Với những ai đã từng một lần ăn trái cóp rừng thì chỉ cần nghe tên cũng đã thấy "ê răng". Dù chua đến mức giấm, chanh cũng gọi bằng "cụ" thế nhưng cóp rừng lại thu hút không ít người đồng bằng mua về để thưởng thức.
Cóp, cáp là tên mà người đồng bào thiểu số người Kor ở vùng núi phía bắc của tỉnh Quảng Ngãi đặt cho trái dâu rừng, dâu dại.
Cũng như "đồng loại" trồng ở đồng bằng, trái cóp có hình dáng tròn. Khi chín có màu đỏ hồng, kích cỡ to như ngón chân cái với phần thịt bên trong được chia thành từ 2-5 múi riêng biệt. Đặc biệt, trái cóp có vị chua hơn gấp nhiều lần những trái được trồng ở vùng đồng bằng. Đến mức, những ai đã từng ăn nó đều có chung nhận xét, đến giấm, chanh (những loại quả, thức gia vị được coi là "đỉnh của đỉnh" chua) cũng phải gọi trái này bằng "cụ".
Cóp là loại cây mọc hoang dại và phân bố khá nhiều tại khu vực rừng của huyện Trà Bồng và Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi.
Vụ thu hoạch cóp hàng năm bắt đầu từ tháng 8, kéo dài đến cuối tháng 9.
Số lượng trái hái được từ 8-15 kg trái/người/ngày.
Sau khi thu hoạch về người dân cho vào các túi ni lông nhỏ, với trọng lượng từ 0,5-0,7 kg/túi rồi bày ra ven các trục đường trung tâm xã, huyện để bán với giá 10.000 đồng/túi.
Dù chua đến mức mới nghe tên đã thấy "ê cả răng" nhưng nhiều người dân đồng bằng khi có việc đến vùng đất này vào mùa cóp chín đều dừng lại mua về để ăn.
Theo danviet.vn