Sóng lớn kỷ lục
Theo ghi nhận của phóng viên, mấy ngày nay, hàng trăm lực lượng là dân quân, bộ đội tiếp tục các công việc khắc phục sạt lở đê phòng hộ, ứng trực phòng, chống thiên tai tại khu vực bờ biển Tây Cà Mau.
Trước đó, khoảng 14h ngày 3/8, thủy triều dâng cao bất thường kết hợp mưa giông, gió giật mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp hàng trăm hộ dân sinh sống dọc tuyến đê biển Tây thuộc địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời. Đặc biệt, tại tuyến đê phòng hộ ven biển thuộc huyện Trần Văn Thời, sóng lớn đã đánh liên tiếp gây sạt lở thân đê phòng hộ với chiều dài khoảng 300m, nguy cơ vỡ đê rất cao. Mực nước dâng cao kỷ lục, nước mặn đã tràn qua mặt đê vào vùng ngọt hóa.
Hơn 200 người của các lực lượng đã được tỉnh Cà Mau huy động để khắc phục sạt lở đoạn đê biển Tây. Ảnh: N.Q
Sóng biển đánh mạnh, toàn bộ tuyến đê biển Tây của tỉnh Cà Mau với chiều dài gần 50km đều bị uy hiếp nghiêm trọng, đặc biệt là đoạn từ Kinh Mới tới cửa Vàm Đá Bạc hơn 3km bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Theo ông Tô Quốc Nam - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau, thủy triều dâng cao đột biến. Từ trước tới nay, tại địa phương chưa từng ghi nhận thủy triều dâng cao, kèm theo sóng lớn như vậy.
Tuyến đê phòng hộ ven biển tại đây có vai trò ngăn mặn, bảo vệ sản xuất hệ sinh thái ngọt trực tiếp của 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Nếu vỡ đê, cả hệ sinh thái vùng ngọt phía trong đê sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có diện tích lúa đang canh tác của bà con nông dân tại các khu vực này.
Trao đổi với anh Nguyễn Tấn Đạt (xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời), cho biết: “Suốt mấy chục năm, tôi chưa từng chứng kiến việc nước biển dâng cao và nhanh như thế. Nước biển tràn qua thân đê vào vùng ngọt… May mắn là nước cũng rút nhanh, nếu kéo dài hơn khoảng 1 giờ đồng hồ nữa thì rất có thể đoạn đê này đã bị vỡ”.
Chưa hết bàng hoàng, bà Nguyễn Thị Ten (ngụ cùng địa phương), nhớ lại: “Nước dâng rất nhanh, dù đê phòng hộ rất cao, nhưng nhiều đợt sóng đã vượt qua đê tràn vào ruộng lúa bên trong. Trước tình trạng đó, cả gia đình tôi đã thu dọn đồ đạc chuẩn bị di dời. Rất may, không lâu sau thì sóng êm trở lại”. Được biết, hệ thống đê biển Tây của tỉnh Cà Mau có chiều dài 108km, điểm đầu xuất phát từ kênh Năm thuộc xã Rạch Chèo (huyện Phú Tân) và kết thúc tại kênh Tiểu Dừa thuộc xã Khánh Tiến (huyện U Minh, giáp tỉnh Kiên Giang). Tuyến đê biển Tây đi qua 3 huyện U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân, trong đó đi qua 10 xã và 2 thị trấn.
Tuyến đê biển Tây có nhiệm vụ phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ngăn triều cường, nước biển dâng và gió bão cấp 9; bảo vệ hơn 26.000 hộ dân sinh sống ven biển, gần 129.000ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản; cấp nước mặn và tiêu thoát nước thải phục vụ nuôi trồng thuỷ sản; ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, xổ phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tại bờ biển Tây, tình hình sạt lở mất khoảng 20 – 25m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50m/năm. Thực trạng này không chỉ làm mất đất rừng phòng hộ ven biển mà còn làm nhiều hộ dân bị mất sinh kế, đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Huy động mọi lực lượng hộ đê
Để nắm tình hình tại đoạn đê biển Tây bị sạt lở, đồng thời đôn đốc lực lượng làm nhiệm vụ khẩn trương thực hiện các biện pháp gia cố các đoạn đê trong thời gian sớm nhất, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra thực tế, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ, đồng thời chỉ đạo thực hiện khẩn trương các giải pháp hộ đê trong tình huống khẩn cấp.
Tại đây, ông Hải cho biết, đoạn đê bị sạt lở chiều 3/8 là đoạn đê xung yếu vừa được cải tạo với cao trình trên 3m, việc sóng biển dâng cao và vượt qua mặt đê là điều bất ngờ và chưa từng có tiền lệ tại địa phương.
“Trước mắt, tỉnh Cà Mau đã huy động tối đa lực lượng để bảo vệ những đoạn đê khẩn cấp nhất, nguy hiểm nhất, nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở chân đê. Ngay khi thời tiết thuận lợi hơn, các lực lượng nhanh chóng tiếp cận hiện trường, hộ đê bất kể đêm ngày, làm mọi cách đảm bảo cho đê biển Tây được an toàn. Về lâu dài, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện phương án làm kè khẩn cấp nhằm tạo bãi tự nhiên, từ đó từng bước trồng lại rừng phòng hộ bảo vệ đê một cách tốt nhất” - ông Hải thông tin.
