Quế là cây trồng chủ lực, vốn được người dân ở tỉnh Yên Bái gọi là cây "vàng xanh" vì mỗi năm cho thu nhập hàng trăm tỷ đồng. Cũng nhờ trồng thứ cây cho thu từ vỏ tới lá này mà ở một số vùng quê miền núi xứ ngọc Yên Bái, những biệt thự, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều...
Tại huyện Văn Yên - "thủ phủ" cây quế của tỉnh Yên Bái, thống kê sơ bộ, mỗi năm cây quế mang lại tổng thu nhập cho người dân khoảng 600 tỷ đồng. Từ cây quế, nhiều hộ dân nghèo ở Văn Yên không những thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu chính đáng ngay tại mảnh đất quê hương.
Quế là một loại lâm sản được ưa chuộng và sử dụng phổ biến ở Việt Nam. Sản phẩm cuối cùng của Quế chủ yếu là tinh dầu, được chưng cất từ vỏ thân, vỏ cành và lá quế. Trong y học, các sản phẩm của quế được dùng làm thuốc chữa trị các chứng bệnh về tim mạch, hô hấp và tiêu hóa. Trong công nghiệp, được dùng làm thực phẩm và hóa mỹ phẩm.
Ngoài ra, gỗ Quế có mùi thơm đặc trưng và màu sắc phù hợp để trang trí nội thất, làm đồ mộc gia dụng.
Cây quế được trồng ở hầu khắp các địa phương ở tỉnh Yên Bái, nhưng tập trung chủ yếu tại huyện Văn Yên. Từ lâu, cây Quế đã gắn liền với truyền thống, tập quán, văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Văn Yên, nhất là dân tộc Dao đỏ. Những đồi cây lâu năm, diện tích quế nhiều hầu hết ở vùng người Dao sinh sống.
Việc bóc vỏ quế tuy đơn giản, nhưng để vỏ quế có giá trị cao nhất thì người bóc phải tuân thủ các kích thước, kỹ thuật theo người thu mua (Ảnh: Gia đình ông Hoàng Văn Hòa, ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên đang tiến hành khai thác đồi quế 30 năm tuổi của gia đình).
Để vỏ cây Quế không dính chắc vào thân, dễ bóc, người dân sẽ khoanh, làm sạch vỏ ở gốc cây tầm 10 đến 15 ngày trước khi khai thác.
Theo người dân, cách làm này sẽ làm cho nước trong thân cây giảm đi ,chỉ còn lại dầu nên róc đến tận cành nhỏ khi bóc.
Dụng cụ bóc là cật lá cây cọ, vì cật của lá cọ vừa dẻo dai, nhưng cũng vừa mềm, đảm bảo dễ luồn lách và không làm rách vỏ quế.
Đối với vỏ quế loại một, tức loại có giá trị cao nhất (có giá khoảng 70 nghìn trên 1kg vỏ tươi) thì ngoài đảm bảo kích thước theo yêu cầu, người bóc cũng phải khéo léo để không làm nứt vỏ.
Vỏ của cây quế gần 30 năm tuổi. Mỗi năm hai vụ, tức vào tháng 3 và tháng 8 hàng năm, người dân sẽ tiến hành chặt bóc cả đồi đối với những rừng cây đủ tuổi khai thác và chặt tỉa đối với đồi cây còn non.
Cẩn thận bóc tách từng đoạn quế.
Những ống vỏ quế có giá trị cao. Có thể nói đây là cây trồng đa lợi ích, cho giá trị kinh tế cao, các sản phẩm Quế trên thị trường tương đối ổn định.
Từ lá, cành, gỗ, vỏ đều mang đến thu nhập cao cho người dân Văn Yên.
Vỏ quế sau khi bóc sẽ được phơi khô và chế biến thành nhiều sản phẩm như: tinh dầu, thủ công mỹ nghệ, quế khâu, quế chẻ, ống điếu... theo nhu cầu thị trường. Hiện, các sản phẩm từ quế của Văn Yên đã có mặt tại các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ai Cập, Mỹ, Anh, Hà Lan...
Huyện Văn Yên hiện có khoảng 40.000 ha Quế. Thống kê trong năm 2018, người dân ở Văn Yên đã có tổng thu nhập khoảng 600 tỷ đồng. Từ cây quế, nhiều ngôi nhà tiền tỉ đã mọc lên giữa núi rừng các xã vùng đặc biệt khó khăn như Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Nà Hẩu.... nhiều hộ nghèo không những thoát nghèo, mà còn trở nên khấm khá, làm giàu từ Quế.
Theo Thừa Xuân (VOV Tây Bắc)