Ung thư dạ dày là căn bệnh có tiên lượng điều trị không tốt, chỉ khoảng 15% bệnh nhân sống sau 5 năm. Các nhà khoa học ước tính rằng một trong bảy trường hợp ung thư dạ dày có thể tránh được thông qua giảm lượng muối.
Mọi người thường biết ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ cao huyết áp, đột quỵ và bệnh tim, nhưng ít khi chú ý rằng ăn nhiều muối cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong vì ung thư lớn nhất bởi ung thư dạ dày tiên lượng điều trị không cao, chỉ khoảng 15% bệnh nhân sống sót sau 5 năm.
Theo thống kê của tổ chức ung thư toàn cầu, ở Việt Nam mỗi năm có 16.000 trường hợp mắc mới và hơn 11.000 trường hợp tử vong do ung thư dạ dày. Đây là căn bệnh ung thư thường gặp xếp thứ 2 ở nam giới (sau ung thư phổi) và xếp thứ 5 ở nữ giới.
Các nhà nghiên cứu cho biết, ăn mặn liên quan đến viêm dạ dày tạo điều kiện cho vi khuẩn Helicobacter pylori phát triển. Vi khuẩn này là căn nguyên của 80% trường hợp ung thư dạ dày. Ngoài ung thư dạ dày, ăn mặn còn được cho là tác nhân gây ra 62% các ca tai biến mạch máu não và 49% các ca nhổi máu cơ tim. Ngoài ra, nó còn là nguyên nhân gây loãng xương, bệnh thận,…
Người Việt ăn mặn gấp 2-3 lần khuyến cáo. Kết quả nghiên cứu về lượng muối có trong khẩu phần ăn của nhóm người trưởng thành ở độ tuổi 25-64 của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy lượng muối tiêu thụ trung bình tại Việt Nam dao động từ 12-15 g/người/ngày. Lượng muối chủ yếu từ thức ăn trong quá trình chế biến, nấu nướng và nước chấm, gia vị trong bữa ăn. Cả trong các thực phẩm chế biến sẵn mà ngày nay đang rất phổ biến cũng chứa rất nhiều muối.
Vì vậy, hãy hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, cũng như dần thay đổi thói quen ăn mặn bằng cách giảm muối trong nấu ăn và hạn chế sử dụng nước chấm.
Theo ĐKN