Sau khi ăn cháo cóc, chị Bùi Thị Thu Hiền (Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng hai con gái có triệu chứng ngộ độc, vào viện cấp cứu song không qua khỏi.
Người chồng của nạn nhân là anh Trần Chơn Trung cho biết tối 7.11 sau khi nhận điện thoại báo tin của vợ, anh về nhà thấy 3 mẹ con ói mửa liên tục. Vợ anh cho biết đã nấu cháo 4 con cóc cho 3 mẹ con cùng ăn, sau đó bắt đầu có triệu chứng ói mửa ra chất màu đen. Anh Trung đưa vợ con vào viện, các bác sĩ tích cực cấp cứu, súc ruột, truyền dịch cho 3 mẹ con song không thể cứu được.
"Con tôi sinh thiếu tháng nên vợ thường mua cóc về nấu cho cháu ăn, không hiểu vì sao lần này xảy ra cớ sự", anh Trung cho biết. Hai con gái của anh Trung một cháu 7 tuổi một bé một tuổi.
Theo bác sĩ Tiêu Văn Linh, Chi Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xác định ban đầu 3 mẹ con tử vong do độc tố từ cóc gây ra. "Ăn thịt cóc hết sức nguy hiểm, mặc dù khi chế biến bỏ trứng và mật cóc song không thể tránh khỏi sót lại độc chất ở trứng cóc", ông Linh cho biết.
Theo các bác sĩ, cóc là loại sinh vật rất quen thuộc trong nhân dân. Trong cơ cóc hay còn gọi là thịt cóc không có chất độc. Chất độc ở cóc chỉ có ở nhựa cóc và nội tạng (gan, trứng). Nhựa cóc còn gọi là thiềm tô (secretio bufonis) là nhựa tiết ở tuyến sau mang tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da của cóc. Chất độc trong tuyến mang tai có lượng độc tố rất cao. Trong gan và buồng trứng cóc cũng có lượng độc tố rất cao.
Thịt cóc không có độc tố và có giá trị dinh dưỡng rất cao. Do đó, Đông Y dùng cóc trong chữa một số bệnh hiểm nghèo. Nhựa cóc là 1 trong 6 vị của đơn thuốc “Lục thần hoàn”. Trong nhân dân dùng nhựa cóc chữa giảm đau, tán thuỷ, dùng chữa phát bối, đinh độc, yết hầu sưng đau, đau răng. Thịt cóc khô dùng với liều 2 – 3g tán bột uống hoặc làm thành thuốc viên, chữa gầy còm, chậm lớn, kém ăn, suy dinh dưỡng…
Tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng chết người mà nguyên nhân dẫn đến ngộ độc cóc do thiếu hiểu biết về tác hại của cóc nên ăn cả gan và trứng cóc. Không biết cách chế biến để loại bỏ hết da, nội tạng cóc, làm cho độc tố dính hoặc lẫn vào cơ cóc nên ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố gây ngộ độc. Triệu chứng ngộ độc: Nung bệnh từ 1-2 giờ sau khi ăn cóc thì xuất hiện, bao gồm hội chứng tiêu hoá: Buồn nôn, nôn, mửa, đau và chướng bụng. Hội chứng tim mạch: Lúc đầu bệnh nhân cảm thấy hồi hộp, huyết áp cao, nhịp tim nhanh, sau đó rối loạn nhịp: Ngoại tâm thu, cơn nhịp nhanh thất, rung thất đôi khi có bloc nhĩ thất, nhịp nút, dẫn đến truỵ mạch. Với người bị nặng, sự dẫn truyền ở tâm thất bị ngưng trệ, rung tâm thất, huyết áp tụt, chân tay lạnh. Hội chứng rối loạn thần kinh-tâm thần: Chất Bufotenin trong nhựa cóc có thể gây ảo giác, ảo tưởng, rối loạn nhân cách, chảy rãi, thèm ngủ, mồm miệng và tứ chi tê dại, đổ mồ hôi. Năng hơn nữa có thể gây ức chế trung khu hô hấp dẫn tới ngừng thở và tử vong.
Ngoài ra, còn gây tổn thương thận, vô niệu, viêm ống thận và gây tróc da, viêm da.
Cách xử trí ngộ độc cóc: Phát hiện sớm thì gây nôn và chuyển nhanh đến bệnh viện. Còn tại cơ sở y tế chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Theo danviet.vn