Search
Thứ 4, 07/09/2016, 16:03 PM

Hiệu quả từ việc nuôi nai

Hiệu quả từ việc nuôi nai

Năm nay, anh Đỗ Tấn Tài (ấp Phú Cường, xã An Nông, Tịnh Biên) thu hoạch được gần 3kg lộc nhung và bán giá 14 triệu đồng/kg. Đây là cư dân nuôi nai có hiệu quả nhất ở Tịnh Biên, nhiều năm liền được xét chọn “Nông dân giỏi”, với mô hình “sản xuất nông – lâm kết hợp” để hướng tới “bảo vệ và phát triển rừng bền vững”.

NAI

Nai nuôi bán hoang dã

Bắt nguồn từ vốn hỗ trợ

Với việc phát động của Chi cục Kiểm lâm An Giang, anh Tài nhận nuôi 5 con nai (3 con đực và 2 con cái), với phương thức ăn chia 6/4 so tổng giá trị lộc nhung khai thác, nếu sinh sản được nai con thì mỗi bên chia một con giống. Như vậy, gia đình anh Tài chỉ lo xây dựng chuồng trại, ra công chăm sóc, còn con giống (vốn đầu tư ban đầu) do chương trình khuyến lâm hỗ trợ. “Hai năm đầu, tôi dồn sức tập trung nuôi nhốt, tiền chia được cũng đầu tư chăn nuôi. Khi quen rồi, mới tính chuyện thả lang, đầu tiên thử nghiệm vườn rừng”- anh Tài .

Từ 3 con đực và 2 con cái, sau 6 năm chăm sóc, anh Tài gầy dựng đàn nai sinh sản được 14 con và khai thác lộc nhung được 8 con. Giữa năm 2015, hợp đồng chăn nuôi với Chi cục Kiểm lâm An Giang kết thúc, gia đình nhận chia phần được 2 con đực và 6 con cái. Trong số này, có 2 con mới cho khai thác lộc nhung năm đầu tiên, dự kiến năm 2017, số lượng sẽ tăng lên gấp 2-3 lần so hiện tại. Lợi ích lớn nhất mà gia đình anh Tài thụ hưởng là “trẻ hóa đàn nai giống” và có khả năng khai thác lộc nhung nhiều năm tiếp theo.

Nhớ lại thời kỳ mới làm quen loài động vật hoang dã này, gia đình anh Tài chịu nhiều vất vả tạo nguồn thức ăn xanh, học cách chăm sóc, phòng trị bệnh, lắm lúc cũng phải biết… đỡ đẻ cho nai khi cần thiết. Thế nhưng, qua tham khảo tài liệu, học hỏi cán bộ kỹ thuật chuyên môn, dần dà cả vợ lẫn chồng thành thạo công việc chăn nuôi nai. “Đặc biệt, từ khi đàn nai thả lang khu vườn rừng (20 công), chúng sinh hoạt gần gũi với thiên nhiên, khả năng phát triển tốt hơn, khi nai sinh sản cũng không quá lo lắng”- anh Tài kể. Nguồn thảm thực vật rừng, đảm bảo dư thừa làm thức ăn cho nai.

Khả năng tự chủ chăn nuôi

Tham gia nuôi nai theo chương trình khuyến lâm, gia đình anh Tài thiết kế trang trại thành khoảnh (20 công vườn rừng), sử dụng lưới B40 rào xung quanh, phân vuông dành từng loại (nai giống, sinh sản, sắp khai thác lộc nhung) để tránh va chạm không cần thiết trong bầy đàn. Năm ngoái, anh Tài đầu tư xây bồn chứa nước trên 70m3, dựng nhà canh giữ đàn nai (thả lang vườn rừng), kéo đường dây điện thắp sáng khắp vườn rừng để có thể quan sát vào ban đêm, với vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng do gia đình tích lũy bằng cách nuôi ăn chia theo phương thức 6/4 trước đó.

Mùa khô năm nay, vườn rừng của anh Tài đảm bảo thức ăn cho 8 con nai, bởi diện tích rộng lớn, còn số lượng nai sau khi ăn chia giảm đi một nửa. Hơn nữa, gia đình chuẩn bị sẵn 15 công chuối trồng xen cây rừng phòng hộ, một loại thức ăn mà nai sinh sản rất ưa thích. Rồi, anh mượn đất trồng thêm rau muống, rau lang để dự trữ lúc cần khỏi phải đi tìm kiếm. Mùa mưa già, cỏ dại trong vườn rừng mọc lên um tùm, nguồn thức ăn xanh cho nai trở nên dồi dào. Nhờ vậy, khả năng tăng trưởng đàn nai luôn phát triển tốt, độ tuổi nai khai thác lộc nhung cũng nhanh.

Theo anh Tài, cách thức nuôi nai cũng tương tự nuôi bò, nuôi dê. Song, nai lại là loài động vật hoang dã, giá con giống rất đắt, sản phẩm lộc nhung thuộc dạng đặc biệt, giá trị kinh tế cao. “Qua học hỏi, rồi nắm vững kỹ thuật, tôi thấy nuôi nai hiệu quả vượt trội các loài khác”- anh Tài lạc quan. Điều kiện có được trang trại bán hoang dã là bài học lớn nhất, tận dụng diện tích vườn rừng phòng hộ để kết hợp chăn nuôi. Đó cũng là hiệu quả từ việc tham gia chương trình khuyến lâm và ứng dụng mô hình “sản xuất nông – lâm kết hợp”, tăng thu nhập kinh tế gia đình để chăm sóc và bảo vệ rừng.

 

Nguồn: baoangiang.com.vn



0.52213 sec| 1462.555 kb