(Congtin.net) - Ngoài các sĩ tử thì các bậc làm cha làm mẹ chính là những người bất an, như “ngồi trên chảo lửa” nhất trong kỳ thi THPT Quốc gia lần 2 này. Có lẽ họ còn mang tâm lý nặng nề hơn cả các con của mình.
Ông bố đáng yêu nhất năm: Cố gọi con để đưa máy tính ở buổi thi… ngoại ngữ
Tại điểm thi Học viện Báo chí và tuyên truyền (Hà Nội) chiều 1/7, đã xảy ra một tình huống nhầm lẫn rất đáng yêu của ông bố đưa con đi thi.
Vào buổi chiều, các thí sinh dự thi môn Tiếng Anh với thời gian làm bài là 90 phút, bắt đầu tính thời gian là 14h30. Tuy nhiên, do nhầm lẫn nên trước giờ vào thi, một ông bố bỗng hớt hơ hớt hải gọi to tên con giữa sân trường dù con đã vào phòng thi vì để đưa cho con… máy tính.
Có lẽ vì quá lo lắng cho con nên ông bố này đã nhớ nhầm lịch thi, nghĩ con sắp thi một môn cần sự tính toán nên sợ con để quên máy tính sẽ ảnh hưởng đến quá trình làm bài.
Nét mặt hoang mang, lo sợ của ông bố khi nghĩ đến việc con hoàn thành bài thi không tốt. Nhìn những bức ảnh này, chắc hẳn bậc cha mẹ nào có con đã và đang trải qua một kỳ thi quan trọng đều thấu hiểu cảm giác đó.
Người cha đưa con gái khuyết tật đi thi
Câu chuyện về cô học trò Khả Ái cùng người cha là anh Trần Khương suốt 18 năm qua để giúp con gái cất tiếng nói được bình thường cho dù cô bị câm điếc bẩm sinh đã khiến nhiều người không khỏi xúc động.
Chiều 2/7, sau cơn mưa nặng hạt giữa mùa hè ở Sài Gòn, anh Khương đứng trước cổng trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận 3) ngóng con gái thi xong môn Vật lý kỳ thi THPT Quốc gia.
Quyết định rời quê hương Quảng Ngãi vào TP.HCM lập nghiệp năm 1996, đến năm 1997, vợ chồng anh Khương vui mừng đón đứa con gái đầu lòng.
Nhưng khi con được 2 tuổi, anh phát hiện con mình không nghe được gì. “Tôi và vợ đèo con lên bệnh viện Tai Mũi Họng đo điện não và thính lực đồ. Kết quả: Điếc bẩm sinh”, anh chia sẻ. Vợ chồng anh đã đứng ôm nhau khóc. Tiếng gọi “ba mẹ” đầu đời, có thể anh chị mãi không được nghe từ miệng con mình.
Khả Ái rất thích vẽ, em ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang trong tương lai, sau đó sẽ mở cửa hiệu riêng giống như mẹ, và em sẽ nhận những đứa trẻ câm điếc vào làm.
“Cả tháng rồi, Khả Ái rất chăm chỉ dậy sớm ôn bài. Cách dậy sớm của bé là cầm chặt điện thoại cài báo thức, để chế độ rung”, anh Khương xúc động kể. Người cha tự hào nói về ước mơ của con gái. “Khả Ái rất thích thiết kế thời trang. Bé vẽ và viết chữ đẹp lắm”.
Bố bán cau cho con đi thi
Ông Lê Văn Tú (50 tuổi, TP.Hội An, Quảng Nam) đưa con gái đến điểm thi trường Cao Đẳng Điện lực miền Trung từ sớm. Ông Tú với khuôn mặt cháy đen vì nắng nhưng vẫn nở nụ cười tươi, bàn tay thô ráp nắm chặt đôi bàn tay nhỏ bé của người con, ân cần dặn dò con gái.
Chờ đến khi đứa con gái khuất sau cánh cổng trường thi, ông mới trở lại chiếc xe máy cũ kỹ chở một chiếc bao đựng đầy những quả cau. Ông cho biết, vừa chở con gái đi thi, vừa tranh thủ mang cau đi bán, kiếm tiền trang trải qua ngày, nhất là có thêm chút tiền bồi bổ sức khỏe cho con gái trong những ngày thi vất vả.
“Vợ chồng tôi đều làm nông để sống. Thu nhập cũng không được là bao, chỉ dựa vào vụ hoa màu. Đợt nay kinh tế gia đình kẹt quá, sẵn mấy cây cau đang cho quả nhiều, vợ chồng tôi bàn bán thêm ít cau tươi có thêm chút tiền trang trải trong những ngày cháu đi thi.
“Tôi đã dặn cháu rồi, thi xong lúc nào thì ra cổng trường mượn điện thoại ai đó gọi bố, rồi bố tới đón về. Dặn con gái vậy nhưng bán được hay không, tôi cũng tranh thủ bán sớm rồi trở lại đón con. Nhỡ con thấy các bạn được bố mẹ đưa đón chu đáo, mà thấy mình thì lạc long, chạnh lòng buồn thì tội nó…!” – Ông Tú nói.
