Để hạn chế tai nạn giao thông, trộm cắp... hoành hành tại các vùng nông thôn, nông dân tỉnh Bình Định đã chung tay thắp sáng điện đường tại nhiều địa phương.
Điện thắp sáng, tệ nạn giảm
Nhờ những công trình thắp sáng, từ những đoạn đường tối, giờ đây cuộc sống phồn thịnh của người dân được soi sáng bởi những ánh điện vùng quê. Từ năm 2013, mô hình “Thắp sáng đường quê” được Hội Nông dân (ND) xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) phát động và người dân cùng tham gia góp tiền, ngày công… để làm đường điện chiếu sáng.
Nhiều cột điện đường, đèn chiếu sáng ở thôn 3 xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn đã phát huy tác dụng. Ảnh: Dũ TuấnLà nơi được chọn làm mô hình điểm, chị Trương Thị Cúc- Chi hội trưởng thôn Háo Đức, xã Nhơn An cho hay: “Khi chi hội triển khai được nhiều hội viên, nông dân nhất trí và đồng thuận cao. Họ tự đứng ra thành lập nhóm, góp tiền kéo dây, lắp bóng điện và quản lý, giữ gìn, cũng như thanh toán tiền điện cho công ty điện lực theo tháng. Từ ngày có điện đường, cuộc sống nông thôn văn minh hơn, tệ nạn xã hội cũng giảm, nhất là không còn xảy ra nạn trộm cắp”.
Hiện nay, hầu hết Hội ND cấp huyện đã thực hiện mô hình “Thắp sáng đường quê” gắn với giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông. Nhờ vậy, nâng cao được vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới và đảm bảm trật tự, an toàn giao thông…”.
Bà Lê Thị Kim Mai - Chủ tịch Hội ND Bình Định
Hơn 2 năm nay, việc thắp sáng điện đường cũng đã được triển khai tại 2 thôn Trung Thành và Đại Tín, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước với chiều dài hơn 2km. Trước đây, những tuyến đường thiếu ánh sáng đã từng là nơi xảy ra nhiều vụ trộm cắp, tai nạn giao thông... Thế nhưng khi có điện đường, những nỗi lo này không còn nữa.
Ông Nguyễn Minh Hoàng- Phó trưởng Công an xã Phước Lộc chia sẻ: “Từ ngày các tuyến đường làng có điện, không có bất cứ một vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng nào xảy ra. Bên cạnh đó, an ninh trật tự tại địa phương luôn được đảm bảo”. Còn ông Lê Hà Phương- Trưởng thôn 3, xã Bình Nghi nhớ lại: “Khi chưa có điện đường, việc tham gia giao thông vào ban đêm tại đây khá phức tạp. Đường nhỏ lại tối mù rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Không chỉ đau đầu vì tai nạn giao thông, nạn trộm cắp, đặc biệt là trộm chó tại đây xảy ra như cơm bữa. Người dân bức xúc nhưng vì đường sá tối mù nên việc ngăn chặn trộm cướp cũng rất khó. Từ khi có điện sáng, người dân rất yên tâm khi chạy xe ra đường vào buổi tối, nạn trộm cướp cũng mất hẳn”.
Nông dân chung tay
Tại nhiều con đường nông thôn của xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn giờ đây cũng sáng rực ánh điện, nhà nhà nằm san sát nhau. Trẻ em, người già có thể vui chơi, tập thể dục 2 bên đường mà không còn sợ cảnh thiếu ánh sáng như trước đây.
Theo ông Nguyễn Đình Thuận - Chủ tịch Hội ND xã Bình Nghi, từ nhiều năm nay, địa phương này đã thực hiện mô hình “Thắp sáng đường quê”. Khi Hội ND đề xuất áp dụng mô hình và vận động người dân tham gia, nông dân toàn xã rất hào hứng và quyết tâm chung tay xóa bỏ những con đường thiếu ánh sáng vào ban đêm. “Trên các tuyến đường liên thôn cứ 50m có 1 trụ điện, mỗi trụ được bắt một bóng đèn tiết kiệm điện. Chi phí bắt mỗi bóng đèn và dây điện khoảng 250.000 đồng do người dân tự nguyện đóng góp. Mỗi tháng người dân căn cứ theo số điện báo ở công tơ bên dưới mà chi trả tiền điện. Đến nay 7/7 thôn của xã đã áp dụng mô hình “Thắp sáng đường quê”, 80% số trụ điện đã được bắt bóng đèn. Nhờ sự chung tay của người dân mà cuộc sống vùng nông thôn được thay đổi, văn minh hẳn lên” - ông Thuận bày tỏ.