Search
Thứ 4, 31/08/2016, 17:17 PM

Học trước khai giảng sau, sao con chúng ta phải khốn khổ?

Học trước khai giảng sau, sao con chúng ta phải khốn khổ?

“Ngày còn nhỏ, tôi đi học trong trường vùng kháng chiến và thậm chí cả sau khi hòa bình lập lại, tất cả học sinh nghỉ hè thoải mái. Khi hoa phượng nở, ve kêu râm ran thì chúng tôi phải chia tay đầy lưu luyến các bạn học..."

Khi năm học mới đang gần kề, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã với Báo điện tử giáo dục Việt Nam về ký ức ngày lễ khai giảng xưa của chính mình.

“Ngày còn nhỏ, tôi đi học trong trường vùng kháng chiến và thậm chí cả sau khi hòa bình lập lại, tất cả học sinh nghỉ hè thoải mái. Khi hoa phượng nở, ve kêu râm ran thì chúng tôi phải chia tay đầy lưu luyến các bạn học. 

Sau 3 tháng hè,mọi người trở lại trường đều có cảm giác vui như hội. Chúng tôi được gặp lại các bạn học, được nói chuyện với nhau vui vẻ. Thầy trò tay bắt mặt mừng, mỗi người kể một chuyện trong dịp hè vừa qua.

Tôi nhớ, ngày xưa 1/9, học sinh tất cả các cấp học lại trở lại trường. Suốt đêm trước, tôi cảm thấy rất hồi hộp, xao xuyến, háo hức mong đến ngày mai để được gặp bạn bè”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhớ lại. 

 hoc truoc khai giang sau, sao con chung ta phai khon kho? hinh anh 1

 Học sinh Việt Nam quá khổ! (Ảnh: tuoitre.vn)

“Dần dần về sau nhất là mấy năm vừa qua “nổi” lên tình trạng học trước, khai giảng sau, tôi cho rằng đây là hành vi nói dối của người lớn đối với trẻ con.  Nghĩa nguyên văn của từ “khai giảng” là ngày bắt đầu năm học mới. Vậy tại sao lại bắt học trò học vài tuần rồi mới khai giảng?

Hơn nữa, trước khai giảng trẻ phải tập tành hết cái này đến cái nọ đến ngày khai giảng thì bắt chúng phải ngồi nghe hết phát biểu này đến phát biểu khác mặc trời nắng hay mưa", nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhìn nhận. 

Khi có ý kiến cho rằng, phải học trước bởi chương trình sách giáo khoa quá nặng mà thời lượng mỗi tiết học trên lớp không đủ, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: 

“Đừng đổ lỗi! Nếu sách giáo khoa nặng sao không điều chỉnh cho vừa sức học trò. Sách giáo khoa là sản phẩm của người lớn cớ sao bắt trẻ con phải gánh chịu.

Hơn nữa, người thiết kế chương trình dạy-học đã tạo khung thời gian đầy đủ để thầy cô dạy đủ kiến thức cơ bản trên lớp. Cho nên, giáo viên đừng cho rằng không đủ thời gian trên lớp rồi dồn tiết khiến học sinh bị nhồi nhét quá mức. 

Tôi thấy, học sinh Việt Nam quá khổ!”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cảnh báo: “Đừng vin vào lý do không đủ thời gian dạy kiến thức trên lớp mà bắt học trò phải học thêm. 

Chúng ta nhất định phải quyết liệt chống dạy thêm, học thêm tràn lan tiêu cực và quyết liệt chấm dứt tình trạng “dạy lớp lơ là, dạy nhà là chính” bởi đây chính là biểu hiện của giáo viên không làm tròn trách nhiệm, không vì học sinh”. Lễ khai giảng hiện nay được tổ chức như buổi mít tinh nhàm chán

Bàn về thời gian nghỉ hè của học trò, giảng viên khoa Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, TS. Vũ Thu Hương phân tích: “Nhiều năm nay, học sinh không được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè. 

Thời gian hè là thời gian nghỉ ngơi thư giãn, giải tỏa áp lực học tập. Nhưng thời gian “quý báu” ấy  đang bị rút ngắn đi khiến trẻ vừa bị giảm khả năng chịu đựng vừa giảm thời gian học kỹ năng sống, thời gian chia sẻ với cha mẹ và trau dồi đạo đức”. 

Do một số phụ huynh bận công việc, không có thời gian trông con vào dịp hè nên nhiều trường đã tổ chức các lớp học hè để trông giữ học sinh. Ban đầu chỉ có một vài trường nhưng sau này, phong trào học sớm trước ngày khai giảng đã phổ biến đến mức gần như nhiều nơi, toàn bộ các trường đều học sớm. 

TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh: “Việc học sớm, khai giảng sau khiến cho ngày khai giảng trở nên vô duyên, mất hẳn ý nghĩa và giảm hứng thú của học sinh. Có thể nói, lễ khai giảng ngày nay được tổ chức như một buổi mít tinh nhàm chán. 

Thời gian học 9 tháng là đủ cho học sinh trong việc tiếp thu kiến thức nhà trường, do vậy, đừng nên tận dụng thời gian hè của học sinh để nhồi nhét kiến thức”.

 

 
Theo Giáo dục Việt Nam


0.30330 sec| 1523.484 kb