Châu chấu là món khoái khẩu của dân nhậu nên loài côn trùng này gần đây trở thành mặt hàng thực phẩm có giá trị.Cứ chớm vào mùa gặt hái, những cái vợt quay châu chấu ở xã Lê Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) lại hoạt động trở lại.
Những bao châu chấu thu về sau một ngày lao động miệt mài, với dịch vụ cấu chấu thuê là nguồn sống cho cư dân nơi đây.
Nghề cấu châu chấu mang lại thu nhập cho nhiều người dân làng Lê Xá. Ảnh: P.L
Chỉ với 5.000 đồng/kg, chấu được cấu sạch cánh; còn cấu sạch cả chân cũng chỉ được 6.000 đến 8.000 đồng\kg, nhưng bà con Lê Xá không hề chán nản, vẫn hăng say làm việc. |
Từ bé tôi đã biết chuyện đi bắt châu chấu về rang ăn, chuyênện đã in sâu trong ký ức tôi cho đến ngày hôm nay. Lần này tôi có dịp về quê đúng lúc mùa châu chấu vừa đến. Mới tới cổng làng đã thấy những chiếc bao trên tay của những người đi quay châu chấu căng phồng lướt theo chiều gió. Những con châu chấu trong bao tải nhảy soạt soạt...
Vợ chồng anh trai tôi mới cưới nhau được 6 năm mà đã có 3 mặt con. Vì mẹ sinh mau quá nên các cháu sức khỏe yếu, đặc biệt bé thứ hai mắc bệnh phổi ngay từ khi mới sinh ra. Anh chị phải chạy vạy khắp nơi để lấy tiền chữa trị bệnh cho con. Hiện tại chị ở nhà trông 3 cháu và làm thêm những nghề thủ công khác như xiên hạt vòng, vàng mã, cấu châu chấu thuê, ngày cũng kiếm được gần 100.000 đồng. Còn anh tôi ngày thường đi làm thợ xây, đến mùa châu chấu anh lại đi quay châu chấu. Mỗi ngày anh quay được 8-10kg châu chấu, tính ra cũng kiếm được 900.000 đồng. Anh bảo, anh tranh thủ mùa châu chấu kiếm ít tiền mua sữa và đóng tiền học cho các cháu.
Hỏi về việc quay châu chấu, anh trai tôi bảo, “những con châu chấu không đứng yên một chỗ để người quay dễ dàng quay được mà chúng bay tứ phương, mình muốn bắt được cũng phải có thủ thuật. Trước tiên dồn chúng vào một góc, chọn thời điểm thích hợp tới khi nào dồn được một lượng châu chấu khá lớn, lúc đó mới tiến hành quay”.
Ở làng có những ông chủ chuyên thu mua châu chấu mà người dân trong làng thu được. Châu chấu chưa về nhưng những nồi nước to đã có mặt trên kiềng bếp, chỉ cần châu chấu về là thả vào luôn. Việc luộc châu chấu cũng không hề đơn giản. Trước tiên lượng nước phải phù hợp với lượng châu chấu, đợi nước sôi rồi mới dấn châu chấu vào. Muốn cho châu chấu vàng và cứng, người dân cho muối khi còn đang đun, không được đun già lửa, vừa chín đến là phải nhanh chóng vớt ra rồi cho vào nước lạnh ngâm một lúc mới vớt ra.
Để cho những mẻ châu chấu được tươi ngon hơn, người dân đem sàng sẩy loại bỏ rác, mủn trấu và giúp cho việc cấu châu chấu được diễn ra thuận tiện. Những mẻ châu chấu được vớt ra là những giọt mồ hôi chảy kết thành dòng tuôn rơi xuống áo người đun chấu. Từng mẻ châu chấu được đổ ra sân là từng bàn tay vơ lại về bên mình để cấu thật nhanh…
Trên đường bắt châu chấu trở về. Ảnh: T.l
Cứ chập tối người dân làng Lê Xá lại hô hào nhau đi cấu châu chấu thuê. Từ trẻ nhỏ đến các cụ cao tuổi, ngồi xếp hàng chọn những nơi sáng nhất để thuận tiện nhất cho việc cấu chấu. Mọi người ai lấy đều cặm cụi cấu, nhưng vẫn cho ra những tiếng cười hớn hở.
Những ngón tay thoăn thoắt vặt cánh châu chấu liên tục, khởi động theo nhịp điệu chộp lấy chấu vặt nhanh rồi bỏ vào rổ. Cứ như thế sau 1 hồi, rổ nào rổ nấy đầy ăm ắp những con châu chấu tươi ngon.
Mẹ tôi ngày đi gặt mệt, nhưng tối nào mẹ cũng đi cấu châu chấu thuê, mặc dù mẹ bận tối ngày, hết ngoài đồng lại công việc ở nhà, có hôm đi cấu chấu, mẹ quên cả ăn. Mẹ bảo, tranh thủ cấu được vài đồng để lấy tiền mua bát bún mà ăn con ạ. Mỗi tối mẹ tôi cấu được 4-6kg chấu.
Ở một buổi cấu châu chấu, Nguyễn Văn Hùng - học lớp 6 chia sẻ, ngày nào em cũng đi cấu chấu, dù được ít được nhiều. Có tối em được gần 30.000 đồng, nhưng có tối chỉ được 5.000 đồng. Số tiền đó em đưa tất cho mẹ để mua sắm sách vở, dụng cụ học tập. Mặc dù miệt mài với những công việc làm thêm, nhưng em không hề lãng quên việc học. Hùng nhiều năm đạt danh hiệu học sinh giỏi và học sinh tiên tiến. Hùng và nhiều bạn của mình mới chỉ là những đứa trẻ ngây thơ thôi, nhưng các em đã nhận thức được hoàn cảnh sống của gia đình, giúp đỡ một phần cho bố mẹ trong cuộc sống mưu sinh vất vả.
Ông Nguyễn Văn Huân ở thôn Đức Thụ, xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là một trong số những ông chủ thu mua châu chấu ở làng Lê Xá. Ông Huân cho biết, mỗi ngày ông thu mua được khoảng 3 tạ châu chấu. Châu chấu sống thu mua được mang đi luộc rồi thuê bà con trong thôn làng cấu. Chỉ với 5.000 đồng/kg, chấu được cấu sạch cánh; còn cấu sạch cả chân cũng chỉ được 6.000-8000 đồng/kg, nhưng bà con không hề chán nản, vẫn hăng say làm việc.
Nước của châu chấu tiết ra rất độc, thấm vào tay sẽ bị ngứa. Tay người nào cấu chấu cũng sưng phù, trầy xước tay. Nhưng dù vậy, họ vẫn yêu, miệt mài với nghề, bởi nghề giúp họ sinh tồn. Kết thúc buổi cấu chấu, người cấu thì vui mừng được cầm những đồng tiền từ sự cặm cụi cả buổi tối, người đi quay thu về số tiền đầy ý nghĩa với họ. Ai nấy đều cất tiếng cười đầy phấn khởi. Con tôi, tôi cứ mong rằng nghề quay chấu, cấu chấu sẽ giúp những con người nơi đây có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn...
Theo danviet.vn