(Congtin.net) - Các chuyên gia môi trường cho rằng, số tiền 500 triệu USD mà Formosa đưa ra nhằm bồi thường cho sự cố môi trường mình gây ra với hệ sinh thái biển là quá ít.
Lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi.
Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận trách nhiệm là thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở biển miền Trung và cam kết bồi thường với tổng số tiền 500 triệu USD cho người dân và khắc phục hậu quả.
Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công Nghiệp TP Hồ Chí Minh cho hay, mặc dù việc xác định nguyên nhân, thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết là Formosa có muộn nhưng ông vẫn rất hoan nghênh các cơ quan chức năng.
Về tổng số 500 triệu USD mà Formosa đưa ra để bồi thường sau sự cố môi trường nghiêm trọng này, GS Bá cho rằng, số tiền đó là chưa đủ, bởi đây chỉ như "muối bỏ biển".
GS Lê Huy Bá. Ảnh: Lao động.
"Trong kinh tế môi trường, khi gây ra ô nhiễm thì anh phải đền bù. Thứ nhất là đền bù về thiệt hại tài nguyên biển mà như chúng ta đã biết là rất lớn.
Thứ hai là thiệt hại về ô nhiễm môi trường thì nó vô cùng lớn và Formosa phải chi trả số tiền để làm sạch môi trường khi nó chưa bị ô nhiễm thì mới được. Nếu đem 500 triệu USD đưa vào đây thì nó không đủ được.
Thứ ba rất quan trọng là phải đền bù ngay cho người dân về thiệt hại kinh tế cũng như nghề nghiệp của ngư dân, vấn đề du lịch ở dọc 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Thứ tư là sức khỏe của người dân, với những người nhiễm bệnh cấp tính thì rõ rồi, nhưng những bệnh mãn tính thì 10, thậm chí 15, 20 năm mới bùng phát. Khi đó, ung thư mới phát triển thì quá muộn. Lúc đó lấy gì để đền bù?
Rõ ràng, cộng lại các khoản này thì số tiền 500 triệu USD là quá ít", GS Bá nêu rõ.
Ông Bá cũng bày tỏ, việc Formosa đưa ra 5 cam kết với Chính phủ và nhân dân Việt Nam là tốt nhưng nó vẫn còn sơ sài, đơn giản, chưa rõ ràng.
"Ở đây, việc xử lý như thế nào cần hết sức chi tiết, chẳng hạn, nước thải xử lý như thế nào, bằng công nghệ nào, rồi nước thải nhà máy thép, luyện gang, cốc xử lý như thế nào? Ai là người kiểm nghiệm và kiểm tra đột xuất như thế nào?
Tất cả những thứ đó phải được xử lý bằng công nghệ hiện đại và được thẩm định, kiểm tra chắc chắc, kiểm soát chặt chẽ...", GS Bá nêu.
Một vấn đề khác cũng được nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường chỉ ra, đó là mọi người đang nói nhiều ô nhiễm nước biển nhưng luyện thép còn có bụi từ lò trong quá trình luyện.
"Bụi này rất nguy hiểm và gây ra bệnh ung thư phổi, do đó, chúng ta cần phải kiểm tra, xử lý. Chưa kể công nghệ của Formosa theo tôi được biết, so với các nước là lạc hậu nên muốn để họ tồn tại phải yêu cầu thay đổi công nghệ, không được sử dụng công nghệ cũ.
Thực tế, ở ngay Đài Loan đã tẩy chay công nghệ này và lịch sử cũng cho thấy Formosa đã gây ô nhiễm ở nhiều quốc gia. Do đó, chúng ta phải rất cương quyết trong việc yêu cầu họ phải thay đổi công nghệ, kiểm soát nước, chất thải sau sự việc này", ông Bá đề nghị.
Đồng thời, ông cũng mong muốn, các cơ quan quản lý cần xem xét lại việc để Formosa xây dựng đường ống, thải ngầm ra biển.
"Theo tôi, thải ngầm này không thể được phép tồn tại nữa, bởi vì không ai kiểm soát được và chúng ta không kiểm soát được nên mới để xảy ra sự cố nghiêm trọng này. Ở đây phải thải nổi và trước khi thải ra phải có chỗ để lấy mẫu, kiểm soát mẫu thường xuyên, đột xuất.
Tôi cũng mong, các cơ quan chức năng làm rõ xem ai là người cấp phép cho Formosa thải ngầm ra biển như vậy và các báo cáo tác động môi trường được xây dựng, phê duyệt như thế nào mà để xảy ra sự việc như vậy...", GS Bá nói thêm.
Hệ sinh thái không thể trở lại như cũ
Cùng trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) cũng cho rằng, mức 500 triệu USD mà phía Formosa đưa ra nếu so với việc khôi phục hệ sinh thái biển ở các tỉnh miền Trung bị tác động thì chưa nói lên gì nhiều.
PGS.TS Trần Hồng Côn. Ảnh: NĐT
"Chưa kể việc lượng hóa số tiền đền bù này cũng chưa có cơ sở. Bởi, ví dụ như thiệt hại của dân, lo chuyển đổi việc làm thì có thể tạm tính, gần với con số thực tế hơn.
Nhưng thiệt hại đối với hệ sinh thái của 4 tỉnh miền Trung và khả năng, kinh phí cần thiết để phục hồi hệ sinh thái đó thì chưa có một số liệu nào cả.
Cho nên, riêng về việc để khôi phục hệ sinh thái biển thì tính toán số tiền như vậy là chưa được, không có cở sở.
Cần có khảo sát, đánh giá cụ thể để có thể xem xét được mức độ thiệt hại, bị phá hủy cũng như khả năng phục hồi của hệ sinh thái này. Khi đó, thì mới tính được kinh phí cần thiết để tiến hành xử lý, khôi phục", PGS Côn cho hay.
Theo ông Côn, để xác định được thời gian có thể khôi phục hệ sinh thái biển ở các tỉnh miền Trung bị tàn phá bởi sự cố môi trường do Formosa không đơn giản và phải tính toán, khảo sát kỹ càng chứ không thể nói vo được.
"Ở đây anh cần tính toán, khảo sát cụ thể mới đưa ra được thời gian nhưng tất nhiên là hệ sinh thái phục hồi sẽ không bao giờ bằng được như cũ.
Bởi, sau khi có tác động rất mạnh như vậy thì những sinh vật có khả năng thích nghi nhanh, sức sống khỏe có thể phát triển mạnh hơn.
Nhưng những sinh vật thích nghi chậm, sức sống yếu thì phát triển rất chậm, chưa kể nhiều thứ có thể mất đi hoàn toàn...", PGS Côn đánh giá.