Hội nghề cá Việt Nam vừa đề nghị Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) lập bản đồ vùng biển cấm ở 4 tỉnh miền Trung trong bối cảnh Bộ Y tế công bố các loài hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Trên thực tế, ngư dân tuy có đánh bắt, nhưng hải sản thì... chẳng ai mua.
Ngư dân “tự do” đánh bắt
Theo tìm hiểu của NTNN, hiện tại ở Quảng Bình có 2 bộ phận ngư dân đang đánh bắt trên biển. Đó là những ngư dân có tài lớn đánh bắt ở vùng khơi (xa bờ) và những ngư dân bãi ngang (các xã biển không có cửa lạch) chỉ có tàu nhỏ công suất dưới 20CV chuyên đánh bắt ở vùng lộng (gần bờ).
Thực tế ở Quảng Bình, từ khi xảy ra sự cố môi trường biển do Formosa xả thải làm cá chết hàng loạt, chỉ ngư dân đánh bắt cá vùng lộng ở các xã bãi ngang phải úp tàu nằm bờ vì hải sản bán không ai mua, còn những tàu cá xa bờ, sau khi đánh bắt hải sản trở về được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận, được các doanh nghiệp thu mua hải sản thu mua hết (Nhà nước trợ giá 20%) nên họ vẫn liên tục ra khơi mặc dù giá hải sản giảm mạnh so với trước đây.
Sau một đêm đánh bắt, ngư dân Lê Văn Tỳ (Nhân Trạch) chỉ bắt được 1 con cá đuối và mấy
con ghẹ. Ảnh: P.P
Hiện Quảng Bình vẫn cho ngư dân đánh bắt bình thường nhưng cấm vùng biển 330km2 ở cửa biển Nhật Lệ, đồng thời cấm khai thác cá tầng đáy từ 20 hải lý trở vào bằng các nghề: lưới, kéo, rê đáy, lặn, lồng bẫy… Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường giám sát an toàn thực phẩm, sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ...”- Ông Phan Văn Khoa - Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Bình |
Thời điểm hiện tại, các tàu cá đánh bắt xa bờ ở Quảng Bình sau khi nghỉ giữa trăng đã bắt đầu xuất bến vươn khơi để đánh bắt hải sản. Thiếu úy Nguyễn Hoài Nam – Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Cảng Gianh (Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Gianh) cho biết, những ngày qua, mỗi ngày trạm làm thủ tục xuất biển cho hàng chục tàu cá cho ngư dân (kể cả những ngư dân ngoại tỉnh vào neo đậu ở âu thuyền Cảng Gianh) xuất biển.
Đây đều là những tàu cá có công suất lớn hàng trăm CV, chuyên đánh bắt ở các vùng biển xa như: Vịnh Bắc Bộ, Trường Sa, Hoàng Sa… Mỗi chuyến biển họ thường đi từ 15 - 20 ngày. Ngư dân trên các tàu cá làm nhiều nghề như lưới, câu, chụp, dã cào… nên hải sản đánh bắt cũng phong phú về chủng loại, kể cả tầng đáy và tầng mặt như: Cá thu, cá ngừ, cá hố, mực, ghẹ…
Trong khi đó, sau một thời gian dài nằm bờ do hải sản đánh bắt về không tiêu thụ được, thời gian gần đây, ngư dân chuyên đánh bắt gần bờ ở các xã bãi ngang Quảng Bình như: Nhân Trạch (Bố Trạch), Hải Ninh (Quảng Ninh); Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy)… cũng đã lác đác ra khơi trở lại. Theo ghi nhận của phóng viên NTNN, tại các xã biển bãi ngang ở Quảng Bình, mỗi ngày đều có hàng chục chiếc thuyền ra khơi. Hầu hết các thuyền này đều “tự do” ra khơi mà chẳng có ai hỏi han gì.
Hải sản vẫn ế ẩm
Theo ngư dân, việc đánh bắt hải sản ở Quảng Bình có thể “tự do”, nhưng có một thực tế đau lòng là hiện nay lượng hải sản gần bờ đã cạn kiệt, đặc biệt là hải sản tầng đáy hiện đã hầu như vắng bóng. Sau một đêm thả lưới ở khu vực biển phía ngoài cửa sông Nhật Lệ, ngư dân Lê Văn Tỳ (xã Nhân Trạch) chỉ thu được 1 con cá đuối và chưa đầy 1kg ghẹ.
Gặp phóng viên NTNN, ông Tỳ không giấu được nỗi buồn: “Trước đây ở vùng biển này, do có nhiều rạn san hô, có nhiều loài hải sản cư ngụ nên mỗi đêm thả lưới tui cũng kiếm được tiền triệu, nhưng bây giờ thì với chừng ni đây bán chưa được 200.000 đồng, chưa bù được chi phí nói chi kiếm sống…”.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Phương Lâm – Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Nam, nếu mùa hè ngư dân ở đây đánh bắt các loại hải sản tầng nổi thì mùa này là mùa họ bắt đầu đánh bắt các loại hải sản tầng đáy như: Cá mú, cá hồng, cua, ghẹ… bằng các phương pháp như thả lưới, đặt bóng, bẩy, lặn… “Nhưng với việc công bố hải sản tầng đáy chưa an toàn, đồng nghĩa với việc ngư dân nơi đây lại phải “úp thuyền”. Bởi lẽ, vùng biển mà ngư dân các xã bãi ngang ở Quảng Bình đang đánh bắt đều là vùng biển được khuyến cáo chưa an toàn trong khu vực 20 hải lý trở vào. Nếu cố ra biển để bắt thì vào bờ bán cũng chẳng ai mua” – ông Lâm nói.
Trong khi đó, theo khảo sát của NTNN, những ngày qua ở các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình như chợ Đồng Hới, chợ Hoàn Lão (Bố Trạch), Chợ Tréo (Lệ Thủy), Ba Đồn (Ba Đồn)… sau một thời gian vắng bóng, các loại hải sản đã bắt đầu được bày bán trở lại. Theo quan sát, các loại hải sản ở tầng nổi như: Cá nụ, cá ngừ, cá thu, cá bạc… hay các loại ở tầng đáy (nằm trong danh mục khuyến cáo không sử dụng) như cá mú, ghẹ, tôm… đều có bày bán, nhưng lượng người mua rất ít.
Ngồi trước rổ ghẹ vẫn còn sống nhưng bà Dương Thùy Uyên (trú phường Nam Lý, TP.Đồng Hới) than thở: “Nhìn con ghẹ còn sống như thế này muốn mua lắm nhưng sợ. Hỏi người bán thì họ nói hải sản được đánh bắt ngoài 20 hải lý về, thiệt tình chúng tôi không biết làm sao phân biệt được đâu là hải sản xa bờ, đâu là hải sản gần bờ để mà mua. Thôi để cho an toàn, đành phải tiếp tục nhịn ăn đã...”.
Còn theo các ngư dân trên các tàu cá đánh bắt xa bờ ở Quảng Bình, sản lượng hải sản của họ đánh bắt được khi cập bờ đều được các chủ doanh nghiệp thu mua hải sản ở Cảng cá Nhật Lệ và Cảng Gianh thu mua hết, nhưng giá cả giảm rất nhiều so với trước đâu. Tuy nhiên, thời gian qua, với tâm lý sợ nhiễm độc, người tiêu dùng vẫn quay lưng với với hải sản nên lượng hải sản tồn ở các kho lạnh của các doanh nghiệp là rất lớn, lên đến hàng ngàn tấn, hiện nay việc tiêu thụ cũng vô cùng khó khăn...
Theo Dân Việt