Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa chỉ đạo chủ tịch UBND 24 quận, huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật các trường hợp sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.
Ông cũng giao Sở Công Thương làm việc với Ban quản lý các chợ đầu mối tuyên truyền và kiểm soát tốt tình hình thực phẩm bẩn, độc hại vào chợ; thanh - kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh nhập khẩu trái phép phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thủy sản không rõ nguồn gốc và chất cấm dùng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Nông dân thu hoạch ra muống ở xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: H.P
Trước đó, trong đợt cao điểm truy quét thực phẩm bẩn vào tháng 9.2016, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP.HCM đã đồng loạt đột kích vào “thủ phủ” sản xuất rau muống bào tại xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi). Lực lượng chức năng đã phát hiện 3 cơ sở sơ chế biến rau muống có hành vi ngâm hóa chất để rau xanh tươi và bắt mắt hơn. Kiểm tra tại cơ sở sơ chế rau muống của ông N.V.T (quê Nam Định, ngụ xã Bình Mỹ), PC49 phát hiện ông T đang sơ chế 440kg rau muống bằng cách bào mỏng cọng rau rồi ngâm hóa chất để thành sản phẩm tươi ngon trước khi đem giao tại các điểm tiêu thụ.
Làm việc với đoàn kiểm tra, cả 2 hộ này đều khai nhận mua một loại hóa chất nhuộm màu không rõ nguồn gốc từ nhiều đầu nậu khác nhau. Hóa chất “tắm” giúp rau muống bào tươi xanh được bán với giá khá rẻ, khoảng 500.000 đồng/lít, hay ở dạng bột với mức giá tương tự cho 1kg. 1kg có thể nhuộm màu xanh cho hàng chục tấn rau muống.
Sau thông tin phát hiện rau muống bào ngâm hóa chất, giá bán rau muống nước tại xã Bình Mỹ giảm cả về giá và lượng tiêu thụ, ông Nguyễn Văn Tiến - một hộ trồng rau muống ở ấp 4 (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) cho biết, trước khi có thông tin này, mỗi ngày gia đình ông cắt bán sỉ cho mối 600kg với giá 3.000 – 4.000 đồng/kg tùy chất lượng rau. Nhưng khoảng hai tuần nay giá giảm khoảng 1.000 đồng/kg và lượng đặt hàng của mối cũng giảm xuống còn 400kg/ngày.
“Mỗi năm vào thời điểm này, giá rau muống thường tăng cao do triều cường lên nên những ruộng rau chỗ thấp hay gần sông nước nhiều không bón phân được, rau lên rất chậm, thậm chí không có mà bán, nhưng năm nay, sau thông tin ngâm hóa chất giá lại giảm” - ông Tiến nói. Còn ông Hoàng Thanh Uy, người thường lấy rau muống TP.HCM về tiêu thụ tại thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đăk Nông) cho biết, tháng trước mỗi chuyến đi khoảng 3 tấn nhưng sau thông tin rau ngâm hóa chất giảm xuống còn 1 - 1,5 tấn
Theo danviet.vn