Sau khi tiêu bị “thất sủng” do giá liên tục giảm, dịch bệnh triền miên, trong khi bơ, sầu riêng, cà phê giá cả lên xuống thất thường, nhiều nông dân ở Tây Nguyên đang lao vào phong trào mới: Trồng chanh dây.
Chả lẽ ngồi nhìn người ta thu tiền
Đó là tâm lý chung của nhiều nông dân khi thấy một loại cây nào đó đang có giá. Đây cũng là khởi phát dẫn tới nhiều phong trào nuôi, trồng mới hết rồi thất bại.
Ông Phan Hạnh (ở xã Chư Kbô, huyện Krông Búk, tỉnh Đăk Lăk) cho biết, phong trào trồng trọt chanh dây đang lan rộng ở địa phương. Theo ông Hạnh, giá chanh dây đang cao, đạt 25.000 – 26.000 đồng/kg, lại là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, nhẹ vốn đầu tư. “Chứ không lẽ chỉ biết nhìn người ta ngồi thu bộn tiền, tâm lý nông dân thấy cái gì đang có lãi thì trồng thôi” - ông Hạnh nói.
Nông dân cần cẩn trọng, không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng chanh dây. Ảnh: T.L
Ông Hạnh cho biết thêm, không có thống kê chính xác ở xã Chư Kbô, nhưng nhiều hộ trồng đến vài hécta chanh dây. Với mức giá như hiện nay, họ có thể đút túi vài triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, tất cả diện tích này là trồng tự phát, không có sự liên kết nào với doanh nghiệp trong vấn đề bao tiêu sản phẩm.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ các bản tin nông nghiệp, Tây Nguyên có khoảng 5.000ha chanh dây. Huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), dù cây chanh dây chưa được đưa vào quy hoạch phát triển, nhưng tính đến giữa năm 2017 diện tích đã hơn 80ha.
Tại xã Bờ Y, chỉ trong thời gian ngắn, diện tích chanh dây tăng chóng mặt, lên đến 60ha, chiếm hơn 2/3 diện tích chanh dây của huyện Ngọc Hồi, dù UBND xã đã thông báo các hộ dân không nên phát triển cây này quá ồ ạt.
Ai cũng có thể nhìn thấy lợi trước mắt, là chi phí đầu tư trồng chanh dây chỉ khoảng 150 triệu đồng/ha, sau 6 tháng là có thể thu hoạch. Bán với giá 12.000 – 15.000 đồng/kg là bà con đã có lãi, còn với mức giá trên 20.000 đồng/kg là có thể thu vài trăm triệu đồng/ha.
Những “cơn sóng” của thị trường nông sản
Trên thực tế, đầu năm 2017 chanh dây xuống giá chỉ còn 10.000 - 15.000/kg, sau còn 3.000 - 5.000 đồng/kg, nông dân bị một phen lao đao.
Nhưng sau đó, khi giá chanh dây sốt trở lại, bà con lại đua nhau phá bỏ vườn tiêu trồng chanh dây. Ở thủ phủ của tiêu - huyện Chư Sê (Gia Lai), chanh dây cũng kịp lan tỏa đến 100ha.
Theo Sở NNPTNT Gia Lai, từ năm 2016 đến nay, có gần 3,4 triệu cây giống chanh dây được trồng tại địa phương, trong đó hơn 2,8 triệu cây giống nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan… |
Cuối năm 2017, lô chanh dây đầu tiên được xuất khẩu sang EU. Ngay sau đó, Bộ NNPTNT và UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức khởi công xây dựng nhà máy chế biến chanh dây, rau củ quả xuất khẩu do Tập đoàn Nafoods đầu tư. Đến nay, tổng diện tích chanh dây toàn tỉnh Sơn La là 523ha, sản lượng ước đạt 3.165 tấn. Dự kiến năm 2018 tỉnh xuất khẩu khoảng 500 tấn chanh dây sang Trung Quốc. Số lượng này sẽ tăng lên 550 tấn năm 2019 và khoảng 600 tấn vào năm 2020.
Trước đó, UBND tỉnh Gia Lai đã đồng ý cho Nafoods Group đầu tư vùng nguyên liệu chanh dây 3.000ha (đến năm 2025), trong đó diện tích của nông dân là 1.300ha. UBND tỉnh này cũng đã phê duyệt 3 dự án thúc đẩy phát triển chanh dây.
Trước những thông tin này, người ta “phát sốt” vì chanh dây cũng là điều dễ hiểu. Nhưng bà con cũng cần hiểu rằng, không phải nơi nào doanh nghiệp cũng vươn đến được. Năm 2017, ông Lò Xuân Hồ ở xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) cũng trồng chanh dây với tham vọng sẽ cung cấp cho Nafoods. Nhưng vì ông ở xa nhà máy, số lượng không đủ lớn để công ty thu mua, nên ông phải tự tìm thị trường tiêu thụ.
Vì vậy, ngay cả khi giá đang “sốt” như lúc này thì bà con cũng cần tỉnh táo, đầu tư ồ ạt có thể sẽ phải chịu những hệ lụy trong tương lai.
Theo danviet.vn