Mô hình tưới tiết kiệm đã xuất hiện khá nhiều tại Đồng Nai, áp dụng trên nhiều loại cây trồng. Không chỉ giúp giảm công lao động, mô hình tưới tiết kiệm còn giúp tăng năng suất cây trồng, hướng tới sản xuất bền vững…
Thay đổi cách tưới thủ công
Trước đây, biện pháp tưới truyền thống mà người dân áp dụng là một người một vòi nước, cầm phun cho vườn cây. Anh Phan Văn Bảo (ấp Phú Mỹ, xã Xuân Lập, thị xã Long Khánh), một trong những người áp dụng mô hình tưới tiết kiệm cho cây sầu riêng cho biết: “Với cách tưới truyền thống, để tưới cho 1ha sầu riêng, trung bình phải mất tới 4 ngày, 4 công mới đủ. Nhà nào có người phụ, hay có điều kiện thuê nhân công tưới liên tục thì còn đỡ mệt, chứ vợ chồng mà chăm sóc thì vất vả lắm”.
Hơn 20 năm vào Đồng Nai lập nghiệp, với từng sào, rồi tới cả ha sầu riêng, anh Bảo thay tới 3 - 4 giống khác nhau mới tìm được loại ưng ý.
Ngặt nỗi, cách nay chục năm, mô hình tưới tiết kiệm là một cái gì đó xa lạ, chưa được phổ biến. Hàng trăm hộ dân nơi đây, từ trồng sầu riêng, mãng cầu, đều dùng cách tưới tay truyền thống, cứ ống nước to đùng, phun từ sáng tới tối, ngày này qua ngày khác, miệt mài mới xong.
Nhiều vụ liền không có lãi, vườn sầu riêng cũng không đẹp, anh mới tìm được nguyên nhân. Do cách tưới thông thường, đất ẩm, cây sầu riêng tùy từng loại lại có cây cần nước, cây lại không cần nhiều. Nhưng hồi đó, cách tưới tay đâu kiểm soát được lượng nước, cứ căn một cây chừng vài phút là chuyển cây khác, nước phun mạnh yếu như nào cũng không đo được.
Mãi đến năm 2009, anh mới được phổ biến về biện pháp tưới tiết kiệm. Nhiều người nghi ngại, nhưng anh thì có thử mới biết nên mạnh dạn áp dụng. Vụ đầu tiên không hiệu quả, rồi vụ thứ hai cũng không hiệu quả do điều tiết nước không hợp lý, cây bị thừa nước, thiệt hại cũng đáng kể. Dần dà, anh tìm hiểu thêm đặc tính của cây sầu riêng, phân tích từng giống để tìm ra cách tưới hiệu quả.
Phấn khởi khoe với chúng tôi, anh Bảo cho biết: “Mày mò mãi cũng có cách, tôi cải tiến hệ thống tưới tiết kiệm theo đặc tính riêng của cây sầu riêng. Vẫn một van tổng, nhưng thay vì để nó phun tự do, tôi thiết kế từng van nhỏ ở mỗi gốc cây.
Sau khi vặn van tổng, tôi đến từng gốc cây vặn van nhỏ, cây nào đang trong giai đoạn cần nước thì vặn to ra một chút, cây nào ít thì hãm lại. Cây sầu riêng khác với những cây trồng khác, nó có thời điểm cần nhiều nước, tùy vào chu kỳ sinh trưởng và giống. Ví dụ như với giống Monthon có 3 chu kỳ sinh lá sau thu hoạch, thời gian phát triển chu kỳ sinh lá thứ 2 là vào tháng 11, 12 DL. Lúc này, cây rất cần nước do thời tiết bắt đầu chuyển nắng, mưa ít, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ giúp chủ động được nguồn nước, kịp thời vụ cho đợt thu hoạch kế tiếp”.
Bởi thế, từ khi mô hình tưới tiết kiệm về xã, bà con quen dần, phấn khởi hẳn ra, ai cũng gắng đầu tư cho được dàn tưới ổn định. Cả xã giờ đây, tìm được hộ nông dân nào tưới bằng vòi nước mới khó, chứ việc sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, thì ai cũng kể rành. Một hệ thống tưới chỉ đầu tư một lần có thể sử dụng hàng chục năm, chi phí sửa chữa ít, ai lại đi tưới tay cho mệt.
Ngoài sầu riêng, cây tiêu cũng là một trong số những loại cây áp dụng hiệu quả mô hình tưới tiết kiệm. Một trong những mô hình đi tiên phong áp dụng hệ thống tưới này lên cây tiêu, mang lại thành công là ông Trần Hữu Thắng (ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) - Giám đốc HTX Hồ tiêu Xuân Thọ.
Từng có một vườn điều sum xuê trái, nhưng do hiệu quả không cao, ông Thắng đã thay thế toàn bộ bằng 2,5ha tiêu từ cuối năm 1995. Thời điểm đó, tiêu chưa cao giá như bây giờ, ông lận đận một thời gian dài vì tiêu bệnh nhiều, hết chết nhanh, chết chậm rồi lại đủ thứ nấm tấn công. Suốt một thời gian dài, ông mày mò từ nơi này qua nơi khác, đi tìm các mô hình phát triển hiệu quả ở khắp nơi, không nơi nào không có dấu chân ông. Càng tìm tòi, ông càng phát hiện được những cách hay, dần nhận biết được dấu hiệu các bệnh trên tiêu.
