Search
Thứ 4, 12/10/2016, 14:03 PM

Theo chân "thợ săn" đạp rừng đuổi theo "ong tử thần"

Theo chân "thợ săn" đạp rừng đuổi theo "ong tử thần"

Ong bắp cày (hay còn gọi là ong chần) được mệnh danh là “ong tử thần”, có khả năng giết chết một người trưởng thành chỉ với hai ba vết đốt. Loài ong này là nỗi ám ảnh đối với người dân ở vùng nông thôn; nhưng ở thôn 3, thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) lại có một người đàn ông sống bằng nghề săn “ong tử thần”.

Trời mưa rả rích, trong khoảnh khắc ngắn ngủi cả khu rừng già ở thung lũng Măng Đen (huyện Kon Plông) chuyển sang màu đen đặc. Anh Nguyễn Văn Toàn đứng run trong cái lạnh tê tái chìa bàn tay ra trước đám lá nói: Ong vào lỗ hết rồi, chuẩn bị “đánh” thôi! Thế là cuộc săn “ong tử thần” trong màn đêm giữa rừng bắt đầu...

Đạp rừng đuổi theo ong

Có mặt trong rừng từ sáng sớm, nhưng anh Toàn không đi thẳng vào các tổ của loài “ong tử thần”, mà lang thang khắp các cánh rừng để tìm hoa, ngắm ong hút mật.

Đang quan sát hai chú ong mật đạp cánh dưới cành cây dại, Toàn bỗng giật bắn người khi nghe tiếng ù ù xuất hiện xung quanh lùm cây. Anh đứng bất động, rồi lấy cành cây vót nhọn một đầu, buộc một con châu chấu nhỏ chuẩn bị sẵn làm mồi nhử đợi “ong tử thần”.

Chỉ vài ba phút, chú ong độc phát hiện thấy mùi thịt côn trùng liền lao tới ôm trọn con mồi, rồi bay mất hút giữa rừng. Toàn không rời mắt nhìn theo rồi nói vội: “Đuổi theo thật nhanh kẻo mất dấu!”.

 theo chan

Thủ thuật câu ong. Ảnh: P.N

Giữa rừng núi thâm u, dày đặc tán cây, nhưng Toàn vẫn theo sát được chú ong rừng dựa trên hướng bay. Sau nhiều giờ truy đuổi giữa rừng, chú ong đã bị Toàn “bắt tại trận” khi đang tiếp đất về cái tổ khổng lồ dưới khu rừng thông.

Toàn lò dò bước chân nhẹ nhàng để không phát ra tiếng động và đưa tay ngăn tôi lại, rồi nói: “Tổ ong bắp cày đấy, cứ nhìn đống đất chúng đào lên là biết tổ đông cỡ nào, ong thợ phải đến cả ngàn con”.

Sau khi xác định được tổ ong nằm sâu dưới lòng đất, bên cạnh hốc cây lớn, Toàn hạ trại, nhóm lửa và ngồi đợi trời tối hẳn. Đến khi những chùm lá chỉ còn lại tiếng động, không còn một kẽ sáng nào len qua nữa, Toàn mới bắt đầu “vào trận” bắt ong.

 theo chan

Anh Toàn dùng khói thổi vào tổ làm tê liệt ong mẹ để khai thác tổ. Ảnh: P.N

Một ống thổi to bằng bắp tay được nhét đầy vỏ trấu, Toàn gắp hai hòn than đang cháy đỏ (chuẩn bị sẵn) thả vào trong ống rồi ghé miệng thổi cho lửa bén vào trấu. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, ngọn đuốc được đốt lên cháy nghi ngút giữa màn đêm, Toàn bất ngờ nhét thẳng ống vào cửa tổ ong rồi lấy sức thổi hơi, tổ ong đang yên lặng bỗng phát ra những tiếng ù ù như vỡ tổ.  

Sau khoảng mười phút phả khói vào tổ, khi những tiếng ù ù đã ngưng  hẳn, Toàn dùng xẻng khoét một lỗ lớn rồi ghé tai áp xuống lòng đất một lần nữa. Ong đã “say khói”, hàng ngàn chú ong hung dữ đã ngả nghiêng đầy mặt đất, lúc này Toàn bắt đầu công việc còn lại của mình là khoét lỗ, lấy ong.

