Chơi rùa khủng long cổ đại, rồng bò sát, cá lóc hoàng đế, kiến kiểng, tép 7 màu… là những thú chơi mới lạ của các dân chơi hiện nay ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Đưa rồng Nam Mỹ về nhà chơi
Thích thú với loài bò sát có nguồn gốc từ Nam Mỹ, anh Hoàng Minh (Hà Nội) cho biết, thời gian đầu tìm hiểu và mua loại "thú cưng đặc biệt" này về nhà chơi, anh cũng gặp nhiều khó khăn do vợ con và gia đình phản đối. Nhưng sau một thời gian, các thành viên trong gia đình anh đã dần thích thú và quen với thú chơi mới này.
Loài rồng Nam Mỹ có hình thù kỳ dị được nhiều dân chơi ở Hà Nội tậu về nuôi chơi trong nhà.
Anh Minh cho biết thêm, dù là loài mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng cũng thu hút rất nhiều người chơi một phần cũng là do sở thích và giá cả cũng không cao lắm từ vài trăm nghìn đồng/con đến vài triệu đồng/con tùy vào kích cỡ và màu sắc, mẫu mã.
“Việc chơi loài rồng này còn tùy vào nhu cầu của người chơi song tổng đầu tư nuôi một cặp rồng Nam Mỹ vào khoảng trên dưới 3 triệu đồng là đã có thể chơi thỏa thích” – anh Minh chia sẻ.
Dùng "vũ nữ 7 màu"...mát xa
Nhiều người ở Hà Nội sẵn sàng bỏ ra bạc triệu để đầu tư bể tép cảnh 7 màu (hay còn gọi là vũ nữ 7 màu) để ngắm và mát xa tay, chân khi mệt mỏi.
Mới vào Việt Nam song loài tép 7 màu được khá nhiều dân Hà Nội thích thú, chơi nhiều.
Anh Tuấn, một dân chơi tép cảnh ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: Nghe có vẻ xa xỉ nhưng thực tế việc đầu tư một bể tép cảnh 7 màu khá rẻ, chỉ từ 2- 5 triệu là đã có một bể tép ưng ý. “Tuy nhiên, để có một bể tép cảnh đẹp, đòi hỏi người chơi phải có đam mê và chịu khó học hỏi nữa. Riêng cá nhân tôi đã chơi tép được khoảng 5 năm, cảm nhận thấy đây là một thú chơi rẻ mà rất hay, thú vị. Đặc biệt là mỗi khi đi làm về cho tay vào bể cho tép mát xa thích lắm, hết mỏi mệt ngay” – anh Tuấn chia sẻ.
Anh Tuấn cho biết, thông thường một bể kính đầu tư khoảng trên dưới 2 triệu đồng, tùy thuộc vào kích cỡ mà giá tiền khác nhau, tép cảnh có thể mua được tại các cửa hàng ở các phố Hoàng Hoa Thám, hay phố Nhân Chính (quận Thanh Xuân) với giá trung bình khoảng từ 20.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng/cặp.
Nhiều người ở Hà Nội bỏ ra bạc triệu để đầu tư bể tép cảnh 7 màu (hay còn gọi là vũ nữ 7 màu) để ngắm và mát xa tay, chân khi mệt mỏi.
Anh Triển, một chủ cửa hàng bán tép cảnh ở Hà Nội cho biết: Chủ yếu tép cảnh 7 màu được nhập về từ Đài Loan. Do giá khá rẻ lại có nhiều mẫu mã đẹp nên rất nhiều người dân ở Hà Nội mua về chơi.
Chơi rắn kiểng nhập ngoại
Thêm một thú chơi dị khác nữa cũng đang rộ lên trong 5 năm trở lại đây. Đó là thú chơi loài rắn kiểng ngoại nhập (xuất xứ Thái Lan) đang đặc biệt thu hút được rất nhiều giới trẻ ở Thủ đô, nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên.
Loài rắn ngô (xuất xứ từ Thái Lan) có giá trên dưới 1 triệu đồng/con đang được các bạn trẻ mua nuôi chơi rất nhiều ở Hà Nội.
Anh Phong, một chủ shop chuyên kinh doanh các sản phẩm thú cưng ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, anh bắt đầu kinh doanh các loài bò sát ở Hà Nội từ năm 2012, sản phẩm anh kinh doanh gồm các loại bò sát như rắn, rồng Nam Mỹ, nhện chủ yếu được nhập về từ Thái Lan.
Loài rắn sữa (xuất xứ từ Thái Lan) có giá khá cao khoảng trên dưới 3 triệu đồng/con đang được bán tại shop của anh Phong.
Anh Phong cho biết thêm, đối tượng khách hàng chủ yếu của anh là học sinh, sinh viên và khách trung tuổi. “Nhiều người sợ rắn nhưng các loại rắn thú cưng này rất hiền không có độc nên chơi rất thích mà lại không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường” – anh Phong chia sẻ.
