Gạo thơm ST (Sóc Trăng) đang bán rất chạy với giá trên 25.000 đồng/kg, gạo hữu cơ 80.000 đồng/kg giúp các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tham gia thị trường toàn cầu một cách tự tin. Các tổ chức quốc tế về gạo thừa nhận sự trỗi dậy ngoạn mục của gạo Việt.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay: Năm 2018, Việt Nam là là 1 trong 3 cường quốc XK gạo lớn nhất thế giới. Ấn tượng mạnh mẽ trong 3 năm qua (2016 - 2018), sản lượng gạo thơm chất lượng cao không ngừng tăng lên đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và XK, tạo dựng nền tảng gia tăng giá trị hạt gạo.
Gạo thơm ST24 đạt top 3 gạo ngon thế giới
Gạo trắng cấp thấp và trung bình XK giảm mạnh từ 30,8% xuống còn 11,9%. Gạo trắng cấp cao có biểu hiện giảm nhẹ 27,8% còn 24,3%. Trong khi xu hướng gạo ngon, thơm, đặc sản, gạo Japonica tăng nhanh từ 22,7% lên 29,4%.
Trong suốt 10 năm qua, vùng ven biển ĐBSCL kiên trì mô hình canh tác thông minh lúa - tôm trên nền tảng nhận thức vì môi trường bền vững. Diện tích sản xuất giống lúa ST đã lan rộng. Tại hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo tổ chức tại Macau (Trung Quốc) cuối năm 2017, gạo ST24 đạt top 3 gạo ngon nhất thế giới do The Rice Trader (Tổ chức thương mại gạo) vinh danh, nhờ phẩm chất vượt trội. ST24 cũng được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA và châu Âu một năm sau đó, và trở thành điển hình sản xuất và xuất khẩu coi trọng sức khỏe người tiêu dùng và “sức khỏe” môi trường.
Tại Long An, một DN đặt hàng ST24 xuất sang thị trường Canada. ST24 thật sự hấp dẫn từ vụ ĐX 2017 - 2018, khi thương nhân mua bán gạo ở miền Tây và các tỉnh miền Trung, miền Bắc đặt hàng nông dân sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Đến cuối vụ, khách hàng Trung Quốc cũng sang lùng mua gạo này.
ST24 sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu. Gạo thơm hữu cơ ST24 đóng gói 2kg, giá 80.000 đồng/kg vẫn không đủ bán. Vụ thứ hai (ĐX 2018 - 2019) các DN tìm mua lúa giống lúa ST24 để trực tiếp đầu tư sản xuất, tạo vùng lúa nguyên liệu với số lượng tăng gấp trăm lần so với vụ ĐX năm trước. Vùng trồng lúa ST24 đang lan rộng khoảng 4 - 5 vạn ha.
Nhóm tác giả giống gạo ST24 ở Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo, tại Ma Cao - Trung Quốc.
Mô hình luân canh tôm - lúa ở vùng nước lợ từng được các chuyên gia nông nghiệp thế giới công nhận độc nhất trên thế giới. Người nuôi tôm chuyển dần sang sử dụng nhiều chế phẩm vi sinh để có được sản phẩm tôm sạch theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Người trồng lúa thơm ST yên tâm khi người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và chọn mua gạo hữu cơ.
ST20, ST24… là những giống lúa thơm cao sản, thời gian sinh trưởng ngắn ngày (100-105 ngày), có khả năng thích nghi rộng ở 3 miền Bắc, Trung, Nam và trụ vững ở vùng đất mặn ven biển… Các nhà xuất khẩu gạo thơm Thái, quanh đi quẩn lại với những giống lúa thơm dài ngày cũng đã nhận ra lợi thế tài nguyên di truyền cộng bản địa để tạo ra sản phẩm mới như Việt Nam đang làm.
“Cần Thơ gạo trắng nước trong…”, câu hò ngân nga giữa miền sông nước từ xa xưa chỉ về miền đất lành, lúa gạo mang giá trị của tự nhiên. “Túi khôn” của vùng châu thổ Cửu Long do cha ông để lại còn có một ngân hàng gen giống lúa thơm lưu giữ, vô giá.
Hơn 20 năm trước, nhiều nhà khoa học ấp ủ những kết quả nghiên cứu gạo ngon chờ thời gạo thơm “lên hương”, nhưng mãi gần đây gạo thơm Việt mới “lên ngôi” khi giống ST24 được vinh danh trong top đầu gạo ngon toàn cầu, do nhiều đầu bếp nổi tiếng thế giới tham gia bình chọn. Kết quả vinh danh đó có sức thuyết phục vì thế giới hiểu thực khách cần gì và họ đã tìm thấy lời đáp từ gạo thơm Việt.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 6,15 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về giá trị so với năm 2017. Cơ cấu gạo xuất khẩu cũng thay đổi với tỷ trọng gạo trắng thường chỉ chiếm 25%; gạo thơm, gạo đặc sản chiếm 40%, ngoài ra gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tăng lên hơn 10%. |