(Congtin.net) - Trước cam kết của Formosa, theo PGS, TS. Bùi Thị An, việc phục hồi môi trường biển không đơn giản, phải tốn rất nhiều tiền. Số tiền 500 triệu USD mới chỉ là đền bù cho người dân.
Lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam (Ảnh cắt từ clip)
Phải có lộ trình cụ thể về việc phục hồi môi trường
Sáng nay (1/7), trao đổi với chúng tôi, PGS, TS. Bùi Thị An - Ủy viên Uỷ ban KH, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá việc Formosa phải xin lỗi công khai Việt Nam và bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân 500 triệu USD là một kết thúc có hậu.
Bà An cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc Formosa thực thi những cam kết của mình như thế nào.
"Việc đầu tiên là khôi phục hệ sinh thái biển. Đó là việc vô cùng quan trọng với đất nước. Làm thế nào để khôi phục chứ không thể nói chung chung. Phải có lộ trình, thời điểm cụ thể, bao gồm những nội dung gì, mục tiêu khôi phục như thế nào?
Việc này liên quan đến cuộc sống của người dân, liên quan đến rất nhiều người: Ngư dân của 4 tỉnh ven biển miền Trung, người tiêu dùng hải sản, du khách... Vì thế, bà An bày tỏ mong muốn, trong việc khắc phục hệ sinh thái biển, người dân sẽ được giám sát.
Trong lời xin lỗi của mình, bên cạnh việc bồi thường thiệt hại về kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, Formosa còn cam kết bồi thường xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.
PGS, TS.Bùi Thị An (Ảnh: Xuân Hải)
"Việc phục hồi môi trường biển không đơn giản, phải tốn rất nhiều tiền. Số tiền 500 triệu USD mới chỉ là đền bù thiệt hại kinh tế cho người dân", bà An nói.
Cũng theo vị ĐBQH, sau sự việc này Formosa phải khắc phục đến tận cùng, không bao giờ được tái diễn những vụ tương tự. Trong việc này, vấn đề quản lý nhà nước rất quan trọng.
Chúng ta kêu gọi đầu tư nhưng không bằng bất kỳ giá nào. Cơ quan tiếp nhận các dự án phải vô cùng thận trọng, trụ cột "môi trường" - một trong 3 trụ cột phát triển bền vững Việt Nam luôn phải được cảnh tỉnh.
Sau khi tiếp nhận đầu tư xong thì các khâu tiếp theo trong đó có việc đánh giá tác động môi trường phải được xử lý cẩn thận, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao. Có như vậy thì mới đạt được mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường.
Bà An nói thêm: "Muốn làm tốt những việc này, chúng ta phải phân trách nhiệm rõ về mặt quản lý và về kỹ thuật. Nhà nước ta cũng nên có những trạm quan trắc độc lập về mặt môi trường, không phụ thuộc vào ai. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể phát hiện kịp thời các sự cố môi trường.
Qua việc này, tôi cũng đề nghị rà soát lại tất cả các dự án ven biển, ven sông đang xả thải ra môi trường, nếu phát hiện phải xử lý nghiêm và công khai. Chúng ta phải chủ động rà soát chứ không thể để báo chí thông tin thì mới vào cuộc".
Trong vụ Formosa, Việt Nam cũng có thiếu sót
Trong một cuộc trao đổi khác với chúng tôi về mức Formosa bồi thường thiệt hại của người dân, GS Nguyễn Lân Dũng nói: "11.500 tỉ đồng - đó là con số rất lớn. Tôi không ngờ họ đồng ý mức tiền đó".
Về những cam kết của Formosa, ông Nguyễn Lân Dũng bày tỏ kỳ vọng: "Formosa sẽ tiếp nhận sự kiểm soát của mình".
Theo vị GS này, trước đây Formosa có thiếu sót và phía Việt Nam cũng có thiếu sót. Họ thiếu sót ở chỗ là ngăn cản chúng ta vào kiểm tra, bây giờ hi vọng họ chấp nhận việc kiểm tra của mình.
Cũng qua việc này, phía Việt Nam cũng phải thấy được thiết sót của mình khi để cho họ tự do, không có sự kiểm soát về mặt môi trường.
GS Dũng nói thêm: "Nhân dân đòi hỏi việc chúng ta cho phép họ xây dựng và hoạt động như vậy nhưng phải có cơ chế kiểm soát thường xuyên. Và mình phải là người kiểm soát được trước khi họ xả thải vào ống dẫn nước thải ngầm".
So sánh sự cố môi trường này với các sự cố môi trường trước đây từng được dư luận quan tâm đặc biệt, ông Dũng đánh giá vụ Formosa xả thải là rất nghiêm trọng.
Sự cố môi trường này ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của người dân đối với sự an toàn của cuộc sống. Và đương nhiên, mức bồi thường thiệt hại của người dân cũng là lớn nhất từ trước đến nay.
"Đây là thắng lợi lớn của Chính phủ, chính ông Võ là người cho điểm 10. Tôi thấy cho điểm 10 là đúng rồi", ông Nguyễn Lân Dũng nói.
Lời xin lỗi và cam kết của ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh
"Công ty xin nhận trách nhiệm và thành thật xin lỗi nhân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Công ty xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Việt Nam vì đã gây ra sự cố môi trường thời gian qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, việc làm của người dân và môi trường 4 tỉnh miền Trung.
Chúng tôi xin cam kết thực hiện bồi thường thiệt hại về kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.
Chúng tôi cam kết khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, hoàn thiện công nghệ của nhà máy theo yêu cầu của các bộ, ngành Việt Nam và UBND Hà Tĩnh.
Chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung, đảm bảo phòng, chống các sự cố môi trường tương tự như đã xảy ra và tạo niềm tin với người dân Việt Nam, cũng như bạn bè quốc tế.
Chúng tôi xin cam kết thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết với Chính phủ liên quan đến vụ việc này và cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của Việt Nam.
Chúng tôi mong rằng bằng sự chân thành từ trái tim, sự nỗ lực tối đa trong giải quyết sự cố này, chúng tôi sẽ nhận được sự cảm thông của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi vô cùng biết ơn Chính phủ đã có chỉ đạo tìm ra nguyên nhân sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua. Chúng tôi tha thiết mong người dân rộng lượng và tha thứ cho chúng tôi".