Ớt là một loại gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn tại các gia đình, tuy nhiên mức tiêu thụ của nó vẫn còn rất ít. Thế nhưng, gần đây cây ớt còn được sử dụng trong chế biến thực phẩm và dược liệu. Nếu nắm đúng kĩ thuật và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây ớt sẽ cho giá trị kinh tế cao.
Nhờ tính chất capsaicine chứa trong trái ớt được dùng để bào chế các thuốc trị các bệnh như phong thấp, nhức mỏi, cảm lạnh hay thương hàn, cảm phổi, thiên thời...Gần đây, cây ớt đã trở thành một mặt hàng có giá trị kinh tế và được mở rộng diện tích.
Ớt là cây chịu nhiệt, nhiệt độ thích hợp 18-30oC. Cây tăng trưởng kém và hoa dễ rụng, là cây không quang cảm, tuy nhiên trong điều kiện ngày ngắn các giống ớt cay phát triển tốt và cho năng suất cao. Trong điều kiện che rợp đến 45% vẫn thuộc phạm vi chịu đựng của ớt nhưng ớt sẽ chậm trổ hoa và rụng nụ nếu che quá nhiều.
Thời vụ:
Vụ sớm: Gieo tháng 8-9, trồng tháng 9-10, bắt đầu thu hoạch tháng 12-1 dl và kéo dài đến tháng 4-5 năm sau.
Vụ chính (Đông Xuân): Gieo tháng 10-11, trồng tháng 11-12, bắt đầu thu hoạch tháng 2-3 dl. Trong vụ này cây sinh trưởng tốt, năng suất cao, ít sâu bệnh.
Vụ Hè Thu: Gieo tháng 4-5, trồng tháng 5-6 và thu hoạch 8-9 dl.
Chuẩn bị cây ớt con
Có thể gieo hạt thẳng vào bầu, khay. Trộn 1 đất + 1 phân chuồng ủ hoai + 0,5 tro trấu cho vào bầu/khay và gieo hạt vào chăm sóc, che nắng, phòng trừ sâu bệnh nhất là bọ trĩ chích hút làm lây lan bệnh virus. Cây con cấy vào lúc 30-35 ngày tuổi (5 - 6 lá thật), còn nếu sử dụng màng phủ thì sẽ cấy sớm hơn 20 - 25 ngày tuổi. Hoặc gieo trực tiếp trên đất vườn hay làm giàn lót phên tre hay lá chuối rồi đổ lên trên một lớp đất, phân, tro dày 5-10 cm rồi gieo hạt. Cách này dễ chăm sóc cây con và ngăn ngừa côn trùng hoặc gia súc phá hại.
Cách trồng ớt
Khoảng cách trồng: có thể trồng hàng đơn (cây cách cây 40cm) để tận dụng cây tái sinh hoặc trồng hàng đôi (cây cách cây 40 cm, hàng cách hàng 50 cm).
Nên phủ bạt trước khi đặt cây để hạn chế sâu bệnh, cỏ dại và giữ kết cấu đất luôn tơi xốp cho rễ mọc khỏe về sau.
Đất trồng ớt phải được luân canh triệt để với cà chua, thuốc lá và cà tím. Trồng mùa mưa cần lên líp cao vì ớt chịu úng kém.
Hiệu quả khi bà con sử dụng màng phủ nông nghiệp (bạt plastic) sẽ giúp:
Hạn chế côn trùng, bệnh hại và ngăn ngừa sự xâm nhập của cỏ dại
Điều hoà độ ẩm và giữ cấu trúc mặt đất, giữ được phân bón.
Tăng nhiệt độ đất và giảm độ phèn, mặn
Bón phân
Nhằm góp phần tăng năng suất và phẩm chất trái, nhất là trong mùa mưa có thể dùng phân bón lá vi lượng phun định kỳ 7-10 ngày/lần từ khi cấy đến 10 ngày trước khi thu hoạch.
Liều lượng phân bón:
Bón lót: 1 - 1,5 tấn phân chuồng ủ hoai + 20 kg phân NPK 16-16-8 + 1 kg Super Humic + 2 kg Micromate (trung vi lượng) + 2 kg Basudin 10 H.
Bón thúc lần 1 (25 – 30 ngày sau trồng): 30 kg NPK 16-16-8 + 1 kg Super Humic.
Bón thúc lần 2 (45 – 50 ngày sau trồng): 30 kg NPK16-16-8 + 5 kg Ure + 5 kg Nitrabor.
Bón bổ sung khi đang thu hoạch trái: 20 kg NPK 16-16-8 + 250 g Super Humic ngâm chung để tưới 5 - 7 ngày 1 lần.
Phòng trị bệnh hại, sâu hại
Để phòng các bệnh hại rễ; bệnh bộ phận cây trên mặt đất; bệnh thán thư thối trái ớt; bệnh sương mai, thối ngọn, thối trái thì bà con nên tới các cơ sở vật tư để được tham khảo về các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh.
Khi cây đã có triệu chứng nhiễm bệnh như thối trái, nổ trái, đốm lá, thối cành... bà con cắt và thu gom bớt thân, cành, lá, trái bị bệnh mang ra khu vực xa để tránh mầm bệnh lây lan, sau đó phun thuốc để diệt trừ bệnh hại cây.
Một số cây có triệu chứng khựng lại, lá non biến dạng, đổi màu, gân nổi rõ (bà con hay gọi là lá da lợn), kể cả trái non cũng biến dạng thì nên loại bỏ ngay vì đây là bệnh do côn trùng chích hút truyền virus không có thuốc trị.
Nếu gặp các bệnh về sâu đất, sâu ăn lá, sâu đục trái hoặc rầy mật, bọ trĩ, bọ phấn, bà con cũng cần mua thuốc để điều trị ngay.
Chăm sóc:
Tưới nước: Lúc ra hoa rộ và phát triển trái mạnh là thời điểm ớt cần nhiều nước nhất, nếu không cây sẽ đậu trái ít. Nếu khô hạn kéo dài thì phương pháp tốt nhất là tưới thấm, khoảng 3-5 ngày tưới/lần. Tưới thấm vào rãnh tiết kiệm nước, không văng đất lên lá, giữ ẩm lâu, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Mùa mưa cần chú ý thoát nước tốt, không để nước ứ đọng lâu.
Tỉa nhánh: các cành nhánh dưới điểm phân cành, các lá dưới cho gốc thông thoáng và để ớt phân tán rộng
Làm giàn: Được làm bằng cách cắm trụ cứng xung quanh hàng ớt dùng dây chì giăng xung quanh và giăng lưới bên trong hoặc cột dây nilong lúc cây chuẩn bị trổ hoa, giúp cây đứng vững, để cành lá và trái không chạm đất, hạn chế thiệt hại do sâu đục trái và bệnh thối trái làm thiệt hại năng suất, giúp kéo dài thời gian thu trái.
Thu hoạch và làm giống
Thu hoạch ớt khi trái bắt đầu chuyển màu. Ớt cay cho thu hoạch 35-40 ngày sau khi trổ hoa, nếu chăm sóc tốt năng suất trái đạt 20-30 tấn/ha.
Nên chọn cây tốt để làm giống và nên cách ly để tránh lai tạp. Để chín chín hoàn toàn trên cây, hái về để chín thêm vài ngày rồi mổ lấy hạt, phơi thật khô, để vào chai lọ kín và để nơi khô ráo.
Cần chú ý tới chọn tạo giống và kỹ thuật chế biến ớt, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu thì cây ớt mới có giá trị kinh tế cao.
Nhất Thủy