Search
Thứ 5, 01/12/2016, 08:45 AM

Nông sản Trung Quốc áp thuế NK 0%: Nhà nông có nguy cơ “ngạt thở”

Nông sản Trung Quốc áp thuế NK 0%: Nhà nông có nguy cơ “ngạt thở”

 Chính phủ vừa ban hành nghị định về biểu thuế nhập khẩu hàng hóa thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean – Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016 – 2018, theo đó sẽ có hàng trăm mặt hàng nông sản từ Trung Quốc (TQ) vào Việt Nam hưởng thuế suất nhập khẩu 0% từ năm 2018. Điều này đang làm dấy lên lo ngại về việc gia tăng áp lực cạnh tranh với nông sản Việt Nam.

Cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt

Từ nhiều tháng qua, ông Nguyễn Thế Bảo – Chủ nhiệm HTX xoài Suối Lớn (Xuân Lộc, Đồng Nai) cũng như nhiều xã viên khác trong vùng không ngớt lo lắng về việc phải cạnh tranh với các sản phẩm xoài nhập khẩu từ TQ. Trước đó, nhiều loại xoài có nguồn gốc từ TQ như xoài mút đã được nhập khẩu và bày bán tràn lan ở nhiều nơi, từ các chợ truyền thống đến các cửa hàng trái cây, xe đẩy hàng rong trên đường phố… Với giá “siêu” rẻ, chỉ từ 3.600 – 4.000 đồng/kg, xoài TQ đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần tại thị trường Việt Nam.

 nong san trung quoc ap thue nk 0%: nha nong co nguy co “ngat tho” hinh anh 1

Các loại rau củ Trung Quốc được nhập về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.  Ảnh: V.T 

Hiện nay quy trình kiểm dịch thực vật đối với hàng nông sản nhập khẩu từ TQ khá rõ ràng, gồm kiểm tra sơ bộ bên ngoài rồi lấy mẫu phân tích, giám định. Nếu rau củ, trái cây đáp ứng yêu cầu mới được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch để nhập khẩu về Việt Nam”.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng
Cục BVTV (Bộ NNPTNT)

TS Võ Mai – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, từ nhiều năm qua, các sản phẩm nông sản của TQ đã ồ ạt tràn vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch, cạnh tranh trực tiếp với nông sản Việt Nam. Người trong nước đã không còn xa lạ với các thông tin như khoai tây, cà rốt TQ đội lốt hàng Đà Lạt; táo TQ để cả tháng không hỏng; hành, tỏi, gừng… xuất xứ TQ trà trộn hàng Việt. Do đó, việc đánh thuế 0% với  hàng TQ càng khiến người sản xuất và người tiêu dùng trong nước lo ngại.

Tuy nhiên, cũng theo bà Mai, xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế là xu thế chung của các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Do đó, việc xóa bỏ các hàng rào thuế quan là điều chắc chắn phải thực hiện khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực. “Hàng hóa TQ thường có mẫu mã rất đẹp mắt, giá cả phải chăng và bắt đúng “sóng” nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam, do đó, việc cạnh tranh trực tiếp sẽ càng gay gắt hơn trong những năm tới” - bà Mai nhấn mạnh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm nay, TQ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, nhập siêu từ nước này lên tới hơn 21 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam nhập hơn 45 triệu USD hàng thủy sản từ TQ, rau củ quả là 147 triệu USD, thức ăn gia súc và nguyên liệu là 211 triệu USD… 

Tăng biện pháp tự vệ

 nong san trung quoc ap thue nk 0%: nha nong co nguy co “ngat tho” hinh anh 2

Trước việc giảm thuế về 0% cho nhiều mặt hàng nhập từ TQ, tại một hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, chắc chắn hàng nông sản và các hàng hóa khác của TQ sẽ có sức ép cực lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Giá rẻ thì thu hút nhiều người mua hơn, nhưng giá rẻ thì thường không đi kèm với chất lượng, ẩn chứa nhiều rủi ro đối với sức khỏe của người tiêu dùng.

“Lâu nay chúng ta vẫn nghi ngại hàng TQ “bẩn”, không đảm bảo an toàn, chất lượng. Khi thuế về 0%, giá rẻ hơn, người ta sẽ càng nhập nhiều hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần sớm có biện pháp tự về bằng các hàng rào an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định, quy chuẩn…” – bà Lan nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng cho rằng hiện nay các biện pháp tự vệ thông qua hàng rào kỹ thuật của Việt Nam còn quá cũ kỹ, lạc hậu. TS Lương Ngọc Trung Lập - Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường, Viện Cây ăn quả Miền Nam cho biết, các nước trên thế giới đều sẵn sàng ký kết các hiệp định đối tác, sẵn sàng miễn thuế cho hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, để bảo vệ sản xuất trong nước, họ có hàng rào kỹ thuật rất khắt khe. Trong khi đó, các yêu cầu về kỹ thuật của Việt Nam không cao, hệ thống máy móc kiểm tra các mẫu trái cây, rau củ đều đã lạc hậu, mua từ những năm 1990. Chi phí cho việc lấy mẫu kiểm tra hàng hóa rất cao, từ 2 triệu đồng/mẫu nhưng cũng mới kiểm tra được các chỉ tiêu cơ bản.

“Nếu yêu cầu hàng hóa đảm bảo chất lượng cao hơn thì phải có máy móc hiện đại hơn, kiểm tra phát hiện được nhiều chỉ tiêu hóa chất, dư lượng thuốc trừ sâu; việc lấy mẫu cũng phải tăng cường cả về số lượng lẫn chủng loại cần lấy mẫu” - ông Lập nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Lập, điểm sáng trong hoạt động kiểm soát hàng hóa từ TQ sang Việt Nam là Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT đã và đang bắt tay vào việc xây dựng lại các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các loại trái cây. Hiện tại, đã có bộ tiêu chuẩn đối với một số sản phẩm chủ lực như xoài, nhãn…

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 10 của Bộ NNPTNT mới đây, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục BVTV cho biết, hiện nay quy trình kiểm dịch thực vật đối với hàng nông sản nhập khẩu từ TQ khá rõ ràng, gồm kiểm tra sơ bộ bên ngoài rồi lấy mẫu phân tích, giám định. Nếu rau củ, trái cây đáp ứng yêu cầu mới được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch để nhập khẩu về Việt Nam.

“Ngoài ra, do xác định TQ là một trong những nhóm thị trường có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm nên khi nhập khẩu mặt hàng rau quả nói chung từ TQ, cơ quan chức năng đều lấy mẫu với tần suất cao hơn để kiểm tra. Trong 10 tháng đầu năm nay, qua việc lấy mẫu kiểm tra, cơ quan chức năng không phát hiện sản phẩm trái cây nhập khẩu từ TQ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vượt ngưỡng cho phép” – ông Trung thông tin.

Thực tế cho thấy, trước đây, dù chưa được giảm thuế nhập khẩu về 0% thì nông sản nước ta đã nhiều phen lao đao vì hàng TQ giá rẻ tràn về, đó là chưa kể nông sản Việt Nam còn đang gặp sức ép cạnh tranh rất lớn từ Thái Lan, Campuchia… “Mặc dù vậy, khi đã thành cam kết chung rồi thì chúng ta phải thực hiện. Nhưng tôi chỉ mong đừng thực hiện theo kiểu một chiều, tức là mở cửa cho hàng hóa nước ngoài vào mà không có sự kiểm soát chặt chẽ đối với trong nước” – bà Chi Lan nói. 

 

Theo danviet.vn



0.19753 sec| 1483.734 kb