Chơi "ếch ngoài hành tinh"
Mới xuất hiện ở Việt Nam gần chục năm trở lại đây nhưng loài ếch kiểng có tên Pacman đang khiến giới trẻ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mê mẩn, đua nhau mua nuôi.
Loài ếch Pacman rất hiền lành, dễ thương nên được giới trẻ ở các thành phố lớn rất ưa chuộng mua nuôi nhiều.
Là một chủ shop bán ếch cảnh lớn tại Hà Nội, anh Nguyễn Quý Thành (Đống Đa) cho biết, ếch Pacman có nguồn gốc từ Nam Mỹ với cái tên ếch sừng Argentina. Khi trưởng thành, một chú ếch Pacman có thể dài tới 15-17cm và nặng 0,5kg. Có thể dễ dàng nhận dạng loài vật cảnh này với thân hình béo tròn, màu sắc sặc sỡ và cái miệng rộng phàm ăn.
Anh Thành cho biết thêm, khi mới du nhập vào Việt Nam nhiều người còn quen gọi loài ếch này với cái tên quen thuộc là “ếch ngoài hành tinh” bởi chúng có hình dạng giống với một nhân vật trong một bộ phim viễn tưởng.
Ếch Pacman có rất nhiều màu sắc từ vàng, xanh cốm, nâu… giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng/con, tùy màu sắc chủng loại.
Cũng theo anh Thành, thức ăn dành cho loài thú cưng ăn tạp này rất dễ tìm, chúng chủ yếu ăn các động vật nhỏ như cá, côn trùng,… giá cả cũng không đắt lắm chỉ 500.000 đồng đến trên dưới 2 triệu đồng/con, tùy loại kích cỡ và màu sắc, chủng loại.
“Loài ếch này rất chóng lớn và có tuổi thọ khá cao so với các loài lưỡng cư khác: từ 7-9 năm với Pacman trong tự nhiên và 10-15 năm hoặc hơn thế với những chú Pacman được chăm sóc, ăn uống đầy đủ” – anh Thành chia sẻ.
Chơi cá lóc hoàng đế nghìn đô
Mới du nhập vào Việt Nam trong tháng 8 vừa qua song cá lóc hoàng đế đã có giá bán lên đến hàng nghìn đô mỗi con 30cm, đặc biệt có con cá kích thước 80 – 90cm có giá lên đến trên 6.000 USD (khoảng hơn 130 triệu đồng).
Cận cảnh đầu một con cá lóc hoàng đế thuộc hàng hiếm đang được nuôi tại shop của anh Ken Trần.
Là người có kinh nghiệm kinh doanh cá kiểng và bò sát được hơn 8 năm. Anh Ken Trần, một chủ shop bán cá kiểng và bò sát có tiếng ở Đồng Nai cho rằng: Loài cá lóc hoàng đế này có tên tiếng anh là Channa Barca có nguồn gốc ở Ấn Độ còn được mệnh danh là loài cá có giá bán đắt nhất thế giới, dù có con chỉ 20cm, nhưng có giá lên đến cả nghìn đô.
Anh Ken Trần nhập cá lóc hoàng đế từ Singapore về cách đây vài tháng. “Việc nhập cá kiểng về nuôi, kinh doanh cũng là xuất phát từ nhu cầu của thực tế phong trào nuôi cá săn ở Việt Nam đang phát triển và rất có tiềm năng” – anh Ken Trần chia sẻ.
Loài cá này có thân hình khá giống với loài các lóc ở Việt Nam.
Anh Ken Trần cho biết, hiện giá các loài cá kiểng trung bình từ vài chục nghìn đồng đến vài triệu đồng/con song riêng cá lóc hoàng đế có giá bán cao vượt trội hơn, có con lên đến vài nghìn đô nên không phải ai cũng có tiền chơi được mà phải là các gia đình có điều kiện, đặc biệt phải là dân chơi, am hiểu thú chơi lạ này mới dám đầu tư một bể cá lóc hoàng đế.
Anh Ken Trần cho biết thêm, thường thì cá lóc hoàng đế ăn các loại thức ăn có ngoài tự nhiên như cá nhỏ, dế, sâu… Nhưng người chơi có thể dùng thức ăn dạng viên công nghiệp cho cá ăn được bình thường.
Nuôi kiến độc kiểng trong nhà để ngắm
Đó là mô hình chơi, kinh doanh kiến kiểng của anh Khiêm ở Quảng Ngãi đang khiến giới sinh vật cảnh ở Việt Nam rất tò mò. Đặc biệt, mô hình lạ này đang thu hút khá nhiều người ở các thành phố lớn mua về chơi.
Hiện anh Khiêm đang nuôi và kinh doanh 2 loài kiến kiểng, trong đó có 1 loài có nọc độc nguy hiểm và 1 loài kiến hiền không có nọc độc.
