Giờ đây nhiều con cá heo không còn muốn cùng ngư dân đánh cá nữa. Chúng sợ và không thể biết được những kẻ trên thuyền kia có còn là bạn chúng hay không nữa. Tốt nhất là tránh cho xa. Và sự cộng sinh, mối thâm giao bao đời giữa người và cá đang dần biến mất.
Những người này dùng lưới vét gắn sợi đồng truyền điện, một kiểu khai thác tận diệt Ảnh: National
Cá heo Irrawaddy ngày càng ít đi và có nguy cơ biến mất mãi mãi. Một trong những nguyên nhân chính là hành vi tham lam và vô trách nhiệm của con người với thiên nhiên, với chính những bè bạn của con người. Cá heo không muốn đánh cá cùng ngư dân nữa vì chúng mất lòng tin ở con người.
Hôm nay, ông Maung Lay lại đi thả lưới. Ông có cách gọi cá heo rất khác với mọi người. Thay vì gõ vào mạn thuyền, khỏa nước, ông kêu một thứ tiếng trong cổ, mô phỏng chuông điện thoại kiểu quay số ngày xưa. Đó là báo hiệu anh đang cần cá heo hỗ trợ. Rồi một chú cá heo xuất hiện, thò cái đuôi lên mặt nước vẫy vẫy, ra ý bảo đã sẵn sàng. Thêm hai chú cá heo nữa xuất hiện. Cuộc đánh bắt bắt đầu. Nhưng mẻ lưới đầu tiên kéo lên nhẹ tênh: không có một con cá nào.
Sự tàn phá của nạn đánh cá điện
Chuyện đó ngày càng phổ biến trên vùng sông Irrawaddy, theo tạp chí National Geographic. Nguyên nhân là sự lan tràn của nạn đánh cá bằng xung điện bất hợp pháp.
Tệ nạn này làm cạn kiệt nguồn cá, cũng là nguồn thức ăn của cá heo Irrawaddy. Xung điện cũng được cho là nguyên nhân khiến hai chú cá heo bị chết. Không những thế, giờ đây nhiều con cá heo không còn muốn cùng ngư dân đánh cá nữa. Chúng sợ và không thể biết được những kẻ trên thuyền kia có còn là bạn chúng hay không nữa. Tốt nhất là tránh cho xa. Và sự cộng sinh, mối thâm giao bao đời giữa người và cá đang dần biến mất.
Cá heo Irrawaddy sống được nhiều loại môi trường: sông, hồ, biển, từ vịnh Bengal của Ấn Độ tới đông bắc nước Úc. Ở Myanmar, chúng đang gặp nguy hiểm ở mức cao: năm 2013, người ta thống kê được 82 con trên sông Irrawaddy nhưng đến năm 2015, chỉ còn chưa quá 60 con. Các nhà bảo tồn nói câu chuyện đánh cá điện và cá heo Irrawaddy đang lặp lại những gì đã xảy ra với loài cá heo bạch kỳ (baiji) trên sông Dương Tử (Trung Quốc). Chúng đã tuyệt chủng 9 năm trước, một phần cũng bởi nạn đánh cá điện.
Maung Lay đã bắt cá cùng cá heo hơn 30 năm qua nhưng ông nói mối quan hệ ấy đang lung lay dữ dội. “Giữa cá heo và ngư dân từng có sự tin tưởng. Nay chúng không còn tuân thủ những hiệu lệnh của chúng tôi như trước nữa”.
Ngày trước, có những lần cá heo giữa đêm phụt nước đánh thức Maung Lay để rủ ông đánh cá. Lúc đó sẽ gọi tên chúng, những cái tên ông trìu mến gán cho hai con cá heo, Thangina và Thandima.
Bây giờ chúng tỏ ra miễn cưỡng đáp lại tiếng gọi của Maung Lay và hiếm khi nào lại gần thuyền của ông.
Đã hàng giờ Maung Lay quăng chài xuống lại kéo chài không lên. Đêm xuống, lẽ ra các loài cá phải đi kiếm ăn nhiều hơn, nhưng ông cũng chỉ bắt được một ít cá, không bằng một góc nhỏ của ngày trước.
Maung Lay đã đánh cá cùng cá heo hơn 30 năm
Đánh bắt tận diệt
Các tàu đánh cá bằng điện xuất hiện trên sông Irrawaddy khoảng 10 năm trước đây. Lúc đầu ngư dân sử dụng các bình ắc quy và cần tre nối dây điện để chích cá, tầm ảnh hưởng của xung điện chỉ trong bán kính chưa đến 1m. Nhưng trong 3 năm qua, nhiều nhóm ngư dân côn đồ đã nổi lên, hoành hành khắp mặt sông Irrawaddy.
Họ dùng các thiết bị đánh cá điện tinh vi và phức tạp hơn trước nhiều. Lưới vét của họ được gắn dây đồng, kết nối với một hệ thống bình ắc quy ô tô và bộ kích. Những cú phóng điện kiểu này có thể cùng lúc giết chết rất nhiều loài cá, kể cả những loài sống ở đáy sông.
Một phần quan trọng của vấn đề là cách chính quyền địa phương giao quyền khai thác cá trên sông bằng cách đấu thầu mỗi năm một lần, khiến động cơ tận thu, tận diệt của nhóm ngư dân thắng thầu càng mạnh.
“Khi tôi bắt đầu đánh cá, năm 1984, việc đó thật dễ dàng”, Maung Lay nói. "Có rất nhiều cá và nước thì sạch. Kể từ năm 2005, tôi không còn bắt được nhiều cá nữa. Đó là vì nạn đánh cá điện”.
Đánh cá bằng điện là bất hợp pháp ở Myanmar, có thể phải ngồi tù 3 năm và nộp phạt bằng tiền nhưng những hình phạt như thế không đủ để ngăn chặn tệ nạn này.
Những ngư dân đánh cá điện, cũng là người sống ven sông như Maung Lay thường sử dụng cách truyền thống để gọi cá heo. Nếu chúng đến gần lưới, chúng cũng bị điện giật. Ngày 4/12/2014, người ta thấy hai con cá heo còn non, một đực, một cái, chết ở khu vực sông được bảo tồn, phía bắc cố đô Mandalay, không xa ngôi làng của ông Maung Lay.
“Chúng tôi không thấy dấu hiệu bị thương hay mắc lưới”, Kyaw Hlay Thein, đến từ tổ chức bảo tồn thiên nhiên hoang dã WCS, nói. “Chúng tôi cũng không thấy dấu hiệu của chất độc".
Theo Kyaw Hlay, các bằng chứng tìm thấy sau khi phẫu thuật xác hai con cá cho thấy chúng là nạn nhân của hoạt động đánh cá bằng điện. “Khi chúng chết, có cảm giác như mình mất đi người thân trong gia đình”, Maung Lay nói.
Khi những nhóm côn đồ trên sông ngày càng bánh trướng và hung hăng, nạn đánh cá điện trở nên chết chóc và phổ biến hơn. Người dân nào tìm cách ngăn chặn bằng việc đi báo cảnh sát có thể gặp nguy hiểm ngay sau đó.
Ở làng của U San Win, người dân cũng đã cố ngăn chặn bọn đánh cá bằng điện. “Chúng đe dọa đốt cả làng chúng tôi”, U San Win nói. “Chúng tôi không thể thuyết phục chúng dừng lại, và chúng tôi cũng không dám báo cảnh sát”. “Mối quan hệ, sự tin tưởng giữa người và cá heo sẽ biến mất thực sự nếu mọi việc cứ tiếp diễn như hiện nay”, Kyaw Hlay nói.
Theo Nongnghiep.vn