Search
Thứ 2, 18/09/2017, 16:50 PM

Không phát tán tre nước Đài Loan (Trung Quốc) vì sợ lai với lúa

Không phát tán tre nước Đài Loan (Trung Quốc) vì sợ lai với lúa

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo, không phát tán cây niễng-tre nước Đài Loan (Trung Quốc) dưới mọi hình thức bởi nguy cơ khả năng tạp giao giữa loài lúa trồng. Cây niễng (Zizania latifolia Grisebs), loài lúa “lạ” được di thực và trồng tại ấp Hậu Bối, xã Đại Hải, huyện Kế Sách.

Theo đó, cắt các cây sắp trổ bông nhằm ngăn không cho cây niễng tung phấn, tạo hạt để tránh xảy ra hiện tượng tạp giao với lúa trồng, ngăn chặn sự phát tán và xâm lấn vào hệ sinh thái lúa nước; tuyệt đối không được nhân giống, mở rộng diện tích trồng loài cây này. Chính quyền và cán bộ nông nghiệp xã chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hộ trồng cây niễng thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

Khuyến cáo trên dựa vào các cơ sở khoa học sau đây:

Theo thông tin từ Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khả năng tạp giao giữa loài lúa trồng (Oryza sativa L.) với cây niễng (Zizania latifolia Griseb) tuy rất hiếm do khoảng cách rất xa về di truyền. Tuy nhiên, khi xem xét đến khía cạnh bảo tồn nguồn gen bản địa thì khuyến cáo trên là cần thiết vì trên thế giới, các nhà khoa học đã lai tạo thành công giữa giống lúa cải tiến O. sativa L. và loài Z. latifolia. Điều này cho thấy cần có sự kiểm soát chặt chẽ nguồn gen ngoại lai, tránh làm xáo trộn nguồn gen bản địa.

khong phat tan tre nuoc dai loan (trung quoc) vi so lai voi lua hinh anh 1

Ruộng trồng cây niễng-tre nước di thực từ Đài Loan (Trung Quốc) ở xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

Việc trồng cây niễng để làm rau chỉ đạt yêu cầu khi cây bị nhiễm nấm than Ustilago esculenta (nông dân gọi là “cây cái”), do vậy loài nấm than này có thể phát tán và gây hại cho cây trồng khác. Chưa có các nghiên cứu sâu về loài nấm này và khả năng gây hại cụ thể đối với các cây trồng khác. Do đó, thận trọng với cây niễng và loài nấm than là cần thiết.

Viện Lúa ĐBSCL dẫn từ Trung tâm Quốc gia về đa dạng sinh học thủy sinh và an toàn sinh học của New Zealand cho thấy sự phát tán quá mạnh, sức sống mãnh liệt và chiều cao của Z. latifolia đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng dẫn nước của hệ thống thủy lợi. Các nhà khoa học của New Zealand đang phải nghiên cứu, tìm cách để kiểm soát loài thực vật thủy sinh này. Do vậy, phải thật cẩn trọng khi cho phép mở rộng diện tích loài cây này ở vùng sinh thái khác.

Cây niễng (tại Đài Loan - Trung Quốc gọi là cây “tre nước”) được di thực và trồng tại xã Đại Hải vào tháng 4-2017, với diện tích khoảng 1.000m2 trong khu vực đất trồng lúa. Sự xuất hiện của loài cây “lạ” này thu hút sự chú ý và băn khoăn của bà con nông dân trồng lúa tại địa phương trong thời gian qua.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng cũng kiến nghị các cơ quan khoa học nghiên cứu khả năng tạp giao của cây niễng với lúa trồng; ảnh hưởng của nấm than (nhiễm trên cây niễng) đối với cây trồng khác; nghiên cứu khả năng làm thức ăn cho gia súc từ loài cây này.

 

Theo Báo Sóc Trăng



0.24063 sec| 1472.203 kb