Các công nhân Công ty COREC bên những sản phẩm cọc nhựa tái chế - Ảnh: TRF/Benson Rioba |
Có thể với nhiều người dân Kenya, rác thải nhựa là điều gì đó vô cùng khó chịu. Nhưng với Aghan Oscar, anh nhìn thấy ở chúng một cơ hội.
Từ 13 năm trước, anh Aghan đã cảm thấy rất phiền lòng trước số lượng rác thải nhựa ngày càng chất đống nhiều thêm ở vùng ngoại ô thủ đô Nairobi nơi anh ở. Do đó anh quyết định tìm cách tái chế.
Hiện Công ty Continental Renewable Energy (COREC) của anh là doanh nghiệp chuyên cung cấp các loại cọc dùng trong xây dựng, trang trại và biển báo giao thông được sản xuất từ vật liệu là rác thải nhựa tái chế.
Tới nay, COREC đã bán được 96.000 chiếc cọc như vậy và lý do duy nhất khiến anh gặp khó khăn khi muốn phát triển quy mô làm ăn chỉ là thiếu vốn xây thêm các nhà máy tái chế.
Hầu hết khách hàng của anh Aghan là nông dân và nhà thầu xây dựng. Họ từng dùng cọc gỗ làm hàng rào cho nhu cầu công việc của mình. Tuy nhiên, những chiếc cọc làm bằng polythen màu đen và đặc thì bền và rẻ hơn rất nhiều so với cọc gỗ.
Theo những khách hàng của anh Aghan, cọc nhựa của Công ty COREC mang lại cho họ khá nhiều lợi ích.
Anh Caleb Kapten - khách hàng ở vùng Bungoma, miền tây Kenya - nói: “Tôi đã ba lần dùng cọc gỗ rào phần đất của mình lại, nhưng hầu như lần nào cũng bị đám người làng rút trộm làm củi”.
Tuy nhiên với những chiếc cọc làm từ nhựa tái chế của COREC, tình trạng này đã chấm dứt.
Cơ quan quản lý xa lộ quốc gia của Kenya là một trong những khách hàng lớn nhất của COREC. Sau khi một loạt biển báo giao thông làm bằng kim loại thuộc quản lý của cơ quan này bị các nhóm phá hoại lấy trộm để bán, họ đã tìm tới sản phẩm của COREC.
Anh Aghan cho biết: “Tới nay, chúng tôi đã bán được cho Cơ quan quản lý xa lộ quốc gia 28.000 chiếc cọc”. Anh cũng tự hào cho rằng sản phẩm của công ty mình đã giúp chính phủ tiết kiệm được một khoản ngân sách lớn.
Người chủ doanh nghiệp tái chế rác nhựa chia sẻ: “Khi tôi bắt đầu thành lập công ty này năm 2003, hầu hết nhân viên của tôi là những thành viên trong gia đình đang gặp khó khăn về tài chính”.
Tuy nhiên, hiện anh đã thuê tới 250 thanh niên tham gia thu gom rác nhựa, bước đầu tiên của quy trình tái chế và sản xuất của công ty.
Hơn 50 thanh niên khác tham gia trong dây chuyền sản xuất. Tại đó, rác thải nhựa được phân loại tùy theo chất lượng, sau đó được đưa vào nghiền và làm sạch, đúc thành nhiều hình dạng khác nhau.
Sau khi thành phẩm, các cọc nhựa sẽ được xếp theo hình dáng và kích thước để bày bán ở khoảng sân sau nhà máy.
Hiện tại, doanh nghiệp của anh Aghan chỉ xử lý được 80-100 tấn rác nhựa mỗi tháng và anh đang có kế hoạch nâng gấp đôi năng lực sản xuất. Tuy nhiên, chi phí để xây dựng một nhà máy tái chế rác thải nhựa như vậy là rất lớn.
Ngoài việc muốn khuếch trương quy mô làm ăn, anh Aghan cũng hiểu đây là nguồn cơ hội việc làm cho nhiều thanh niên trong khu vực.
Mặc dù đã có một số người tìm gặp xin anh tư vấn về việc tự mở một doanh nghiệp tái chế rác nhựa, nhưng nhiều người đã thất vọng khi biết chi phí khởi nghiệp cũng như vận hành một mô hình làm ăn kiểu này rất tốn kém.
Với cách làm của mình, doanh nghiệp của anh Aghan đã góp phần giữ lại một lượng lớn cây xanh khi người dân không còn phải chặt cây lấy gỗ nhiều như trước.
Anh phân tích: “1kg rác thải nhựa sẽ tiết kiệm được 2,5kg lượng khí cacbon phát thải và cứ 10 chiếc cọc được sản xuất từ nhựa tái chế, 1 cây xanh sẽ được cứu sống. Tái chế chắc chắn là giải pháp tốt nhất để bảo tồn môi trường”.
Theo tuoitre.vn