Vì sao luôn có một người phụ nữ trùm kín mặt xuất hiện trong những bức chân dung trẻ em này?
Trẻ em thường rất ăn ảnh, tuy nhiên cũng gây không ít khó khăn cho những người thợ chụp ảnh. Bởi ánh đèn flash làm chúng giật mình, chớp mắt, vặn vẹo rồi khóc òa lên. Bạn mất thời gian sắp xếp tư thế và phối cảnh xung quanh, nhưng rồi một giây sau, chúng đã phá hoại tất cả. Nếu chụp quá lâu, chúng sẽ khóc ré, ngủ gật và phun nước bọt phèo phèo.
Dù ở bất kì thời đại nào thì chụp ảnh cho trẻ con cũng là một “nhiệm vụ bất khả thi”, đặc biệt kinh khủng hơn vào thời xưa – khi các loại máy móc và kĩ thuật nhiếp ảnh còn thô sơ. Nếu ngày nay, chỉ với một chiếc smartphone, chúng ta có thể dễ dàng bắt khoảnh khắc đẹp của một đứa trẻ hiếu động thì ngày xưa, cụ thể là vào thời Victoria (1837 – 1901), mọi thứ trở nên đặc biệt khó khăn và phức tạp.
Ảnh Internet
Ảnh Internet
Những bức ảnh chụp trẻ sơ sinh kì quái của thời đại Victoria. (Ảnh: Internet)
Các bậc cha mẹ vào thế kỉ 19 cho những em bé sơ sinh mặc bộ quần áo ren cầu kì và rồi đưa bé cùng các anh chị đến studio gần nhà vào buổi sáng sớm. Sau đó, họ sẽ cùng nhiếp ảnh gia sắp xếp những đứa trẻ trước ống kính, bất động suốt 30 giây hoặc lâu hơn cho một tấm ảnh, trả một số tiền không nhỏ và đợi vài ngày để có được ảnh đẹp.
Vấn đề duy nhất của kĩ thuật nhiếp ảnh thời xưa là độ dài thời gian ghi ảnh. Mặc cho bên trong studio có sáng đến cỡ nào thì cũng phải mất ít nhất nửa phút để hình ảnh được ghi trên “bảng ướt” (wet collodion – phương pháp làm ảnh tân tiến nhất thời ấy). Với người lớn, việc ngồi bất động suốt 30 giây hoặc hơn đã là một thử thách và tất nhiên với những đứa trẻ thì điều này gần như không thể. Vì thế, các nhiếp ảnh gia mới nảy ra một sáng kiến: cho người mẹ của đứa trẻ ngồi trên ghế để giữ chúng. Và cũng từ đó những bức ảnh được gọi là “Người mẹ giấu mặt” ra đời.
Ảnh Internet
Ảnh Internet
Những đứa trẻ hiếu động khó mà bất động suốt hơn 30 giây. (Ảnh: Internet)
Bên cạnh đó cũng có khá nhiều studio chọn cách giấu luôn người mẹ trong khung ảnh, nghĩa là người mẹ sẽ núp sau ghế tựa, ghế bành hay phông màn của studio và giữ đứa trẻ ngồi yên. Họ muốn một bức ảnh của riêng đứa trẻ mà thôi, và đó được coi là cách khả dĩ nhất. Đôi lúc, người mẹ sẽ đứng một bên ghế, giữ con và nhiếp ảnh gia sẽ cắt người mẹ ra khỏi bức ảnh. Kì quái hơn, có khi họ chỉ để lộ cánh tay đằng sau một bức màn tối nhằm giữ chặt đứa trẻ. Cho đến thế kỉ 21, những hình ảnh này trở nên đặc biệt kinh dị khi chủ thể là một đứa trẻ không hề cười, được một người phụ nữ “bí ẩn” trùm khăn ôm chặt, đôi khi chỉ là hai cánh tay thò ra.
Núp sau một vật cản cũng là cách chụp ảnh được ưa chuộng. (Ảnh: Internet)
Trong quyển sách sưu tầm ảnh chân dung trẻ em thời Victoria của tác giả Linda Fregni Nagler là những bức ảnh tuy ghê sợ nhưng ẩn chứa sự thật đáng buồn đằng sau. Một số bức người mẹ chỉ dùng vải che phần đầu, một số khác bị xóa hẳn mặt, để lại một khoảng đen đáng sợ. Nhưng cũng có một số ảnh, chụp những em bé đã chết bởi đôi mắt trũng sâu, vô hồn. Được biết, cho đến những năm 1880, thị trường nhiếp ảnh mới ra đời và bắt đầu sôi động. Lúc ấy, mỗi người gần như chỉ sở hữu một bức ảnh duy nhất trong đời. Cũng có nhiều em bé đã chết khi còn rất nhỏ, nên kỉ vật duy nhất mà cha mẹ chúng có chỉ là bức ảnh chụp theo phong cách kì lạ này, với đứa trẻ có đôi mắt nhắm nghiền như đang ngủ vậy.
Ảnh Internet
Ảnh Internet
Một số hình ảnh ấn tượng trong sách ảnh của tác giả Linda Fregni Nagler. (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, một sự thật khá rùng rợn về quá trình chụp ảnh cũng là điều đáng nói về nghệ thuật nhiếp ảnh thời Victoria này. Khi chưa có những tấm gelatin khô, đa số các nhiếp ảnh gia sử dụng kĩ thuật “bảng ướt” (wet collodion) như đã nói ở trên. Theo đó, kĩ thuật này có thời gian ghi ảnh ngắn hơn so với kĩ thuật colotype hay daguerrotype từ vài giây cho đến tận vài phút. Tuy nhiên, bảng ướt đòi hỏi những tấm phim phải được phơi và xử lí trong vòng 15 phút. Mặc dù các hình ảnh cuối cùng có thể khá rõ nhưng kĩ thuật này đã mang lại màu sắc khá ma quái cho chúng. Chẳng hạn như màu da người da trắng sẽ chuyển sang màu be nhạt, mảng tối quanh cơ thể người mẹ tạo cảm giác như hai mẹ con đang lơ lửng ở… địa ngục.
Những bức ảnh thế này luôn tạo cảm giác ma mị. (Ảnh: Internet)
Mặc dù dễ gây cảm giác đáng sợ nhưng những bức ảnh này vẫn rất đáng trân trọng bởi chúng đã ghi lại một giai đoạn quan trọng của công nghiệp nhiếp ảnh, phản ánh một phần trong lịch sử, văn hóa và đời sống của con người trong quá khứ.
Theo Phununews