Theo thông tin dự báo thời tiết mới nhất, hiện nay trên khu vực Tây Thái Bình Dương (gồm cả Biển Đông) xuất hiện cùng lúc cơn bão Hạ Long (tên quốc tế là HaLong) và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Cả hai đều đang được dự báo là đang mạnh lên rất nhanh.
Cụ thể, theo cảnh báo của các chuyên gia khí tượng, sự nguy hiểm của 2 cơn bão trên khu vực Tây Thái Bình Dương này là chúng gia tăng sức mạnh không ngừng trong vài ngày tới.
Nếu như bão Hạ Long tăng cấp, có nguy cơ trở thành siêu bão thì áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông cũng có khả năng mạnh lên thành bão chỉ trong 24 giờ nữa, thậm chí, bão liên tục mạnh lên trong 3 ngày tới.
1. "Quái vật" bão Hạ Long ở khu vực Tây Thái Bình Dương
Trung tâm dự báo Thời tiết nguy hiểm châu Âu (Severe Weather Europe) và Trung tâm dịch vụ thời tiết Mỹ (AccuWeather) liên tục cập nhật cường độ của cơn bão nhiệt đới Hạ Long tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Vị trí và đường đi của bão "quái vật" Hạ Long. Nguồn: NASA/NRL
Theo đó, từ một cơn bão cấp 2 trên thang bão phương Tây Saffir-Simpson sáng ngày 4/11; tối ngày 4/11, bão tăng lên cấp 3 và tiếp tục mạnh hơn nữa.
AccuWeather cho biết, tính đến 1 giờ sáng ngày 5/11, bão Hạ Long tiếp tục gia tăng sức mạnh, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão lên đến 194 km/giờ, gió giật mạnh 241 km/giờ. Bão Hạ Long đang di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 11 km.
Trung tâm dự báo Thời tiết nguy hiểm châu Âu miêu tả bão Hạ Long là "đang tăng dần sức mạnh quái vật" và có khả năng mạnh lên thành siêu bão cấp 4* trong đêm nay (5/11).
Nhận thấy sức mạnh tiềm ẩn rủi ro lớn của bão Hạ Long, Trung tâm Goddard Space Flight Center của NASA đã tiến hành chụp ảnh vệ tinh và phân tích sức mạnh của bão Hạ Long.
NASA nhận định, những biểu hiện này cho thấy bão Hạ Long không chỉ tăng cấp siêu bão mà còn có khả năng gây ra những trận mưa rất lớn.
Về vị trí và đường đi của bão Hạ Long, vệ tinh Terra (NASA) cho thấy, cơn bão thứ 25 (mùa bão 2019 tại Tây Thái Bình Dương) ở vị trí cách đảo san hô Minami-Tori-shima của Nhật Bản khoảng 705 km về phía nam.
Theo đó, chuyên gia dự báo của Trung tâm Cảnh báo bão Liên hợp (Mỹ - JTWC) cho biết, bão Hạ Long sẽ di chuyển theo hướng Tây Bắc, đồng thời mạnh hơn nữa trên vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương. Cho đến lúc này, bão chưa gây ra mối đe dọa ngay lập tức nào cho các khu vực có người ở.
Với sức mạnh gia tăng không ngừng của bão Hạ Long, các chuyên gia khí tượng quốc tế đang lo ngại, bão Hạ Long 2019 sẽ lập lại kỷ lục của bão Hạ Long 2014 - siêu bão mạnh cấp 5, từng tàn phá các quần đảo Caroline và Mariana cho tới Philippines, Nhật Bản và vùng Siberia của Nga. Siêu bão khiến 12 người thương vong, làm thiệt hại kinh tế lên đến 72,8 triệu USD (năm 2014).
Trong khi đó, ở khu vực biển Đông, áp thấp nhiệt đới đang có khả năng cao mạnh lên thành bão, liên tục trong 3 ngày tới.
2. Áp thấp mạnh lên thành bão trên biển Đông, liên tục mạnh trong 3 ngày tới
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, vào lúc 7 giờ sáng nay ngày 5/11/2019, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 114,9 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 250km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 70km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Cập nhật mới nhất: Áp thấp nhiệt đới (sắp mạnh lên thành bão). Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm về phía Đông, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 07 giờ ngày 06/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 116,6 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 350km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 11,5 độ Vĩ Bắc.
Đặc biệt, dự báo thời tiết trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chậm về phía Đông, mỗi giờ đi được 5km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 07/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 117,9 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão hầu như ít dịch chuyển và tiếp tục mạnh thêm. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Do ảnh hưởng của áp thấp thiệt đới kết hợp với không khí lạnh nên ở khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông, gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.
Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa có mưa rào và dông rải rác, gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao từ 2-4m; biển động.