Search
Chủ nhật , 03/07/2016, 20:08 PM

Cá chết chỉ là bề nổi...

Cá chết chỉ là bề nổi...

(Congtin.net) - Thiệt hại cá chết chỉ là phần nổi của tảng băng; nguy hiểm hơn chính là nền tảng sự sống, hệ sinh thái đáy bị hỏng, để lại di chứng kéo dài và rất khó hồi phục

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học - khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 1-7.

Trả lời câu hỏi những chất thải chứa độc tố như phenol, xyanua kết hợp với hidroxit sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (mixel) theo dòng hải lưu lan rộng mà Formosa thải ra môi trường liệu có tự phân hủy được không, TS Nguyễn Tác An cho rằng chất độc này từ sơ cấp đã chuyển thành thứ cấp. Chất độc sẽ kết tủa, lắng xuống đáy, tồn lưu trong trầm tích mặt đáy biển. Nó tồn tại ở đấy đến khi có dịp gì đó sẽ lại bùng lên. Những chất độc này tồn tại rất lâu, nguy hiểm, không đơn giản vài tháng vài năm là hết.

Về cách khử các chất độc, TS An cho rằng nếu khử độc này thì lại gây hậu quả, cá lại tiếp tục chết. Khu vực chịu ảnh hưởng là cả vùng biển kéo dài từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế trong khi công nghệ xả thải này (Formosa - PV) khá mới. Do đó, rất khó phục hồi hệ sinh thái như trước đây.

Riêng việc tái tạo các rạn san hô, sinh vật biển có thể làm được nhưng thời gian kéo dài, vô cùng tốn kém và đòi hỏi các chuyên gia có trình độ cao.

Nhà máy của Formosa Hà Tĩnh tại Khu Kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) Ảnh: ĐỨC NGỌC

Nhà máy của Formosa Hà Tĩnh tại Khu Kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) Ảnh: ĐỨC NGỌC

Theo TS An, việc cá chết chỉ là phần nổi tảng băng, điều nguy hiểm hơn chính là nền tảng sự sống, hệ sinh thái đáy bị hỏng. Điều này để lại di chứng từ 5 đến 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Việc phục hồi lại hệ sinh thái sinh vật đáy như: cá biển, san hô, sinh vật nhỏ bé, vi sinh vật sẽ rất mất thời gian, kéo dài có thể vài chục năm. Trong khi đó, ngư dân miền Trung sinh kế chủ yếu vào tài nguyên biển mà cá đáy, sinh vật đáy, nền tảng sinh vật đáy đóng vai trò đến 90%. Kinh tế biển miền Trung bị một cú đấm rất mạnh khi người dân có nguy cơ mất sinh kế, du lịch bị ảnh hưởng…

Trên thế giới từng ghi nhận trường hợp cá chết với quy mô lớn thì đều gắn liền với tác động thải của con người, chủ yếu trong hoạt động công nghiệp. Năm 1965, tại Nhật Bản, nhà máy thép xả chất thải khiến cá chết. Hơn 30 năm nay, Nhật Bản khắc phục vẫn chưa xong. Bản thân thiên nhiên có cơ chế tự làm sạch, tự điều chỉnh để cân bằng song tốc độ công nghiệp hóa gây ra cho môi trường quá mạnh, vượt quá khả năng tự làm sạch của tự nhiên nên mới gây ra sự cố này.

Mục tiêu của nước ta là công nghiệp hóa, phát kiển kinh tế. Để mục tiêu này bền vững, kinh tế thịnh vượng thì phải tìm ra cách giảm thiểu tác hại của chất thải. Khoa học cần quan tâm giải quyết vấn đề này cho tương lai.

Theo TS An, nước ta đã có luật bảo vệ môi trường tốt nhưng vấn đề hiệu quả kiểm soát, thực thi luật này như thế nào là điều đáng bàn. Với cách quản lý như hiện nay, dường như việc kiểm soát hoạt động xả thải công nghiệp của cơ quan chức năng còn rất yếu.

“Ngay cả vấn đề tác động của KCN ven biển đối với môi trường, các nhà khoa học đã cảnh báo liên tục. Với cách quản lý này, không chỉ thủy sản chết hàng loạt lần này là chấm dứt mà còn lần sau. Lần sau còn nặng hơn, lớn hơn nữa” - ông An cảnh báo.

“Một đất nước nghèo nàn thì không có vị trí trên thế giới. Một dân tộc nghèo nàn thì nói không ai nghe. Muốn giàu có thì phải phát triển kinh tế. Kinh tế nông nghiệp chỉ đủ cho con người sống, do đó phải công nghiệp hóa. Mà công nghiệp hòa là phải xả thải, tác động đến môi trường. Chúng ta chấp nhận công nghiệp hóa đồng thời phải phát triển hệ thống quản lý tác động đấy, để hiệu quả của công nghiệp thực sự mang lại”- TS An nói.



0.28055 sec| 1521.836 kb