Anh Khiêm cho biết, anh bắt đầu chơi kiến kiểng được trên 1 năm, chủ yếu kiến được anh bắt ở một số vùng tại tỉnh Quảng Ngãi. “Hiện tôi chơi và kinh doanh 2 loài kiến chính là kiến nẻ (hay còn gọi là kiến bù nhọt) và kiến vàng” – anh Khiêm chia sẻ.
Anh Khiêm cho biết thêm, trong 2 loài kiến anh đang chơi và kinh doanh, có loài kiến nẻ (bù nhọt) có nọc độc khá hung dữ. Còn loại loài kiến vàng di chuyển và chủ yếu sống ở dưới đất, loài này rất hiền, không có nọc độc.
Mô hình nuôi kiến kiểng đang thu hút khá nhiều người chú ý, mua chơi.
Cũng theo anh Khiêm, thú chơi kiến kiểng rất công phu và mất nhiều thời gian. “Việc chơi kiến kiểng là mô hình mới, hiếm có ở Việt Nam. Chơi kiến không quá tốn kém nhưng mất nhiều thời gian. Bởi để nuôi được kiến người chơi phải đầu tư nhiều công sức từ khâu tìm đi bắt đến khâu xây dựng bể nuôi kiến” – ông Khiêm tiết lộ.
Theo anh Khiêm, giá trung bình một bộ kiến gồm một bể cảnh, dụng cụ (dụng cụ chuyên dụng để bắt, chăm sóc kiến) và một đàn kiến tùy theo loài có giá từ 650.000 đến trên 1,6 triệu đồng/bộ. Ví như kiến nẻ (bù nhọt) tầm đàn chỉ từ 40 -50 con, ngược lại kiến vàng 1 bộ có thể bán kèm lên đến cả trăm con.
Chơi nhện độc
Anh Nguyễn Qúy Thành, một chủ shop bán nhện kiểng ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: Chủ yếu các loài nhện Tarantula có xuất xứ từ Mexico. Nhện Tarantula dễ nuôi. Môi trường sống đơn giản chỉ cần một cái lồng thoáng khí, đất, một chỗ trú ẩn là được. Tuổi thọ nhện rất dài. Nhện đực có thể sống tới 5 năm. Nhện cái tùy loài, thường từ 5 tới 20 năm. Nhện không cần nhiều sự chăm sóc như chó, mèo. Thường chỉ cần cho ăn 1 lần/tuần. Thậm chí, có trường hợp ghi nhận, một con nhện Tarantula bị bỏ đói suốt 2 năm trời vẫn sống.
Các loài nhện đang được nuôi tại shop anh Thành rất kỳ dị và nhiều loài có nọc độc nguy hiểm.
Anh Thành cho biết thêm, loài nhện này du nhập vào Việt Nam vào khoảng đầu 2008 và phát triển vào đầu năm 2009. Tuy nhiên, đến nay thú chơi loài nhện này đã trở thành phong trào nở rộ rộng khắp trong giới trẻ ở các thành phố lớn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay shop của anh Thành bán khá nhiều loại nhện Tarantula từ nhện chân đỏ, chân trắng… các loại nhện có giá trung bình từ 350.000 đồng đến trên 600.000 đồng/con tùy chủng loại. “So với thời gian trước, những năm gần đây tôi bán được nhiều hàng và được giá hơn” – anh Thành chia sẻ.
Nhập rùa khủng long cổ đại về chơi, kinh doanh
Loài rùa đặc biệt này có thân hình giống như khủng long thời cổ đại đang gây sốt trong giới thú cưng ở Việt Nam. Hiện, loài này đang được một số người ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM rao bán làm thú cưng với giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng/con.
Loài rùa này có thân hình rất kỳ quái.
Là một người có kinh nghiệm khá lâu trong nghề kinh doanh rùa cảnh, anh Tuấn, một chủ cửa hàng bán rùa cảnh ở quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết, anh bắt đầu nhập loài rùa này về nuôi được 3 năm nay, nói chung loài rùa này khá dễ nuôi, thức ăn của chúng là các loài cá nhỏ, dế…
Theo anh Tuấn, loài rùa này nằm trong nhóm 2 loài rùa cá sấu được du nhập về Việt Nam gần 2 năm nay. “Đây là loài rùa khá kén người chơi, phải là người có đam mê rùa mới chịu chơi, bởi rùa có hình thù khá kỳ quái” – anh Tuấn chia sẻ.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia về động vật, đây là loài rùa có xuất xứ ngoại nhập nên nuôi nhốt trong bể kính phải cẩn thận, tránh để sổng ra ngoài môi trường gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và các loài khác.
Cũng theo anh Tuấn, trên thế giới loài rùa này sống ở nước ngọt được mệnh danh là loài rùa lớn nhất thế giới nhưng khi được nhân giống đưa vào Việt Nam rùa chỉ có size nhỏ đến rất nhỏ, chỉ khoảng trên dưới 20cm/con với giá bán khoảng trên dưới 1 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng/con, tùy loại và kích cỡ.
Theo danviet