Ông Tô Quốc Nam chia sẻ: “Khi sự cố xảy ra, Sở đã huy động lực lượng đến ngay hiện trường để gia cố những điểm sạt lở nguy cấp. Để bảo vệ an toàn cho đê, lực lượng chức năng phải thức trắng đêm”. Anh Lê Quốc Phi (xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời), thành viên của lực lượng xung kích tại địa phương, cho hay: “Khi nghe tin đê biển bị sạt lở, có nguy cơ bị vỡ, chúng tôi đã ý thức được công tác hộ đê sẽ diễn ra khẩn cấp. Dù rất mệt mỏi nhưng không vì thế mà lơ là cảnh giác, nhất là trong điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến xấu. Anh em sẵn sàng túc trực 24/24 giờ cho đến khi đoạn đê được an toàn”.
Tuyến đê biển Tây có nhiệm vụ Phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ngăn triều cường, nước biển dâng và gió bão cấp 9; Bảo vệ hơn 26.000 hộ dân sinh sống ven biển, Gần 129.000ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản; Cấp nước mặn và tiêu thoát nước thải phục vụ nuôi trồng thuỷ sản; ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, xổ phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp. |
Ghi nhận tại hiện trường, với tinh thần hộ đê ở mức cao nhất, các lực lượng như: Bộ đội biên phòng, công an, quân sự được huy động tối đa nhằm phối hợp với chính quyền các địa phương dùng cừ tràm để gia cố phần thân đê bị sạt lở nghiêm trọng. Đồng thời, các lực lượng còn dùng bao tải chứa đất đắp trên mặt đê, hạn chế nước mặn tràn vào bên trong, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Chi cục phó Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau, công tác hộ đê trong mùa mưa bão không thể lơ là, hiện đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan và UBND các xã, thị trấn có tuyến đê biển đi qua thường xuyên tuần tra, canh gác nhằm phát hiện kịp thời những vị trí sạt lở mới. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư, nhân lực để chủ động ứng phó những sự cố bất thường có thể xảy ra, ảnh hưởng đến sự ổn định của đê biển.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau, trong tuần qua tại Indonesia đã xảy ra động đất và vẫn còn dư chấn, từ đó đã khiến mực nước biển dâng cao đột ngột.
Ông Lê Phong - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời thông tin, theo thống kê sơ bộ đến thời điểm chiều 4/8, địa phương đã thiệt hại khoảng 16 tỷ đồng do dông lốc gây sập, tốc mái nhà và nước ngập. Trong khi đó, tại U Minh, toàn huyện ước thiệt hại ban đầu trên 4 tỷ đồng do nhà sập, tốc mái và nước ngập. Trong đó, dông lốc đã làm sập hoàn toàn 22 căn nhà; tốc mái 53 căn nhà. Ngoài ra, nước biển đã dâng gây ngập nhà của hơn 723 hộ dân. Trước tình hình trên, UBND của hai địa phương đã nhanh chóng tổ chức đoàn công tác đến thăm và hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại; đồng thời cử lực lượng tích cực hỗ trợ các gia đình sửa chữa lại nhà, sớm ổn định cuộc sống.
Tìm giải pháp dài hơi để ứng phó
Những ngày qua, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam kết hợp triều cường làm nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3-0,4m. Ngoài ra, có 4 điểm sạt lở với chiều dài 2.045m nằm trên tuyến đê từ Ba Tĩnh đến Tiều Dừa và 1 điểm thuộc bờ Nam sông Đốc với chiều dài 86m bị sạt lở nguy hiểm. UBND và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đã huy động lực lượng xử lý, hộ đê bằng bao tải đất, đá và cừ tràm.
Trong ngày 4/8, dông, lốc và gió mùa Tây Nam khiến 590 ngôi nhà ở các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng bị sập, trôi và tốc mái; bờ sông, bờ biển tại Sóc Trăng bị sạt lở nghiêm trọng. Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, thời gian tới, các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở khu vực biển Tây; huy động các lực lượng xử lý giờ đầu sự cố đê biển tại Cà Mau. Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ cử đoàn công tác cùng cơ quan khoa học trực tiếp nắm bắt, hỗ trợ địa phương xử lý sự cố, tổng hợp báo cáo Bộ NNPTNT để có những giải pháp dài hơi ứng phó với tình trạng này.
Ông Nguyễn Đức Quang – Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai
Do nguồn thu ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên việc vay nguồn từ ODA theo phân định cũng không được bao nhiêu, và hầu như tất cả phải “đổ ra biển” để xây kè hộ đê, không dùng cho đầu tư phát triển để sinh lời như các địa phương khác. Chỉ sử dụng cho phòng chống, ứng phó thiên tai, bảo vệ bờ biển, mà phải vay lại là chưa phù hợp với thực tế những gì đang diễn ra tại Cà Mau.
Nhiều năm rồi, may mắn bão không đổ bộ vào Cà Mau và dù điều kiện sinh sống, nhà cửa có kiên cố hơn so với thời điểm bão Linda năm 1997, nhưng sức chống chịu tại địa phương cho thấy còn nhiều hạn chế, nguy cơ thiệt hại là khá lớn nếu có bão gây ảnh hưởng trực tiếp. Thực tế chứng minh, mỗi khi chỉ cần có giông lốc là đã khiến hàng loạt căn nhà sập và tốc mái; đã có hơn 1.200 căn nhà sập và tốc mái do giông lốc xảy ra trong năm 2018 và những tháng đầu năm nay.
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Theo Khánh Nguyên - Ngọc Quyên