Việc triển khai xây dựng các mô hình Hợp tác xã như: Trồng dâu, nuôi tằm; sản xuất rau an toàn... trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa bước đầu đang mang lại hiệu quả thiết thực. Với phương thức sản xuất đảm bảo đúng quy trình khoa học kỹ thuật và được kiểm tra theo tiêu chuẩn VietGAP nên "tiếng lành, đồn xa", rau chưa ra tới chợ nông dân đã "cháy hàng".
Đưa chúng tôi đi thăm quan mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn tại thị trấn Vạn Hà, ông Lê Văn Dung-Phó Giám đốc hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp cho biết:"Thị trấn Vạn Hà hiện nay đang xây dựng 25 ha rau an toàn, trong đó 16,7 ha diện tích đã được công nhận đạt theo tiêu chuẩn Vietgap. Nếu theo sản xuất truyền thống thì 1ha rau màu tổng thu 300 triệu đồng/năm. Nhưng giờ áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), làm rau an toàn thu về 400 triệu đồng/năm".
Thay đổi phương thức sản xuất, thu nhập nông dân tăng cao. Ảnh: Vũ Thượng
Nói đi đôi với làm, ông Lê Văn Dung tiên phong lắp đặt nhà màng đầu tiên để sản xuất rau, củ, quả sạch với diện tích 1.300 m2, chủ yếu trồng dưa kim hoàng hậu, sau vụ (3 tháng) gia đình thu lời 70 triệu đồng. Ngoài ra, với diện tích 3 sào ông Dung để riêng trồng các loại cây như: Cà chua, bắp cải...theo chuẩn Vietgap mỗi năm cũng thu 80 triệu đồng.
Ông Lê Văn Dũng vội làm đất để chuẩn bị trồng lứa dưa mới. Ảnh: Vũ Thượng
Theo ông Lê Văn Dung, từ khi nông dân tham gia đăng ký sản xuất rau an toàn đời sống bà con nơi đây khấm khá. Nhiều loại rau, củ, quả được các siêu thị, thương lái tới tận nơi thu mua và HTX đã ký bao tiêu sản phẩm với một số công ty trên địa bàn TP. Thanh Hóa. Đồng thời, với việc sản xuất rau Vietgap đảm bảo chất lượng, đúng quy trình về an toàn thực phẩm, nên người tiêu dùng rất yên tâm, giá bán cũng cao.
Những luốn rau trồng đúng KHKT cho năng suất cao. Ảnh: Vũ thượng
Người dân huyện Thiệu Hóa trước kia vẫn còn thiếu kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chỉ quen thực hiện theo kiểu truyền thống, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu chưa hợp lý, tốn nhiều công lao động, dịch bệnh và giá trị sản phẩm không cao, gặp nhiều rủi do.
Với nhiều năm sản xuất rau màu, ông Phùng Văn Quyết (trú tại tiểu khu 6, thị trấn Vạn Hà) vui mừng nói: "Gia đình tôi làm 3 sào rau màu đã nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ đạt tổng doanh thu gần 100 triệu đồng/năm. Lý do các sản phẩm làm ra không tìm được thị trường, việc quảng bá sản phẩm còn hạn chế. Đồng thời, với diện tích nhỏ, chỉ làm manh mún hoạt động riêng lẻ, kỹ thuật áp dụng còn thiếu nên gặp nhiều khó khăn trong canh tác. Giờ con số gần 100 triệu đồng/năm, gia đình tôi đã đạt, nhờ tham gia vào HTX rau an toàn Vạn Hà, trồng rau tập trung theo cánh đồng mẫu lớn, mọi người cùng hỗ trợ nhau về kiến thức qua đó bước đầu sản xuất thấy rất hiệu quả".
Rau an toàn chưa ra tới chợ đã "cháy hàng". Ảnh: Vũ Thượng
Việc xây dựng các HTX trên địa bàn huyện Thiệu Hóa đã được thống nhất của Huyện ủy, UBND, các tổ chức đoàn thể và phù hợp với nguyện vọng nhân dân. Đây là hướng đi bền vững, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, và nâng cao mức thu nhập, cải thiện điều kiện sống cho gia đình.
Dùng mái che tránh thời tiết ảnh hưởng đến rau màu. Ảnh: Vũ Thượng
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Anh-Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết: "Để đổi mới phương thức trồng trọt, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển nông nghiệp, giảm nghèo bền vững, thay đổi phong trục, tập quán sản xuất tự phát, đảm bảo vệ sinh môi trường...Qua đó, huyện Thiệu Hóa đã hỗ trợ kinh phí, khuyến khích thành lập các HTX để tạo sự liên kết giữa các thành viên, trao đổi, hỗ trợ nhau về kỹ thuật sản xuất, tạo thị trường tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, các HTX hoạt động phải tuân thủ các quy định của pháp luật, phát huy tính cộng đồng, tính liên kết".
Theo Vũ Thượng (Dân Việt)