Vào khoảng tháng 4/2016, bức ảnh về xác ướp 1.500 tuổi được phát hiện trên dãy núi Altai (Mông Cổ) đã gây bão cộng động mạng khi đôi giày mà xác ướp mang có thiết kế giống hệt giày thể thao adidas.
Và sau 1 năm nghiên cứu, nguyên nhân cái chết của xác ướp này đã được hé lộ.
Theo các chuyên gia thuộc Trung tâm Di sản Văn hoá Mông Cổ, xác ướp này là 1 người phụ nữ vì trong mộ không có cung nỏ, và bà không thuộc tầng lớp thượng lưu.
Khảo sát sâu thêm, người phụ nữ Mông Cổ khoảng 30 - 40 tuổi này tử vong do bị 1 cú đánh "trời giáng" vào phần mặt và cổ.
Galbadrakh Enkhbat, giám đốc của Trung tâm chia sẻ: "Các cuộc khám nghiệm ban đầu cho thấy, người phụ nữ này bị chết bởi một cú đấm vào xương mặt".
Hiện, giới chuyên gia vẫn đang tìm kiếm thêm dấu vết để xác minh chính xác thời điểm bà được chôn cất. Theo ước tính, niên đại của xác ướp này vào khoảng thế kỷ thứ 10 sau công nguyên.
Vị giám đốc Enkhbat cũng đề cập đến chi tiết đôi giày - chi tiết khiến mọi người thú vị xen lẫn bàng hoàng khi chúng có thiết kế giống giày thể thao của hãng adidas.
Tờ Siberian Times dẫn lời 1 chuyên gia thời trang địa phương, đôi giày có những sọc đỏ, đen trông ấn tượng và phong cách. Và nó thực sự phù hợp để sử dụng trong bầu không khí lạnh.
Các nhà khảo cổ học cho biết, do được tìm thấy ở độ cao 2.800m nên xác ướp có niên đại hơn nghìn năm tuổi này được bảo quản khá tốt.
Độ cao, nhiệt độ thấp đã giúp ngôi mộ sâu 3m dưới lòng đất này có môi trường lý tưởng để bảo vệ xác ướp. Bên phía ngoài thi thể được phủ 1 lớp Shilajit - 1 loại chất dẻo, dính có màu từ trắng đến nâu đậm.
Có lẽ vì thế mà đây được cho là xác ướp nguyên vẹn đầu tiên của người Turk được mai táng ở khu vực Trung Á.
Giới khảo cổ cũng phát hiện ra thêm 1 số vật dụng như túi xách, lược, gương, yên ngựa, dây cương, bình đất sét, bát gỗ, ấm sắt, xương ngựa chôn cùng xác ướp. Ngoài ra, họ cũng tìm thấy 4 chiếc áo khoác làm từ sợi cotton ở cùng xác ướp.
Điểm thú vị là quần áo không chỉ dệt bằng len lông cừu, mà còn được làm từ lông lạc đà. Điều này cho thấy người thời đó đều là những thợ thủ công lành nghề.
Với những phát hiện này, giới khảo cổ sẽ có thêm thông tin giúp họ hiểu sâu hơn về người Turk bản địa sinh sống ở Mông Cổ xưa.
Nguồn: Dailymail