“Chính sách tín dụng đã tạo cơ hội rất lớn cho các hộ đồng bào DTTS và giúp cho đồng bào có sinh kế phù hợp, thay đổi, cải thiện nâng cao mức sống của mình”. Đó là đánh giá của bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Hiệu quả vốn tín dụng
Hội thảo khoa học “Đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam” vừa được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) phối hợp Ủy ban Dân tộc tổ chức. Theo báo cáo tại hội thảo, trong những năm qua, các chương trình tín dụng chính sách xã hội được triển khai kịp thời, có hiệu quả, giúp đồng bào DTTS sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, tạo việc làm, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị tại các địa phương.
Đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng khẳng định: “Nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội và sự nỗ lực của Ngân hàng CSXH đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, tạo sự đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống chính trị - xã hội trong việc thúc đẩy hoạt động tín dụng chính sách.
Gia đình ông Sùng A Khua (dân tộc Mông, ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) vay vốn Ngân hàng CSXH đầu tư trồng trọt, nuôi vịt siêu trứng... và có thu nhập 200 triệu đồng/năm. (ảnh: Nguyễn Quỳnh)
Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới; làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào DTTS từ mặc cảm, tự ti, nay mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả; giúp đồng bào dần nâng cao chất lượng cuộc sống; nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình…”.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hộ DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo, trong đó có trên 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 162.000 lao động; giúp trên 211.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ DTTS được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,3 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 215.000 căn nhà…
Giảm nghèo bền vững
Bà Triệu Thị Nga - người dân tộc Dao ở thôn Nà Quang, xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) cho biết, năm 2007, gia đình bà được vay 5 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để mua 1 con trâu sinh sản. Sau vài năm, gia đình bà đã trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục được vay khoản lớn hơn là 30 triệu đồng và dần lên mức 50 triệu đồng để mở rộng đàn trâu, gia cầm, trồng rừng keo… Nhờ sự nỗ lực của bản thân, từ năm 2016 gia đình bà Nga đã thoát nghèo.
Tính đến 31/8/2019: Tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH đạt 199.823 tỷ đồng. Gần 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ. >1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS. Tổng dư nợ là 49.617 tỷ đồng |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, tín dụng chính sách xã hội góp phần củng cố tăng cường niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước và điều đặc biệt là nguồn vốn này đã giúp cho nhiều gia đình thoát nghèo, lấy lại niềm tin và vươn lên trong cuộc sống.
Ông Lê Minh Hưng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH cho biết: Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo, hộ DTTS; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trong toàn hệ thống; tập trung ưu tiên các nguồn lực cho vùng DTTS…
Theo Nguyễn Quỳnh (Dân Việt)