Với hệ thống vòi tưới nước tiết kiệm, anh Hạnh chủ động được nguồn nước tưới cây
Ông nhận định: “Cây tiêu sợ nhất là quá nhiều nước, nước đọng lại vào bộ rễ sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển và lây lan sang các cây khác. Mà thời đó, cách tưới thủ công bằng vòi phun không thể kiểm soát được lượng nước, có hãm cách nào cũng dính. Trăm vườn tiêu thì cả trăm vườn mắc bệnh, nấm hoành hành không thuốc nào chữa được”.
Cộng với việc ở Xuân Lộc thời điểm đó luôn trong tình trạng thiếu nước, bản thân ông phải đi dẫn nước từ suối về vườn hàng km mới đủ nước, cũng không hiệu quả. Từ khi được phổ biến về hệ thống tưới tiết kiệm, chẳng chần chừ, ông áp dụng ngay.
Thoạt đầu, ông cảm thấy khỏe khoắn hẳn ra, sau khi lắp đặt, ông vứt xó toàn bộ hệ thống vòi phun, cứ sáng ra thư giãn, cà phê một lúc, rồi đến giờ chỉ việc vặn công tác, toàn bộ vòi phun từ hệ thống ngầm dưới đất tưới đều mỗi gốc, khỏe khoắn, mà lại hiệu quả. Cứ thế, từ một ngày tưới bằng biện pháp thủ công, ông giảm còn chỉ 1 tiếng tưới, chi phí điện, nước cũng giảm đáng kể.
Được một thời gian, nhận thấy thiết bị cần thay đổi để phù hợp với đặc tính vườn tiêu, ông Thắng tự cải thiện hệ thống tưới của mình. Ông giải thích, hệ thống tưới tiết kiệm cũ chạy một đường ống ở giữa rãnh hai hàng cây, sau đó nối một ống con 6 li vào từng gốc cây một. Việc này gặp chút phiền toái khi ống 6 li này thường xuyên bị kẹt nước do đất, bùn bám vào, khiến cây nào bị kẹt y như rằng không được tưới tiêu đầy đủ, ông lại mất công đi thông.
Vườn sầu riêng tiên phong tưới tiết kiệm
Thay vào đó, mỗi một hàng tiêu, ông chạy một đường ống vào sát gốc tiêu, chôn sâu xuống đất, sau đó đâm một lỗ nhỏ, cho một ống nước nhỏ dài chừng 5 - 7cm ngoi lên trên. Nhờ đó, lực nước được đưa thẳng vào từng gốc, phun mạnh lên trên lá và tỏa đều xuống gốc, giảm hẳn thời gian thông ống.
Năng suất, chất lượng tăng rõ rệt
Tiết kiệm tiền công lao động, giảm thời gian, sức lực khi tưới bằng hệ thống tưới tiết kiệm là điều ai cũng biết. Nhưng về lâu dài, những mô hình áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm còn cho thấy hiệu quả rõ rệt về năng suất, chất lượng cây trồng, cao hơn hết là sự bền vững.
Tiêu biểu nhất ở huyện Tân Thành là HTX Bưởi da xanh Sông Xoài, với việc phổ biến lên toàn HTX hệ thống tưới tiết kiệm cho bưởi da xanh, toàn bộ gần 100ha bưởi của HTX đã được lắp đặt hệ thống này. Người này mách người kia, dần dần, toàn bộ vùng bưởi đã đưa hệ thống tưới tiết kiệm là một trong những điều kiện tiên quyết cho bất kì hộ dân, cá nhân nào có ý định trồng bưởi.
Ông Hồ Văn Kiệt, Giám đốc HTX Bưởi da xanh Sông Xoài nhấn mạnh: “Hệ thống tưới tiết kiệm không chỉ giúp vườn bưởi chủ động được lượng nước, nó giúp người nông dân hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV, do cây trồng ít bị tấn công bởi các loại sâu bệnh, nấm hơn”.
Theo ông Kiệt, lượng nước đầy đủ, không thiếu, không dư sẽ giúp đất đạt đủ độ ẩm, với cách tưới nhỏ giọt, cây trồng cũng hấp thụ hết toàn bộ. Nhờ đó, độ ẩm của cây được đảm bảo tối đa. Không phải sử dụng thuốc BVTV, chất lượng của mỗi trái bưởi được đảm bảo, an toàn hơn, người tiêu dùng cũng cảm thấy an tâm.
Nhiều năm liền, vườn bưởi của ông Kiệt đã nuôi sống gia đình, từ một hộ khó khăn khi mới lập nghiệp, tới nay, ông đã có xe con, nhà cửa khang trang. Các xã viên qua mỗi vụ thu hoạch bưởi cũng được mùa, được giá, chất lượng bưởi được người tiêu dùng khen nức nở nên ai nấy cũng phấn khởi.
“Nói không phải khoe, nhiều chủ vựa bưởi lớn ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi lấy bưởi da xanh Sông Xoài về bán, khách hàng ăn xong chỉ đặt mua đúng loại bưởi của Sông Xoài, các loại khác họ chê hẳn”, ông Kiệt phấn khởi cho biết. Đến nay, với mỗi ha bưởi, ông thu về trên 20 tấn, với giá thị trường là 55.000 đồng/kg, mỗi năm ông cũng thu về cả tỷ đồng.
Nhờ áp dụng mô hình tưới tiết kiệm, vườn tiêu của Giám đốc HTX Hồ tiêu Xuân Thọ Trần Hữu Thắng đạt tới 8 tấn/ha. Cây phát triển đều đặn, đất luôn đảm bảo độ pH ổn định, giảm được tối đa lượng thuốc BVTV... Có những cây trên 20 năm tuổi mà vẫn khỏe khoắn.
Theo Ngô Trường/Nông Nghiệp