Search
Thứ 2, 29/05/2017, 10:10 AM

Làm thế nào để sớm đưa lợn xuất khẩu sang Trung Quốc?

Làm thế nào để sớm đưa lợn xuất khẩu sang Trung Quốc?

Theo ông Dương Tiến Thể – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), những năm gần đây Việt Nam vẫn xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, nhưng sản lượng chỉ đạt khoảng 10% tổng đàn lợn cả nước và chủ yếu là lợn nhỏ, lợn sữa.

Số liệu sơ bộ của các Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai cho thấy, năm 2016, tổng số lợn sống xuất bán qua Trung Quốc đạt khoảng 4,17 triệu con (gồm có: 743.000 con lợn thịt và 3,427 triệu con lợn sữa). So với tổng đàn hiện nay chiếm chưa đến 10% (tổng đàn cả nước có 51 triệu con) và số lợn xuất khẩu sang nước Trung Quốc đa phần là lợn nhỏ, lợn sữa.

Ông Thể khẳng định, hiện có 8 nhà máy giết mổ lợn sữa và lợn choai xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hongkong, Malaysia. Sản lượng thịt lợn xuất khẩu chính ngạch sang các nước khoảng 11.000 tấn/năm.

lam the nao de som dua lon xuat khau sang trung quoc? hinh anh 1

Xe chở lợn để bán tiểu ngạch sang Trung Quốc, dừng tại Bắc Giang. Ảnh: Tư liệu

“Tuy nhiên, mặt hàng lợn sống của Việt Nam từ trước đến nay không nằm trong danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Việc buôn bán, vận chuyển, xuất bán lợn sống từ Việt Nam sang Trung Quốc là buôn bán tiểu ngạch, thực hiện qua hai bên cánh gà của các điểm thông quan thuộc khu vực các cửa khẩu, đường mòn, lối mở dọc biên giới giữa các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai...  của Việt Nam với Trung Quốc” - ông Thể cho biết.

Thực tế, việc mua bán qua đường tiểu ngạch này không phải các chủ trang trại lợn không biết và Bộ NNPTNT cũng đã liên tục cảnh báo đến người chăn nuôi. Thời điểm năm 2015 - 2016, Trung Quốc trải qua trận rét lịch sử, cộng với dịch bệnh khiến đầu đàn lợn của nước này giảm mạnh. Do nguồn cung thiếu hụt đột biến, suốt năm 2016 thương lái Trung Quốc đã đến tận trang trại lợn của Việt Nam thu mua. Có thời điểm, giá lợn tăng cao, thương lái Trung Quốc mua cả lợn con, lợn choai với giá gần 2 triệu đồng/con.

Sở dĩ hiện nay chưa thể nhanh chóng triển khai xuất khẩu chính ngạch lợn sang Trung Quốc là do chính các trang trại nuôi lợn đang thiếu điều kiện vệ sinh do Trung Quốc yêu cầu. Vì thế, Cục Thú y đã đưa ra 4 giải pháp.

Trước mắt, ngoài việc đề nghị Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) hỗ trợ kết nối, tiếp tục đàm phán với Cục Thú y Trung Quốc để cung cấp các yêu cầu vệ sinh thú y đối với lợn sống và thịt lợn xuất khẩu từ Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam phải căn cứ vào yêu cầu vệ sinh thú y của phía Trung Quốc, lựa chọn các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu, có nhu cầu xuất khẩu (CP, DABACO, JAPFA...) để chuẩn bị hồ sơ đăng ký xuất khẩu.

Bộ NNPTNT cần rà soát lại đề án xây dựng thí điểm vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với lợn để xuất khẩu tại Nam Định và Thái Bình; xem xét mở rộng hoặc thiết lập các vùng an toàn dịch bệnh tại địa phương khác có khả năng đáp ứng được các yêu cầu của phía Trung Quốc (ví dụ Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An); xây dựng chương trình giám sát dịch bệnh động vật đối với lợn (trước mắt là lở mồm long móng, dịch tả lợn) phục vụ xuất khẩu.

Ông Thể cho rằng, nếu thịt lợn được nuôi sạch, không có dư lượng thuốc tăng trọng, thuốc kháng sinh thì hoàn toàn có đủ điều kiện để xuất khẩu chính ngạch thuận lợi. Điều này đòi hỏi nhận thức từ chính các trang trại chăn nuôi.

 

Theo Dân Việt



0.24352 sec| 1519.594 kb