Bố cõng con đi thi
Đang hoàn tất hồ sơ cuối cùng để chuẩn bị xuống thành phố Vinh (Nghệ An) tham gia dự kỳ thi THPT Quốc gia 2016 thì không may Oanh bị tai nạn gãy chân. Quyết không để chuyện cái chân đau ảnh hưởng đến 12 năm đèn sách cũng như ước mơ vào Học viện Tài chính của con, ông Lê Văn (Thanh Chương) cùng con gái xin phép bác sĩ cho lên thành phố Vinh để dự thi tại điểm thi Đại học Vinh.
Theo người nhà của thí sinh Oanh cho biết, lúc bị tai nạn tâm lí của Oanh rất hoảng sợ và lo lắng vì sắp đến ngày thi rồi. Ông Văn chia sẻ: “Hôm 28/6 cháu chạy xe máy đi hoàn tiện giấy tờ, thủ tục thi thì bị ngã xe. Bác sĩ cho biết cháu bị gãy chân trái và trước mắt không thể đi lại được. Nó là con đầu, học lực khá và nhiều lần nói với tôi về ước mơ vào Học viện Tài chính nên tôi quyết không để con phải lỡ kỳ thi này”.
Hình ảnh bố cõng con đi vào cổng trường làm mọi người sửng sốt. Ngay lập tức rất nhiều bạn tình nguyện viên chạy đến giúp đỡ, hỗ trợ em đến phòng thi. Sự giúp đỡ kịp thời của tình nguyện viên và những câu động viên của mọi người để Oanh tự tin hơn khi thực hiện bài thi của mình.
Cha nghèo bán lúa, vượt gần 90km đưa con trai mù đi thi ngành kỹ sư công nghệ thông tin
Bị mất thị lực từ lúc mới sinh, nhưng bằng nghị lực vượt khó phi thường, 13 năm nay, Hiền xa gia đình vào Đà Nẵng theo đuổi con chữ và giờ đây em đang quyết tâm chinh phục ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin.
Năm nay, tại điểm thi trường cao đẳng Phương Đông, cụm thi do ĐH Đà Nẵng chủ trì có một thí sinh rất đặc biệt. Đó là Mai Văn Hiền (SN 1994), học nội trú tại Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, đồng thời là học sinh hòa nhập của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền.
Do bị khuyết tật đặc biệt nặng nên Hiền được Sở giáo dục và đào tạo xét đặc cách tốt nghiệp. Tuy nhiên, Hiền vẫn đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia 3 môn Toán, Lý, Hóa để lấy điểm xét tuyển vào Đại học.
Đối với các môn thi trắc nghiệm, một trong hai giám thị coi thi sẽ đọc đề cho Hiền và giúp đánh dấu đáp án theo những câu trả lời của Hiền. Còn với các môn thi tự luận, giám thị cũng sẽ là người đọc đề giúp Hiền, chuyển ngữ sang chữ nổi. Đặc biệt, toàn bộ quá trình diễn ra buổi thi sẽ được ghi âm lại để đối chiếu theo đúng quy chế thi.
Được biết, mặc dù bị khuyết tật nhưng Hiền thông minh và học rất giỏi, nhất là các môn tự nhiên. Năm học vừa qua, Hiền đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất săc của trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Người cha cụt tay vẫn vượt đường xá xa xôi đưa con đi thi
Đó là ông Võ Thanh Ba (51 tuổi, trú thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, Bình Định).
Do bàn tay phải bị hỏng nên ông Ba không thể chạy xe máy chở người con trai Võ Trung Nghĩa đến địa điểm thi Đại học Quy Nhơn (TP.Quy Nhơn). Thay vào đó, ông chỉ lặng lẽ ngồi phía sau xe, dõi theo con.
Ông Ba cho biết: “Tay tôi bị thương từ trước năm 1975 sau vụ tai nạn phồng dầu. Dù không thể lái xe nhưng tôi muốn đi cùng con để động viên”.
Được biết, từ nhà ông đến điểm di dài gần 20km, suốt chặng đường đi, vài ba mẫu chuyện vui cứ được ông kể để con trai với bớt lo lắng. Ông mong muốn đứa con trai của mình sẽ có tâm lý thoải mái, tự tin bước vào kỳ thi.
“Lần này đưa con đi thi tôi rất lo lắng, hồi hộp nhưng cố giấu cảm xúc đó để con trai yên tâm. Tôi có 2 đứa con, con gái đầu ngày trước đi thi cũng có chú đưa đi. Đến thằng Nghĩa để nó đi thi một mình tôi không an tâm” – ông Ba nói.
Khi con trai bước vào phòng thi, ông Ba vẫn chưa hết nỗi lo. Những giọt mồ hôi rơi trên khuôn mặt rám nắng và ướt đẫm cả chiếc áo sờn cũ của người đàn ông thôn quê này.