Ðến nay, sau hơn 2 năm đạt chuẩn NTM, Ðảng bộ và nhân dân Thụy Ninh tiếp tục đầu tư sức người, sức của để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.
Xã Thụy Ninh (Thái Thụy) ngày càng đổi mới và phát triển.
Thụy Ninh là xã nội đồng, thuộc vùng sâu vùng xa của huyện Thái Thụy. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã 734ha, trong đó diện tích đất canh tác 479ha. Xã có 8 thôn với 1.784 hộ, 7.431 nhân khẩu. Nghề nghiệp chính của đa số nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.
Qua khảo sát, hết năm 2010 Thụy Ninh mới đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Ðề cao tinh thần sáng tạo, tiết kiệm, phát huy nội lực, tận dụng tối đa nguồn lực lao động và tài chính của địa phương cùng sự ủng hộ của con em xa quê và đầu tư của nhà nước để xây dựng NTM, trong hơn 3 năm (từ 2011 đến tháng 6.2014) xã đã đầu tư hơn 39 tỷ đồng xây dựng các công trình, trong đó Tổng công ty Dầu khí và con em xã quê hỗ trợ 13,07 tỷ đồng, ngân sách xã đầu tư 9,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 18 tỷ đồng (gồm cả tiền mặt và công lao động quy thành tiền) và kinh phí hỗ trợ của cấp trên.
Toàn xã đã hoàn thành cứng hóa 13,5km đường giao thông trong khu dân cư, 9,8km đường và 11,2km kênh dẫn nội đồng, xây dựng 5 đình làng, nhà văn hóa thôn, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, nâng cấp các trục đường liên thôn, liên xã, xây mới trường tiểu học, nâng cấp trường mầm non, trường THCS, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, xây dựng khu xử lý rác thải... Tất cả các công trình đều đã được thanh quyết toán đầy đủ, không có nợ đọng. Với kết quả đó, tháng 6.2014 Thụy Ninh đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận đạt chuẩn NTM.
Ðến nay, sau hơn 2 năm đạt chuẩn NTM, Ðảng bộ và nhân dân Thụy Ninh tiếp tục đầu tư sức người, sức của để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Sản xuất phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chương trình sản xuất lúa giống cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình tiếp tục được mở rộng, mang lại giá trị thu nhập cao cho người cấy lúa. Ðời sống người dân được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, văn hóa, xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, diện mạo làng quê có nhiểu khởi sắc...
Ðể có được kết quả ấy trong bối cảnh nguồn lực tài chính còn hạn hẹp, Thụy Ninh đã có cách làm riêng, sáng tạo, phù hợp với đặc thù của xã, đó là không chạy theo thành tích, chạy theo sự hoành tráng của các công trình mà có đến đâu làm đến đó, triệt để tiết kiệm. Với các tiêu chí đã đạt, xã tập trung giữ vững và nâng cao chất lượng, đồng thời tập trung nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí gần đạt, các tiêu chí dễ thực hiện mà không cần nhiều kinh phí để sớm hoàn thành, nâng cao số lượng các tiêu chí đã đạt làm động lực để hoàn thành các tiêu chí khác.
Với cách làm đó, từ chỗ không là xã điểm của huyện, đến năm 2013 Thụy Ninh đã đạt 15/19 tiêu chí, được UBND huyện đưa vào diện được tập trung đầu tư để sớm về đích NTM. Với các tiêu chí cần nhiều kinh phí, xã đề ra chủ trương tiết kiệm trong xây dựng cơ bản, những việc gì dân làm được thì để dân tự làm, không nhất thiết việc gì cũng thuê, khoán trong khi nguồn lao động trong dân đang dư thừa, ví dụ như đào đắp, cứng hóa hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng chủ yếu do nhân dân bỏ công làm là chính, chỉ bỏ tiền thuê máy trộn bê tông, vận chuyển cát, đá, xi măng từ bến bãi về đầu công trình, do đó đã tiết kiệm được khá nhiều kinh phí mà lại thực hiện được chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Với các công trình trường học, trạm y tế, khu trung tâm xã, nhà văn hóa thôn…, Thụy Ninh mời các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh về khảo sát, đánh giá, công trình nào, hạng mục nào còn giá trị sử dụng lâu dài và phù hợp quy hoạch thì sửa chữa, nâng cấp để tiếp tục sử dụng, đồng thời xây dựng thêm những hạng mục còn thiếu hoặc không đúng quy hoạch để đạt tiêu chí, không nhất thiết phá đi làm lại gây tốn kém kinh phí và thời gian. Nguồn lực tài chính của xã và nguồn đầu tư của nhà nước được dành cho các công trình khác còn đang thiếu.
Trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Nguyễn Văn Uẩn ở thôn Vân (xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy) cho thu lãi gần 100 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Thanh Huyền.
Với 5 thôn có nhà văn hóa đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc không phù hợp với quy hoạch, cần phải đầu tư xây mới, qua khảo sát, tìm hiểu thấy nhân dân các thôn này từ lâu đã có nguyện vọng được phục hồi, tôn tạo đình làng cũ (trước đã có, sau bị dỡ bỏ do chiến tranh), Thụy Ninh đã định hướng nhân dân xây đình làng kết hợp làm nhà văn hóa thôn bằng phương thức xã hội hóa có một phần hỗ trợ của ngân sách xã. Do vậy, chỉ sau 3 năm xã đã có 5 đình làng, nhà văn hóa thôn được hoàn thành bằng nguồn vốn do nhân dân đóng góp và con em xa quê tài trợ là chính, phần đầu tư của xã rất thấp (từ 5 - 10% giá trị công trình). Nhân dân phấn khởi vì có nơi thờ cúng các bậc tiền nhân, đồng thời cũng có nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng khang trang, sạch đẹp.
Trong quá trình xây dựng các công trình, Thụy Ninh luôn thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, thủ tục tài chính theo quy định, công khai, dân chủ, người dân luôn là chủ thể, do đó, đến nay, sau 2 năm được đón bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM, Thụy Ninh không có thắc mắc, khiếu kiện về đóng góp, thu, chi. Nhân dân luôn tin tưởng và làm theo sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền. Với những cách làm ấy, Thụy Ninh về đích NTM mà không có nợ đọng xây dựng cơ bản.
Theo Báo Thái Bình