(Congtin.net) - Trong khi các em học sinh trên cả nước đang tham dự kì thi thì có một cô gái phải bỏ dở giữa chừng vì trầm cảm.
Tại Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, ông Trường Hồng Mạnh (Diễn Châu, Nghệ An) dáng vẻ lo lắng đang chăm cô con gái chưa kịp thi đã phải nhập viện. Ông chia sẻ: "Con gái tôi học khối C và dự định ứng thi vào Đại học sư phạm Hà Nội. Trước khi kì thi diễn ra, hầu như ngày nào cháu cũng chỉ ngủ 2-3 tiếng. Ban đầu, nghĩ con thức khuya để học bài nhưng sau này gia đình mới biết, cháu bị mất ngủ".
Vì trầm cảm, cô gái đã phải bỏ dỡ kì thi. (Ảnh minh họa)
Một lần vô tình nghe con gái nói chuyện với bạn về cách mua thuốc ngủ, ông Mạnh lo sợ Lam làm điều dại dột nên ngay lập tức đưa cô gái đến bệnh viện khám. Tại đây, các bác sĩ kết luận Lam mắc chứng trầm cảm và cần phải nhập viện để điều trị nội trú. "Nếu không điều trị bệnh sẽ càng nặng và khó chữa. Với tình trạng này, con không thể đi thi", ông Mạnh đau xót kể.
Hiện tại, Lam gầy rạc, mắt thâm quầng, nhiều người không khỏi xót thương. Giờ đây cô gái không chịu ăn và nhốt mình trong phòng bệnh, suốt ngày ôm sách ngồi gật gù, có lúc hét toáng lên như phát hiện điều gì đó, khi thì cáu giận, nhưng có lúc lại ngồi rũ rượi, sợ sệt. Không ít lần, Lam nói chán sống, mệt mỏi.
Đại tá, PGS.TS Bùi Quang Huy, Trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 (Hà Nội) cho biết, trước đây, người ta cho rằng trầm cảm ở người vị thành niên là rất hiểm gặp nhưng trong khoảng 20 năm trở lại đây, tỉ lệ trầm cảm ở độ tuổi học sinh đang tăng lên nhanh chóng và có nguy cơ đáng lo ngại.
Nếu áp lực quá lớn, nhiều học sinh không thể chịu nổi dẫn đến trầm cảm và nhiều hành vi nguy hiểm khác. (Ảnh minh họa)
Áp lực thi cử luôn là câu chuyện muôn thuở mỗi học sinh khi kì thi đến gần. Sự kì vọng từ phía gia đình, bạn bè quá lớn khiến nhiều em học sinh rơi vào trạng thái rối loạn dẫn đến tuyệt vọng, không kiểm soát được hành vi của mình khiến không ít hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.
Theo thống kê từ Bệnh viện Tâm thần T.W, trong tổng số gần 5.000 người có biểu hiện "bất bình thường" đến khám, tư vấn, thì 30% là HS,SV. Theo điều tra của Bệnh viện Nhi T.W tại một số trường học thì cũng có tới 20% HS lo lắng, có biểu hiện của bệnh rối loạn tâm trí hay còn gọi là bệnh trầm cảm.
Trầm cảm là dạng rối loạn tâm thần hay gặp, với triệu chứng rất đa dạng và phong phú như mất ngủ, mệt mỏi, uể oải. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng giảm sút khả năng học tập ở học sinh. Cảm giác buồn rầu, hoặc bực bội, khó chịu làm các em luôn rầu rĩ, cáu gắt vì những lí do không đâu. Đôi lúc các em cho mình là vô dụng, vì vậy muốn buông xuôi mọi việc, thậm chí xuất hiện ý nghĩ tiêu cực như tự tử hoặc gây gổ đánh nhau với người khác. Từ đó dẫn đến những rối loạn cơ thể như đau đầu, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, đau cơ, ra nhiều mồ hôi, kém ăn, gầy yếu...
Đa số đến bệnh viện khám khi đã ở giai đoạn muộn, bệnh đã trở thành mạn tính nên việc điều trị khó khăn và kéo dài hơn. Vì thế, cha mẹ không được coi thường những triệu chứng này. Trầm cảm ở trẻ có thể xuất hiện không vì nguyên nhân trực tiếp mà do những dồn nén từ tuổi ấu thơ bùng phát vô ý thức thành bệnh, có thể do những đau đớn, khó chịu do sự phát triển quá nhanh của cơ thể ở giai đoạn dậy thì.
Điều cần thiết để chống lại cảm giác trầm cảm là bản thân người mắc cần có ý chí, biết quan tâm đến chính mình và vận động thân thể. Thầy thuốc sẽ cho thuốc chống trầm cảm, kết hợp với tâm lí liệu pháp và tư vấn. Trầm cảm là một trong những bệnh điều trị có hiệu quả nhất. Khi đã được chẩn đoán và điều trị đúng đắn, hơn 80% người trầm cảm đã hồi phục và trở lại cuộc sống bình thường, nhưng nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến kết quả tồi tệ, thậm chí là tử vong.