Quản lý cộng đồng (QLCĐ) tốt tạo thuận lợi cho người dân tự tổ chức phát triển, tăng cường đối thoại với chính quyền để điều kiện sống, đặc biệt là người nghèo được cải thiện, qua đó phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng ảnh hưởng tích cực....
QLCĐ nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi...
Mục tiêu trên đã được triển khai tại 4 tỉnh thông qua Dự án “Thúc đẩy quản lý cộng đồng” (QLCĐ) do Cơ quan Hợp tác và phát triển Thụy Sỹ tài trợ. Đó là các tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Bình và Nam Định với 600 thôn, xóm, tổ dân phố tham gia dự án.
QLCĐ tức là lấy người dân làm chủ thể. Họ có quyền và biết cách xác định các vấn đề ưu tiên, lập kế hoạch, thực hiện giám sát và đánh giá các hoạt động phát triển một cách công khai minh bạch và đảm bảo tính trách nhiệm.QLCĐ chú trọng việc chính quyền lắng nghe người dân và ngược lại, người dân được tham gia vào quá trình ra quyết định.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đô, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đánh giá, cách làm của dự án thực sự hiệu quả, thực hiện đúng và đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của công dân. Bản thân chính quyền cũng phải thay đổi cách làm thiếu dân chủ và không phù hợp.
Khi dựa vào cộng đồng, tức là cộng đồng ra mọi quyết định (lựa chọn ưu tiên, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát, rút kinh nghiệm..) thì hiệu quả đã thay đổi tích cực. Bà Đào Thị Chiêm (xóm Bò 1, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương) cho biết, trước đây mọi công việc đều do trưởng xóm giải quyết nhưng nay người dân ai cũng thấy mình phải có trách nhiệm tham gia.
Ngoài dựa vào cộng đồng, QLCĐ theo dự án còn yêu cầu đánh giá và lấy tài sản của cộng đồng làm nguồn lực; lấy quyền làm chủ của người dân, của cộng đồng để phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể.
Ông Dương Đình Chước - Bí thư Chi bộ thôn 2, xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho hay, với cách làm đó, tính tự chủ và tự quản của người dân được phát huy, mọi thông tin công khai, các quyết định khi thực hiện có hiệu quả cao nên người dân rất tin tưởng.
Dự án thúc đẩy QLCĐ triển khai từ năm 2008. Tại hơn 600 thôn, xóm, tổ dân phố, đã có gần 4.000 người dân nòng cốt, 1.000 cán bộ địa phương được nâng cao năng lực về phát triển cộng đồng. Qua đó, nguyện vọng của người dân được giải đáp tại 580 cuộc đối thoại; gần 2.500 tiểu dự án cộng đồng đã cải tạo điều kiện sống cho hơn 400.000 dân.
Hội thảo kết thúc Dự án QLCĐ tại Việt Nam
Tại hội thảo kết thúc Dự án “Thúc đẩy QLCĐ” tại Việt Nam giai đoạn 2008 - 2016 vừa diễn ra, ông Trần Văn Môn - Phó Chánh văn phòng Điều phối Trung ương, chương trình MTQG xây dựng NTM cho biết, quy trình đối thoại, phương pháp lập kế hoạch phát triển KT-XH có sự tham gia và áp dụng QLCĐ trong xây dựng NTM đã được thể chế hóa tại các địa bàn dự án triển khai. Tại 4 tỉnh trên, người dân và chính quyền khẳng định các công trình, dự án được áp dụng QLCĐ đều có chất lượng tốt, chi phí thấp, bền vững nhờ tính sở hữu cộng đồng, người dân chủ động và làm chủ quá trình phát triển. Tính gắn kết, trách nhiệm của người dân và chính quyền được tăng cường.
Mọi chương trình phát triển KT-XH đều có thể lấy QLCĐ là phương pháp tiếp cận. Riêng với chương trình MTQG xây dựng NTM thì đó chính là tiền đề, là cơ sở để chương trình tiếp tục được triển khai trong thời gian tới....
Theo nongnghiep.vn