Trong khi người tiêu dùng “đỏ con mắt” tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này lại nêu ra nghịch lý rất khó tiếp cận thị trường. Với một môi trường kinh doanh thực phẩm bát nháo như hiện nay, doanh nghiệp, đơn vị làm ra sản phẩm sạch xuất khẩu ra nước ngoài có khi còn dễ hơn bán trong nước.
Những trái xoài đủ tiêu chuẩn xuất khẩu của HTX xoài Suối Lớn
HTX xoài Suối Lớn ở Đồng Nai là HTX nông nghiệp đầu tiên được chứng nhận VietGAP cho trái xoài vào năm 2010. Hiện, HTX này có 114 thành viên với 314 ha trồng xoài, trong đó có hơn 14,5 ha được chứng nhận VietGAP, và 16 ha có chứng nhận GlobalGAP.
Nhiều năm qua, HTX đã xuất khẩu được trái xoài sang các thị trường Hồng Kông, Ukraine, Trung Quốc. Năm 2016 - 2017, HTX đã đạt được thỏa thuận với 2 doanh nghiệp Australia với sản lượng xuất khẩu 18 tấn xoài/ngày vào thị trường này, được tiến hành theo đường hàng không và đường biển. Với đường hàng không, mỗi ngày sẽ có 2 tấn hàng được xuất đi sau đó bán tại các siêu thị.
Thế nhưng để tiêu thụ được những trái xoài có tiêu chuẩn này tại thị trường nội địa lại quá khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều loại xoài khác rẻ hơn. Ông Nguyễn Thế Bảo – Giám đốc HTX xoài Suối Lớn chia sẻ: "Sản xuất theo kiểu có chứng nhận, chi phí lớn hơn, người nông dân cũng phải gia công nhiều hơn. Dẫn đến chi phí sản xuất cũng tăng lên, đẩy giá thành lên cao. Tâm lý của người tiêu dùng vẫn là thích những sản phẩm vừa ngon vừa rẻ. Nhưng rẻ thế thì sản xuất sạch lại không làm được. Nên chúng tôi vừa làm thương hiệu vừa tìm thị trường nước ngoài để xuất khẩu".
Nằm trên địa bàn xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận là một trong những mô hình điển hình của tỉnh trong việc liên kết với các hộ dân sản xuất hồ tiêu sạch theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Đặng Tấn Huynh - Chủ tịch HĐQT HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận, cho biết đa số thành viên trong HTX là những nông dân sản xuất hồ tiêu giỏi trong vùng, năng suất luôn đạt trên 8 tấn/ha, thậm chí có hộ đạt 12 tấn/ha. Các thành viên của HTX từ khi tham gia trồng tiêu theo hướng hữu cơ đã thu được hiệu quả cao. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của HTX là việc tìm đầu ra chưa tương xứng với chất lượng sản phẩm.
Để xuất khẩu được thủy hải sản ra nước ngoài cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe (Ảnh minh họa)
Ông Huynh than thở: "Sản phẩm tiêu của mình xuất đi đâu, người ta cũng khen nhưng bán trong nước thì khó quá. Nếu bán với giá như tiêu thường, tiêu bẩn đang được bán lẫn lộn trên thị trường thì không hiệu quả. Xuất ra nước ngoài cũng không phải thương hiệu của mình mà phải qua một công ty trung gian thu mua vì chưa có chứng nhận hữu cơ. Mình sản xuất tốt mà cứ nhập nhèm như vậy".
Hiện đang có nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đã sản xuất ra thịt gà sạch, thịt heo sạch và mục đích của họ là xuất khẩu chứ không tiêu thụ ở thị trường nội địa. Không chỉ có mặt hàng thịt, lâu nay thuỷ sản đem xuất khẩu cũng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế chứ không thể làm qua loa như bán nội địa. Xem ra, chúng ta đang coi trọng đến xuất khẩu, phải kỳ công làm ra sản phẩm sạch để phục vụ người nước ngoài, còn người dân Việt Nam lại chỉ được ăn sản phẩm bẩn, thiếu ăn toàn.
Theo danviet.vn