Giữ đạo hiếu với cha mẹ là một trong những điều cơ bản mà chúng ta đều hiểu. Thế nhưng vẫn có nhiều người con vì lợi ích, hạnh phúc của bản thân mà quên mất cha mẹ khiến cho không ít người cảm thấy vô cùng xót xa.
Bà lão Trung Quốc 81 tuổi này từng một mình nuôi con gái khôn lớn và cho con đi du học tại Mỹ. Cô con gái cũng đã kết hôn và sinh sống tại Atlanta. Bà đã bán nhà ở Bắc Kinh để sang sống với con gái nhưng lại bị con rể ghẻ lạnh, con gái thờ ơ, do đó bà quyết định trở lại quê nhà. Cô cháu gái mua cho bà một vé máy bay vào ngày 6/11 nhưng lại gọi taxi đưa bà ra sân bay từ ngày 3/11 khiến bà phải ở lại sân bay 3 ngày để đợi về nước. May nhờ được những người tốt bụng giúp đỡ nên bà được ở lại khách sạn sân bay cho tới ngày 6/11. Hiện bà đã về nước và sống nhờ sự giúp đỡ của bạn bè.
Bà lão 80 tuổi ở Từ Châu (Giang Tô, Trung Quốc) là người có nhà nhưng không thể về. Chồng bà mất đã lâu, để lại bà cùng 3 người con trai và 8 người cháu. Lúc trước bà sống cùng người con trai thứ hai nhưng anh đã mất trong một vụ tai nạn năm 2013. Hai con trai còn lại thù hằn nhau nên không có ai chăm sóc bà. Hiện bà phải sống trong bãi rác của khu.
Ông Lý Bảo Trinh, 77 tuổi, phải sống trong chiếc xe 3 bánh và bán rau, thu nhặt phế liệu để kiếm sống qua ngày. Ông có 3 người con nhưng vì mâu thuẫn gia đình nên ông bị đuổi ra khỏi nhà. Ông bị tật ở chân nhưng vẫn tự mình đi lang thang khắp nơi kiếm tiền tự nuôi bản thân. Chiếc xe 3 bánh của ông được sửa thành một căn phòng nhỏ, tối tối ông tìm một nơi yên tĩnh và dừng xe nghỉ ngơi.
Tháng 5/2013, một ông lão 65 tuổi ở Tứ Xuyên bị bệnh nặng phải nhập viện. Con gái ông đã viết một bức thư “từ biệt” rồi biến mất, nói rằng do “con thật sự không thể làm khác”. Những người tốt bụng đã đưa ông ra bến xe để về quê khiến ông lão rất xúc động.
Năm 2009, ông Lý Quý Hữu được con đưa vào viện dưỡng lão. Người con trai có trả trước cho viện một khoản tiền rồi biến mất, số tiền nợ viện dưỡng lão đã lên đến hàng chục triệu. Năm 2010, ông lão lâm bệnh nặng nhưng phía bệnh viện không thể nào liên lạc được với người nhà ông cụ.
Đau lòng hơn cả là bị con cái chối bỏ lúc hấp hối. Năm 2015, người dân ở Giang Tô tìm thấy một bà lão người cuốn trong chăn nằm ở bên đập nước, sức khỏe rất yếu. Mọi người đưa bà lão vào viện cấp cứu, sáng sớm hôm sau, bà qua đời.
Năm 2013, ở Giang Tô có một bà lão 80 tuổi bị gia đình bỏ rơi, phải sinh sống trong gầm cầu thang khu tập thể, Mùa đông cũng như mùa hè, bà chỉ có mỗi chiếc giường cũ. Được biết, bà lão bị bệnh Alzheimer, con trai bà thì muốn mở phòng chơi cờ nên đuổi bà ra gầm cầu thang ngủ đã 3 năm rồi.
Giữa những đợt mưa tuyết giá rét năm 2010, nhiều người đã vô cùng đau xót khi biết có một bà lão 90 sống một mình trong túp lều dựng ngay trong sân nhà mình. Bà có 4 người con gái, 2 người con trai đều rất giàu có nhưng chính tay họ đã dựng lên túp lều này, sắp xếp cho mẹ mình ở trong đó còn phòng thì cho thuê kiếm lời và để đồ cũ.
