậy mà không phải lúc nào khu rừng này cũng được yên ổn. Từ những cây bụi ban đầu, giờ rừng lim của ông đã trở thành miếng chín giữa đàng. Nhiều kẻ đã nhòm ngó, hễ thấy ông sơ hở là chúng vác cưa vào rừng hạ cây lim.

Hôm trước đi thăm rừng, ông giật mình khi phát hiện 2 cây lim to bị đốn hạ. Kẻ xấu đã lợi dụng đêm tối để chặt cây. Ông nhìn gốc cây lim còn hăng mùi nhựa mà như mình bị chảy máu vậy. Chính vì thế, lúc nào ông luôn lưu giữ liên hệ của các lực lượng chức năng từ huyện đến xã trong chiếc hộp đựng kính để bên mình, phòng khi có việc sẽ thông báo kịp thời để hỗ trợ xử lý.

Quãng thời gian gặp chúng tôi, ông như tìm được người dốc bầu . Ước mong có được một rừng lim xanh của ông đã thành hiện thực. Nhưng suốt mấy chục năm qua, ông cũng đứng trước sức ép vô cùng lớn về kinh tế của gia đình. Nay vợ chồng ông đã già yếu. Bà bị thấp khớp, không làm được việc nặng. 8 đứa con của ông cũng đang phải bươn trải với cuộc sống.

Người dân thường nói trêu ông, lão nông có tiền tỷ mà chỉ biết cất trong rừng. Trong khi nhiều hộ dân khác, thay vì trồng rừng lim như ông, họ trồng keo, sau vài năm họ thu được tiền tỷ. “Cuộc sống thúc ép là vậy, nhưng tôi vẫn vững tâm kiên quyết giữ rừng lim cho kỳ được. Ngày nào tôi còn sống thì rừng lim này còn” - ông Thục khẳng định.

 

Theo Thuần Việt (Dân Việt)



0.23474 sec| 1482.148 kb