Thạc sỹ Lê Thị Phượng - giáo viên bộ môn Giáo dục công dân trường THPT Hàm Rồng (Thanh Hóa) nhận định, đề minh họa của Bộ GD ĐT cơ bản phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng đáp ứng được mục tiêu công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH CĐ.
“Toàn bộ kiến thức được Bộ GD ĐT đưa ra nằm trong chương trình lớp 12, xuyên suốt và gần như không bỏ đi phần nào. Vì vậy, sách giáo khoa là tài liệu duy nhất ở thời điểm này học sinh buộc phải nắm vững. Ngoài ra, do là năm đầu tiên thi nên Bộ GD ĐT không lấy phần kiến thức nào ở chương trình lớp 10 và lớp 11. Điều này có lợi cho thí sinh dự thi năm nay” - cô Phượng nói.
Theo cô Phượng, với thời gian 50 phút cho 40 câu, nếu không nắm chắc kiến thức, học hành lơ là, học sinh khó mà làm trọn vẹn bài thi vì chỉ đọc đề thôi đã thấy “choáng” vì dài. Ngoài việc nắm chắc kiến thức sách giáo khoa, cô Phượng khuyên thí sinh nên chú ý tham khảo các tình huống thực tiễn liên quan đến luật trên các phương tiện truyền thông.
“Ví dụ trong phần vi phạm hành chính hay trách nhiệm hành chính thì có bổ sung một số hình phạt liên quan đến học sinh như: vị phạm luật giao thông, học sinh cần để ý những câu chuyện tình huống thực tế, cách xử lý thế nào là đúng luật, mức phạt bao nhiêu?... Những tình huống này trong sách giáo khoa rất ít, giáo viên thường sẽ bổ sung trong các tiết dạy nên các em phải đặc biệt lưu tâm” - cô Phượng nói.
Lần đầu tiên môn giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 (nguồn IT)
Cũng theo cô Phượng, so với các bộ môn khác, giáo dục công dân đang có lượng thời gian học ít nhất: 1 tuần 1 tiết (45 phút). Với thời lượng ít ỏi này, trên lớp giáo viên chỉ có thể truyền thụ kiến thức cơ bản, qua các tiết kiểm tra. Chính vì vậy việc, tự ý thức học và tìm hiểu sâu thêm về môn học rất cần học sinh phát huy cao độ ở nhà.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Giang - giáo viên bộ môn giáo dục công dân tại một trường THPT thuộc Nam Sách (Hải Dương) thì cho rằng, trong đề minh họa có nhiều câu hỏi trắc nghiệm khách quan mang tính tổng hợp yêu cầu học sinh cần vận dụng tổng hợp kiến thức mới có thể trả lời đúng được.
“Học sinh không cần phải học thuộc từng khái niệm, định nghĩa mà cần biết phân tích, lý giải, nhận xét các hiện tượng pháp luật từ thực tiễn vì đặc thù của môn học này là gắn bó mật thiết với thực tiễn đời sống xã hội” - cô Giang nói.
Cô Trang cũng khuyên học sinh không nên quá lo lắng, với đề thi này chỉ cần học kỹ kiến thức trên lớp và làm đầy đủ bài tập củng cố, linh hoạt trong việc vận dụng kiến thức vào thực tế là có thể làm tốt bài thi.