Bên lề đường một vùng nông thôn ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) có hai vợ chồng ông lão 73 tuổi sinh sống trong một cái hang. Bên trong “ngôi nhà” của họ chẳng có đồ dùng gì, đến cái chăn cũng không nguyên vẹn. Được biết, con trai họ từ ngày lên thành phố học đại học chưa từng về nhà thăm nom bố mẹ.
Bà lão 90 tuổi này có 4 người con nhưng ai cũng đùn đẩy nhau trách nhiệm chăm sóc mẹ khiến bà phải sống cô độc trong căn nhà hoang đổ nát cùng những mớ đồ dùng cũ mà các con mình bỏ lại.
Tại Việt Nam cũng có những trường hợp như trên. Năm 2014, cụ Tú, 82 tuổi bị con cái bỏ lại trước cửa nhà người con trai cả sau mấy tháng chữa bệnh tại Bắc Ninh. Bà có 7 người con, trong đó 3 người đã mất. Khi taxi đưa bà từ Bắc Ninh về, con bà không đủ tiền trả chi phí thuốc chữa bệnh và cước taxi nên hàng xóm đã góp tiền ủng hộ hoặc cho vay. Nguồn cơn của sự việc được cho là mâu thuẫn liên quan tranh chấp căn nhà bà Tú đang ở.
Năm 2012 khi cụ ông Ngô Vi Nhân (87 tuổi) bị hai cô con gái để nằm ngoài vỉa hè ngay sau khi xuất viện. Cụ nằm ngoài gần 1 ngày trời trên vỉa hè phố Núi Trúc – Ba Đình – Hà Nội. Hình ảnh cụ già nằm bên vỉa hè với hành lý ngổn ngang suốt một ngày trời khiến nhiều người xót xa. Được biết, ngôi nhà nói trên là của anh con trai cả của cụ Nhân đã qua đời cách đây 2 năm và đang bị các con tranh chấp.
Khi các con đẻ của cụ Nhân đưa bố đến trước vỉa hè ngôi nhà này, cô con dâu cả không cho bố vào với lý do: “Thương bố nhưng tôi không thể mở cửa được” và nếu mở cửa thì “chắc mẹ con tôi ra đứng đường mất”.
Năm 2011, vụ việc bà cụ Châu Thị Ba (80 tuổi), có 10 người con nhưng vẫn phải sống lang thang, vơ vất vỉa hè khiến cho nhiều người không khỏi xót thương. Theo lời kể của nhiều người thì các con của bà cuộc sống không đến nỗi khó khăn. Có người còn có cả mấy mẫu cao su ở Tân Châu nhưng không ai chịu nuôi mẹ mà để bà cụ sống cảnh bơ vơ như thế. Bà Dương Thị K. Ch – một trong 10 người con của bà Ba nói rằng: “Mẹ già nên khó ngủ, thức đêm hay la hoảng, mỗi đêm đi tiểu năm, sáu lần, mỗi lần đi lại kêu, đập cửa… Mang bà về nuôi, đêm rất khó ngủ mà hôm sau còn phải đi làm. Dần dần ai cũng sợ, cũng ngại”…
Người xưa từng nói “Trong trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu” với mong muốn khuyên bảo người đời sau phải biết hiếu thảo, chăm sóc cha mẹ chu đáo. Là phận con, nếu không thể lo cho cha mẹ khi tuổi già sức yếu, đó chẳng phải chúng ta không thể làm tròn bổn phận hay sao. Những câu chuyện kể trên khiến cho nhiều người cảm thấy đau xót, nhưng lại là thực trạng đáng buồn xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Dù có thể không nhiều, những nó vẫn đang diễn ra, tạo nên những góc khuất trong xã hội. Nếu mỗi người con đều có thể coi trọng chữ hiếu, thấu hiểu đạo lý và giữ sự lễ độ với cha mẹ, chắc chắc chúng ta sẽ có được sự yên bình và hạnh phúc thực sự trong cuộc sống của mình.
Theo ĐKN