Dưới lòng đất chỉ nửa gang tay, một tổ ong khổng lồ to bằng chiếc mâm lộ ra những tầng sáp lớn. Hàng ngàn ong mẹ to bằng ngón tay nằm la liệt trong trạng thái “chết tạm thời” sau khi bị trúng khói.

Toàn nhặt những chú ong mẹ đang bám vào tổ ra bên ngoài rồi khẩn trương lấy tổ, bỏ vào sọt và nhanh chóng rảo bước. “Tất cả phải làm thật nhanh, không được quá 10 phút, nếu không ong mẹ sẽ tỉnh dậy rất nguy hiểm” – Toàn nói gấp gáp.

Câu… ong

Lớn lên ở vùng rừng núi, tôi chẳng lạ gì loài ong bắp cày và cách mà người thợ săn ong thường bắt chúng; nhưng khi nghe Toàn nói có thể bắt được loài ong độc này mà không cần đồ bảo hộ, khiến tôi có cảm giác rờn rợn trong người.

Để bắt được ong bắp cày, dụng cụ của Toàn chỉ có cuốc xẻng, vỏ trấu, ống thổi khói và vốn “mẹo vặt” được chắt lọc từ hàng chục năm đi săn ong rừng.

“Quê mình ở tận huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, nên từ nhỏ đã theo người làng đi bắt rắn độc, bắt đủ các loài ong rồi. Người ta chỉ dám bắt ong mật ít độc, nhưng mình thì biết mẹo nên bắt được cả ong bắp cày” – Toàn kể.

Toàn chìa bàn tay ra và chỉ vào những vết sẹo sau những lần bị ong chích, rồi kể: Bình thường một con trâu mộng chỉ khoảng 10 vết đốt của ong là lăn ra chết, còn người khỏe mạnh thì chỉ vài ba phát là “chết lâm sàng” nếu không biết cách chữa kịp thời thì nguy cơ bỏ mạng là rất cao.

Toàn cho biết thêm, nhiều năm đi bắt ong tử thần, anh đã bị ong đốt bốn lần, lần nhiều nhất là hai vết đốt, nhưng nhờ dùng lá thuốc ở rừng nên chỉ bị ngất lịm vài chục phút là tỉnh…

Bắt được ong trong tổ đã khó, nhưng làm sao để phát hiện ra tổ ong ở giữa rừng sâu lại càng khó gấp bội. Nhưng người săn “ong tử thần” chuyên nghiệp này gần như ngày nào cũng đào được ong đem về bán. Toàn bật mí: “Có nghề hết”.

Ngón nghề mà Toàn tìm ra ong có lẽ chẳng ai học nổi: dùng sợi chỉ câu ong rồi quan sát hướng bay, nhìn hình dáng ong vỗ cánh và trạng thái ong bay là đoán chính xác gần như 100% nơi ong làm tổ.

Loài ong này thường đi lẻ bầy đến các vùng có hoa để tìm bắt ong nhỏ và côn trùng. Người câu ong chỉ cần dùng một cành cây vót nhọn, buộc một con côn trùng có thắt sợi chỉ mỏng để dụ ong tới ăn mồi.

Khi chú ong sà đến ôm con mồi rồi cắn xé lao đi giữa không trung, người thợ săn chỉ cần đứng nhìn hướng ong bay và trạng trái ong là có thể đoán được tổ ong lớn hay nhỏ, cách nơi kiếm ăn xa hay gần. Sau khi quan sát, việc còn lại là đuổi theo hướng ong bay để dò đến nơi làm tổ.

 theo chan

Tổ ong bắp cày được lấy lên từ lòng đất. Ảnh: P.N

Với những bí quyết riêng, cứ mỗi lần “xuất binh” anh Toàn đều thu được sản phẩm. Loại ong này nguy hiểm nhưng từ ong mẹ, ong con đến nhộng đều có thể sử dụng làm thuốc nên có giá khá cao, khoảng từ 1.000 - 1.500 đồng/con. Tuy vậy, anh Toàn cho biết rất ít khi bắt cả ong mẹ để tránh nguy cơ tận diệt loài ong này.

“Mỗi lần lấy tổ mình chủ yếu bắt nhộng, ong mẹ sau khi “chết lâm sàng” thì khoảng mười phút sau là tỉnh lại, khỏe mạnh và sinh sản bình thường” - anh Toàn nói.

 
 
Theo Báo Kon Tum


0.21858 sec| 1483.438 kb