Search
Thứ 6, 01/07/2016, 08:26 AM

GS Đặng Hùng Võ: Điểm 10 cho Chính phủ, Bộ TN&MT trong vụ Formosa

GS Đặng Hùng Võ: Điểm 10 cho Chính phủ, Bộ TN&MT trong vụ Formosa

(Congtin.net) - Chấm điểm cho Chính phủ và Bộ TN&MT trong việc tìm ra thủ phạm Formosa gây ra vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, GS Đặng Hùng Võ nói: "Chắc chắn là 10".

 

GS Đặng Hùng Võ: Điểm 10 cho Chính phủ, Bộ TN&MT trong vụ Formosa

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT (Ảnh: vietnamplus)

 

Ngay sau buổi họp báo Chính phủ chiều nay, 30/6 về nguyên nhân và thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT về những vấn đề liên quan.

Chính phủ đã hoàn thành một trách nhiệm rất lớn trước dân

PV: Ông có bất ngờ không trước thông tin Chính phủ công bố Formosa Hà Tĩnh chính là thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh văn biển miền Trung trong thời gian qua?

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi không bất ngờ.

PV: Mức bồi thường 500 triệu USD mà Formosa đưa ra cho vụ việc vừa rồi có phải là mức bồi thường lớn nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm này?

Ông Đặng Hùng Võ: Với môi trường thì đây không phải là vụ lớn nhất nhưng với Việt Nam thì đó là mức bồi thường lớn nhất. Trên thế giới, nhiều vụ ô nhiễm môi trường lớn hơn nhiều.

Thứ hai, đây là tiền người ta cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế của người dân do sự cố môi trường gây ra.

PV: Thưa ông, ông nhận xét như thế nào về việc Formosa nhận trách nhiệm trễ như vậy?

Ông Đặng Hùng Võ: Chả cứ Formosa, nhiều nhà đầu tư cứ cố gắng chối được đến lúc nào hay lúc đó. Nó thể hiện phông văn hoá không cao, trách nhiệm không lớn.

PV: Ông đánh giá như thế nào về thái độ của Chính phủ cũng như Bộ TN&MT trong vụ việc này?

Ông Đặng Hùng Võ: Chính phủ đã có những bước đi khá tốt. Đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có những quyết định hiệu quả để dẫn đến ngày hôm nay Formosa phải thừa nhận mình là người gây ra sự cố môi trường và nhận trách nhiệm giải quyết hậu quả.

PV: Liên quan đến việc tìm ra thủ phạm của sự cố môi trường này, trên đã không ít ý kiến cho rằng thời gian tìm ra thủ phạm là quá dài. Ông đánh giá như thế nào về những ý kiến này? Liệu khoảng thời gian 84 ngày như Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã là dài so với một vụ án môi trường như thế này, thưa ông?

Ông Đặng Hùng Võ: Tất nhiên là nhiều trường hợp nếu làm không khéo chúng ta còn không chỉ ra được ai là thủ phạm, ai gây ra sự cố môi trường và gây ra như thế nào.

Vì thế hiện nay, chúng ta làm được việc khiến Formosa phải thừa nhận, tâm phục khẩu phục, mình là người gây ra và chấp nhận chịu trách nhiệm thì phải nói rằng chúng ta đã làm được việc quá tốt.

Để xảy ra rồi mới đi tìm nguyên nhân, mà chúng ta tìm ra luận cứ khoa học thì cũng không phải là đơn giản. Người dân thì cứ bày tỏ sự nóng ruột và tạo sức ép cho Chính phủ. Nhưng không phải trường hợp nào cũng tìm ra được thủ phạm.

Tôi cho là Chính phủ đã hoàn thành một trách nhiệm rất lớn trước dân. Và người dân cũng cần phải có niềm tin hơn nữa vào Chính phủ.

"Tôi nhiều khi còn không nghĩ rằng chúng ta tìm ra được thủ phạm"

PV: Liên quan đến Formosa thì nhiều báo đã thống kê những vụ việc về môi trường mà công ty này phải đền bù với số tiền hàng triệu USD. Qua việc này, chúng ta cần phải có cách nhìn như thế nào đối với công tác thu hút đầu tư trước những doanh nghiệp có khả năng gây ra ô nhiễm môi trường, tránh để xảy ra một Formosa thứ hai?

Ông Đặng Hùng Võ: Tất nhiên, thu hút đầu tư là một việc nhưng không được đánh đổi. Chúng ta vẫn cứ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, chúng ta vẫn cứ tạo điều kiện thuận lợi để họ có lợi nhuận, nhà nước có lơi, người dân có lợi.

Đó là việc các nước khác vẫn làm, các nước châu Âu vẫn làm và họ vẫn bảo vệ môi trường rất tốt. Chúng ta đừng vướng vào một tư duy là cứ phát triển thì phải huỷ hoại môi trường. Điều đó là không đúng.

Mà chúng ta thấy là vẫn phát triển được và vẫn bảo vệ được môi trường trong lành. Đó là việc chúng ta phải làm.

Tất nhiên, ở châu Âu thì có thể có nhiều nhà đầu tư tử tế, họ làm vừa tốt việc đầu tư kinh tế nhưng họ cũng làm việc bảo vệ môi trường rất tốt. Vì thế, chúng ta phải rà soát và định hình lại để vẫn đảm bảo môi trường đầu tư tốt mà vẫn bảo vệ được môi trường.

PV: Ông có nghĩ rằng cơ chế giám sát việc bảo vệ môi trường của các nước ở châu Âu như ông vừa đề cập đến tốt hơn của chúng ta?

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi có thể nói là văn hoá của những doanh nghiệp đầu tư tương tự cao hơn, trách nhiệm với xã hội cao hơn, trách nhiệm với môi trường cao hơn. Thành ra, đôi khi không cần giám sát thì họ vẫn tự nguyện thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường rất đầy đủ.

PV: Nếu chấm điểm Chính phủ và Bộ TN&MT trong trường hợp này, ông chấm điểm mấy?

Ông Đặng Hùng Võ: Chắc chắn là 10. Bởi vì tôi nhiều khi còn không nghĩ rằng chúng ta tìm ra được thủ phạm và nguyên nhân của sự cố.

Chúng ta đã tìm ra được nguyên nhân của sự cố chứng tỏ chúng ta đã tiếp cận vấn đề một cách rất hợp lý, sử dụng cơ sở khoa học là một, cơ sở pháp lý là một. Đó là hai "chân" để chúng ta có thể xử lý tốt sự cố môi trường này.

Xin cám ơn ông.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ đã nhiều lần cùng với các cơ quan chức năng làm việc với Formosa. Đến ngày 28/6, công ty Formosa đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết.

Đồng thời, Formosa cam kết 5 điểm:

1 Công khai xin lỗi Chính phủ, người dân Việt Nam vì đã để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.

2. Cam kết bồi thường với số tiền 500 triệu USD.

3. Khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế của xử lý nước thải, chất thải, cam kết xử lý triệt để các chất thải độc trước khi đưa ra môi trường theo quy định, không để tái diễn sự cố như đã xảy ra.

4. Phối hợp với các Bộ, ngành, các tỉnh miền Trung xây dựng, bảo đảm không để xảy ra ô nhiễm, nhằm tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế.

5. Thực hiện nghiêm túc các cam kết, nếu vi phạm sẽ chịu xử lý của pháp luật Việt Nam.



0.30516 sec| 1533.43 kb