Search
Thứ 7, 24/09/2016, 10:32 AM

“Lũ cạn” sắp gây hạn, mặn khủng khiếp

“Lũ cạn” sắp gây hạn, mặn khủng khiếp

Việc thiếu nước trong mùa lũ đang khiến ngành nông nghiệp các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lo lắng, đứng ngồi không yên khi các nhà khoa học một đợt hạn, mặn khủng khiếp mới sẽ sớm diễn ra.

Sắp có đợt hạn, mặn lớn?

Mặc dù đang vào đỉnh điểm mùa lũ, nhưng người dân ở vùng U Minh Thượng (gồm các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận) thuộc tỉnh Kiên Giang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, khiến sản xuất gặp nhiều khó khăn. Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, việc xuống giống sản xuất vụ thu đông, hè thu vừa qua trên địa bàn toàn tỉnh không đạt kế hoạch đề ra, do khu vực U Minh Thượng gặp khô hạn nặng. Nếu từ nay đến 10.10, trời vẫn không mưa thì Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang sẽ không cho gieo sạ lúa đông xuân 2016 - 2017 ở một số khu vực và hướng dẫn người dân trồng cây khác thay thế.

 “lu can” sap gay han, man khung khiep hinh anh 1

Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, chưa bao giờ thấy cảnh đốt đồng vào mùa lũ như hiện nay (ảnh chụp tại huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang). Ảnh: C.L 

Theo Cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT), trước năm 2011, bình quân 2 năm ĐBSCL có 1 năm lũ lớn vượt 3. Trong 3 năm liên tiếp, từ 2000-2002 vùng ĐBSCL luôn có lũ lớn, trong đó năm 2000 là lũ lịch sử. Tuy nhiên, từ năm 2003 – 2009, ĐBSCL chỉ có lũ dưới trung bình.

Cũng theo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, hiện nay phía Campuchia cũng đang khai thác thủy lợi, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp nên tình hình nước ngọt phục vụ sản xuất của Kiên Giang (tỉnh biên giới giáp Campuchia) sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Trao đổi với phóng viên NTNN - Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tâm – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: “Năm nay, do tình hình nắng hạn gay gắt nên nhiều diện tích đất trồng lúa bị chết khô từ đầu năm chưa sản xuất lại được, tôm sú đầu vụ khu vực U Minh Thượng cũng chết gần hết. Bây giờ tình hình cũng rất căng, lượng mưa ít, nước ở dưới kênh có độ mặn 10‰. Nếu từ nay đến cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 không có mưa thì bà con sẽ không thể trồng lúa, do đó ngành nông nghiệp đang rất cần các nhà khoa học đến nghiên cứu, hỗ trợ”.

Tương tự, người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng đang vô cùng lo lắng vì không có lũ. Lão nông Lê Thành Nhân ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy cho biết, thời điểm này những năm trước đây, khi thu hoạch lúa thu đông người dân thường phải lội nước hoặc đi ghe nhỏ trên ruộng để cắt lúa, nhưng đến giờ nước lũ vẫn chưa thấy đâu.

Trước thực trạng chưa từng có trên, ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang đã với lãnh đạo Bộ NNPTNT và mong muốn được hỗ trợ. “Tình hình năm nay rất gay go. Không có lũ, đồng nghĩa không có phù sa về. Đi đường nối Vị Thanh – Cần Thơ, chẳng thấy có nước nôi gì. Đang vào mùa làm lúa vụ 3 (lúa thu đông) mà nông dân lại đi đốt đồng, sự việc này chưa từng xảy ra”.

Cấp bách triển khai liên kết

Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” của tỉnh đã triển khai cách đây 3 năm nhưng đến nay cần cập nhật, bổ sung thêm vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH). Được biết, tỉnh này vừa mời nhiều nhà khoa học ở ĐBSCL tham dự buổi tọa đàm “Tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện thích nghi với BĐKH”. Tại đây, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp cho tỉnh Đồng Tháp. Tới đây, “vùng đất sen hồng” mong muốn các nhà khoa học tiếp tục đồng hành cùng lãnh đạo tỉnh để thống nhất giải pháp thích ứng BĐKH trong thời gian tới và đưa ra những kiến nghị gửi đến T.Ư về vấn những vấn đề liên quan.

 “lu can” sap gay han, man khung khiep hinh anh 2

Nhiều diện tích lúa thu đông ở huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang bị chuột cắn phá vì chân ruộng không nước. Ảnh: C.L 

PGS-TS Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho rằng: “An ninh nguồn nước đang là nhiệm vụ lớn không chỉ của từng hộ, của địa phương mà còn là vấn đề của vùng, quốc gia. Vì vậy, cần tuyên truyền sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm và tránh bất đồng quan điểm giữa các địa phương”.

Mới đây, Bộ NNPTNT cũng đã phối hợp Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ mời nhiều nhà khoa học tổ chức 4 hội thảo lấy ý kiến tại 4 tiểu vùng ở ĐBSCL (gồm bán đảo Cà Mau, Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, vùng giữa sông Tiền và sông Hậu). Theo kế hoạch, vào cuối tháng 9, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo có liên quan tại Đồng Tháp và Cà Mau.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết: “Trước đây, anh em trong Bộ cũng lo lắng, suy nghĩ nát óc về vấn đề liên kết vùng, bởi không biết liên kết cái gì. Vì vậy, Bộ mới tổ chức lấy ý kiến của các tiểu vùng ở ĐBSCL để chọn ra cây, con chủ lực của từng nơi, nhằm tập trung liên kết, ưu tiên đầu tư. Ví dụ như tiểu vùng giữa sông Tiền và sông Hậu, chúng tôi vừa họp, chọn 2 cây chủ lực là dừa và . Sau khi các cây - con chủ lực phát triển ổn định thì mới mở rộng phát triển các loại nông sản khác”.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cùng với việc các công trình ở thượng nguồn, các yếu tố về BĐKH đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng  đến sự phát triển của ĐBSCL, gần đây vùng Tứ giác Long Xuyên (nơi có vai trò trữ nước cho cả vùng ĐBSCL) đã bị giảm khả năng trữ nước ngọt, giảm phù sa đáng kể. Vì vậy, vấn đề liên kết giữa các tỉnh trong việc điều phối nước đã trở nên vô cùng cấp bách. Đây cũng là cơ hội để các địa phương phát huy thế mạnh, tiềm năng chung.

Để giải quyết bài toán “lũ cạn” đang hết sức căng thẳng, đại diện các tỉnh đã đề nghị Bộ NNPTNT tổ chức một hội thảo chuyên sâu về tình hình lũ ở ĐBSCL với sự tham gia, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, kết hợp với đi khảo sát, tìm hiểu thực tế và cho ý kiến cụ thể nên làm như thế nào, việc nào cần làm ngay…

 

Theo danviet.vn



0.27421 sec| 1483.477 kb